Ngã tư- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo

                                                                (Ảnh minh họa)

Truyện số 5:
Thủy dừng xe trước Ngã Tư. Trời nắng như đổ lửa. Thời gian dừng chờ trên 99 giây lận. Mọi khi hẳn là sẽ bực dọc lắm, nhưng hôm nay cô chẳng còn tâm trí nào để ý đến điều đó mà chỉ chống chân một cách vô thức, đầu óc quay cuồng vì những luồng suy nghĩ trái chiều đang làm loạn trí óc cô…

***

Thủy sinh ra trong một xóm đạo nghèo. Cô nỗ lực vươn lên bằng con đường học tập và thi đỗ điểm cao vào trường Đại học Sư phạm. Giả như gia đình cô giàu có, có lẽ cô đã “đi đường khác”, nhưng trường Sư phạm đúng là phù hợp nhất rồi, vừa được miễn học phí lại vừa có điều kiện đi dạy thêm mà vẫn không lo ảnh hưởng đến chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng cuộc sống Sinh viên không phải lúc nào cũng thuận lợi như dự tính. Sau một học kỳ đạt được tất cả các mục tiêu: giành học bổng, tiền dạy thêm đủ trang trải cuộc sống và giữ được sức khỏe tốt; sang học kỳ 2, Thủy bắt đầu vướng rắc rối.

Nguyên nhân là học sinh cô dạy thêm vướng vào chuyện tình cảm, lại chuẩn bị thi Tốt nghiệp cấp ba, thi Đại học nên Thủy phải tăng cường dạy dỗ và giám sát con bé, đến cuối kỳ cô bị đuối sức, sốt cao đúng vào ngày thi môn cuối cùng, dù cố lết đến giảng đường để thi nhưng vẫn trượt. Nhà trường bố trí cho một “học kỳ phụ” vào hè để tạo điều kiện cho Sinh viên qua môn cơ sở, kịp đăng ký môn chuyên ngành ở kỳ ba. Và Thủy gặp Hải, anh là giảng viên môn học này.

Lớp chỉ vỏn vẹn có tám sinh viên nên Thủy được cử ra làm đại diện để tiện liên hệ lịch học với thầy. Lúc sắp thi, thầy bỗng dưng nhắn cho Thủy: “Thứ bảy em qua nhà tôi lấy bài luyện thi nhé”. Thủy thấy sờ sợ, vì lúc học thầy có vẻ để ý đến cô rồi, lần này thầy bảo đến nhà là sao, tại sao không bảo đến trường nhỉ, hay là do đang nghỉ hè? Thôi để cho chắc, Thủy rủ cô bạn đi cùng vậy.

Tới nơi, một căn hộ chung cư khá sang trọng, vừa bước vào Thủy đã thấy sự lo lắng của mình thừa. Ngay chính giữa phòng khách là bàn thờ Chúa, chứng tỏ thầy là người Công giáo. Trên tường bên là bức ảnh thầy và một đứa trẻ khoảng hai tuổi trong trang phục “Ông già Noel”, có lẽ là con trai thầy, dù trông thằng bé dường như không có nét giống bố.

Thầy lịch sự mời hai đứa:

- Các em ngồi chơi, để thầy vào lấy đề…

Nói xong thầy đá mấy bộ đồ chơi vào góc phòng rồi vơ mấy bộ quần áo bẩn đang vứt lung tung trên sàn nhà, đi vội vào trong. Thủy để ý thấy nhà cửa có vẻ lộn xộn như lâu ngày không được dọn dẹp.

- Dạ, vâng ạ…


- Đây rồi, thầy cũng đã hướng dẫn cụ thể trong đề, em về phô-tô rồi phát cho các bạn làm thử, thứ hai thầy chữa bài rồi tuần tới thầy cho thi theo lịch nhé, nhớ nhắc các bạn đi đủ!

- Dạ vâng ạ.

- Các em thông cảm, nhà bừa bộn quá, thiếu bàn tay phụ nữ…

- Ơ, vậy là…

- Ừ, vợ thầy mất hai năm nay, khi thằng bé còn nhỏ, thầy đang gửi nó bên nội, cũng tính dọn dẹp nhà cửa thì các em đến.

- Ôi vậy thì để bọn em giúp thầy ạ.

