Trái tim Thánh đường

Văn thơ Công giáo

(Thánh đường Giáo xứ Quý Hòa mới xây dựng)

Con đã trở về đây, trở về đây!
Tôi muốn kêu thật to lên khi đứng trước ngôi Thánh đường đã hơn hai mươi năm tuổi, nơi đã thay tôi chứng kiến những năm tháng đã qua của xứ này…
***
Tôi là một trong số những “con thiêng liêng” của cha Phê-rô Đậu Đình Triều - người gắn bó gần hai mươi năm ở Quý Hòa. Mặc dù vậy, tôi không phải là người của Xứ, tôi theo cha với ước mong gì ai cũng biết, nhưng còn chuyện “bền đỗ” hay không, thì chắc là chỉ có Chúa biết mà thôi. Ngôi thánh đường sắp được hạ giải này cũng là ngôi thánh đường tôi “chỉ mới gặp một lần” ngày khánh thành, vào hơn hai mươi năm trước, vào 1994, còn ngôi thánh đường gắn bó với tuổi niên thiếu và với xứ sở này là ngôi thánh đường trước đó cơ.

Tôi được bố mẹ cho theo hầu cha khi mới hơn mười tuổi, tới Quý Hòa vào những năm cuối thập niên Tám Mươi của thế kỷ trước. Một điều đặc biệt là cha Triều tuy là quản Hạt Kỳ Anh (quen gọi là xứ Châu Long), nhưng ngài quá yêu người Quý Hòa, lại thích ăn cá nên không ở lại Hạt mà vẫn tiếp tục ở nhà xứ Quý Hòa như nhiều năm trước đó, chỉ chạy chiếc xe gắn máy ba-bét-ta mỗi cuối tuần lên làm lễ ở Hạt rồi lại về. Nghe nói tại dân Quý Hòa mộ đạo, thương cha, còn dân Châu Long thì nổi tiếng bởi câu “Đạo Châu Long như cơn nóng rét”, họ là “dân kẻ chợ”, thành ra nhạt đạo lắm và không có nhiệt tình giữ cha lại. Tôi thì còn bé, nghe người ta bảo vậy thì biết vậy thôi.

Về hầu cha, tôi cũng yêu quý xứ sở này. Người dân miền biển chân chất, thật thà khác hẳn với “dân kẻ chợ” nhà tôi. Nói như vậy không phải là “có mới nới cũ”, mà cũng có thể tôi có tư tưởng giống cha Triều, thành ra không có thích ba cái thứ xô bồ, ồn ào nơi cửa ngõ của Thị trấn. Và ở đây, tôi đã gặp Nam, một cô bé có mái tóc cháy nắng cột hai bím trông như nhân vật hoạt hình mà có lần tôi nhìn thấy ở trong chiếc Ti-vi Samsung đen trắng chỉ bé bằng hai bàn tay của cha Giuse Hồ Ngọc Bá - người lúc đó đang quản xứ Đông Yên - vào một lần cùng cha Triều đi