Tự dưng hai đứa thấy thương bố con thầy ghê, xắn tay dọn dẹp nhà thầy luôn dù thầy từ chối. Rồi sau đó cứ cuối tuần, Thủy lại đến giúp thầy dọn dẹp, thầy trả công bằng cách giới thiệu cô thêm việc dọn dẹp cho nhà bạn bè thầy, thế là cô lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, bù lại phần trượt học bổng kỳ hai. Điều kỳ lạ là thầy không bao giờ nhắc đến vợ, trong ngôi nhà không có chút hình ảnh nào của chị ấy cả, đã có lần Thủy thắc mắc, thầy chỉ ậm ừ: “Vì thằng bé còn nhỏ, thầy không muốn gợi lên ký ức đau thương cho nó”.

Có lần tình cờ Thủy gặp thằng bé, nhưng nó cũng không có khái niệm gì về mẹ cả nên mọi nghi ngờ của cô đều tan biến. Cô tin lời thầy - một người lịch sự, đáng kính và tốt tính, đúng như mẫu hình thánh Giuse bổn mạng của thầy. Và rồi cô đã yêu thầy lúc nào không hay, một tình yêu âm thầm, đơn phương, kiểu như cô hầu gái yêu ông chủ vậy.

Hai năm sau, lúc Thủy đang dọn nhà, thầy bỗng dưng lên tiếng:

- Thủy này, em ngừng lại, tôi có chuyện hệ trọng muốn nói…

- Dạ vâng ạ.

Thủy đáp lời, lòng không khỏi băn khoăn. Cô tháo găng tay, chỉnh trang quần áo rồi ngồi xuống.

- Em biết đấy, em sắp ra trường rồi, đã có dự định gì cho tương lai chưa?

- Dạ…em chưa. Hay thầy tính không thuê em dọn nhà nữa ạ…

- Đúng thế!

Thủy sốc, cô thật sự buồn, nhưng cũng ngạc nhiên khi thấy thầy mỉm cười. Rồi bỗng dưng thầy nhỏ nhẹ:

- Thực ra là, chuyện này hơi khó nói. Em biết đấy, thằng bé nó cũng quý em, em làm mẹ nó nhé…

Thủy càng sốc mạnh hơn, mặt cô từ tái mét chuyển sang ửng hồng.

- Thực ra là… Hải lại ngập ngừng… là anh quý em từ lâu rồi, nhưng phần vì là thầy trò, phần là do… tôi nói thật… em biết đấy… tôi mọt sách, không có biết cưa tán gì cả, nên tôi cầu hôn em đường đột thế này, mong em đồng ý, tôi muốn đơn giản, nhanh gọn… Tôi biết em còn trẻ, em muốn một cuộc tình lãng mạn, một màn tỏ tình đầy hoa dưới nến, nhưng có lẽ tôi không làm được, tôi hứa sẽ bù đắp cho em bằng sự quan tâm, chăm sóc sau này. Tôi dự tính xin cho em một chân trợ giảng, rồi học xong Thạc sĩ sẽ được đứng lớp…

Thủy xấu hổ đến quằn quại, nhưng cô á khẩu không nói được lời nào, bởi cô đã thầm yêu Hải từ lâu. Đôi lúc cô cũng thấy như là định mệnh vậy, hai cái tên Thủy - Hải, hai tên thánh Maria - Giuse là do Chúa sắp đặt để dành cho nhau chăng. Cô vô thức líu ríu theo chân Hải khi anh cầm lấy tay cô, thì thầm: “Mình sang nhà anh, cũng coi là ra mắt bố mẹ, rồi ta đưa cu Tí đi công viên chơi nhé”.

Ngày hôm ấy có lẽ là ngày hạnh phúc nhất đời Thủy, ba người đi chơi với nhau rất vui vẻ và đêm ấy Thủy đã rơi vào vòng tay Hải. Chút ân hận vì lỡ “ăn cơm trước kẻng” của cô đã bị xua tan khi ngay sau đó Hải đề nghị cô đi thử váy cưới ngay ngày mai. Tất cả đến nhanh như một giấc mơ…

…Và cũng đi nhanh như một giấc mơ…

Sáng hôm sau, Chúa nhật, Thủy vừa bước ra khỏi cửa hông Nhà thờ thì có người kéo tay cô lại, là một người phụ nữ mặt bự phấn:

- Này, cô là gì của anh Hải vậy?

- Dạ, là…học trò ạ - Thủy trả lời ngập ngừng - Chị là ai mà sao lại hỏi vậy ạ?

- Học trò gì mà đưa nhau đi lễ thế này, vợ sắp cưới chứ gì?

- Dạ, mà sao…

- Eo ơi, khốn nạn!

- Sao, chị bảo sao?

- Sao sao cái gì? Giật chồng người khác chứ sao với trăng gì nữa!

- Ơ! Chị không được xúc phạm người khác! Tôi không…

- Sao hả, sao hả… À, đúng rồi, hay là, hay là… Lão Hải bảo cô là cái Giang chết rồi hả, không đâu, nó còn sống sờ sờ ra đấy, chỉ là bị ruồng bỏ thôi.

Nói xong, người phụ nữ ngúng nguẩy quay đi. Thủy vội kéo tay cô ta lại:

- Chị, chị kể cho em đi, sao chị biết rõ vậy ạ?

- Này nhé. Để đây kể cho mà nghe. Năm năm trước cái Giang có bầu thì bị thiên đầu thống, bác sĩ khuyên nó phá thai để chữa bệnh nhưng nó không nghe, đến khi sinh thằng bé thì bệnh trở nặng nên bị mù. Nhà lão Hải thất đức lắm, đưa cho mẹ cái Giang một cục tiền rồi dẫn nó về quê, còn nói với mọi người là con bé đã chết khi sinh con, nhưng tôi thì biết rõ nó còn sống, vì tôi là bạn cùng quê với nó mà, tết nào về chả ngồi khóc với nó. Tôi thấy cô có vẻ hiền lành, đừng làm cái việc thất đức ấy nhé. Đây này, hình của nó đây, nếu cô không tin, tôi cho cô địa chỉ về xác minh.

Nói rồi chị ta bật smartphone lên cho Thủy xem một hình một người phụ nữ khá xinh đẹp dù đeo kính đen che gần hết mặt đang ngồi bệt ở thềm nhà, tay phải cầm cây gậy nhỏ, quả đúng là một người mù. Thủy sốc nặng nhưng vẫn xin chép lại địa chỉ của Giang, lòng quyết tâm tìm ra sự thật. Một lát sau, cô lê bước ra cổng Nhà thờ, đã thấy bố con Hải đứng đợi, anh không hề trách móc mà chỉ hỏi nhẹ: “Ở lại làm việc kính Đức Mẹ à”. Thủy nghẹn đắng, cô không trả lời nổi mà chỉ gật nhẹ đầu.

***

Thủy kiếm cớ không đi xem váy cưới nữa, cáo về nhưng thực ra là chạy xe xuống quê Giang. Cô khóc nức nở khi từ xa nhìn thấy Giang y như người phụ nữ kia kể, đang được mẹ dìu về nhà, mặc áo dài, chắc cũng đi lễ về. Cô vội quay xe trở lại Thành phố, lòng ngổn ngang trăm mối.

Tin tin, tin tin. Tiếng còi xe và cả tiếng một thanh niên bông đùa: “Đi đi người đẹp ơi” làm Thủy giật mình trở về với thực tại. Trễ rồi! Lại đèn đỏ, lại thêm hơn 99 giây cho cô suy nghĩ chăng? Bởi vì cô vẫn chưa chọn được hướng đi tiếp theo: Rẽ phải về quê mình để lấy lại thăng bằng; đi thẳng về Thành phố vạch mặt tên Sở Khanh kia hay rẽ trái lên Đền thờ Đức Mẹ - Thánh bổn mạng mà ăn năn sám hối tội lỗi của mình?!

Đèn giao thông nhấp nháy thay màu. Thủy định chuyển làn, thốt nhiên có ý tưởng xẹt qua đầu khiến cô quay xe trở lại: “Tại sao cu Tí cũng chẳng có nét nào giống mẹ Giang cả…”

Thủy lại chợt nhớ, đã có lần Hải từng kể rằng, năm xưa chị Giang đã từng tha gia nhóm “Bảo vệ sự sống” của Nhà thờ, có phải chăng…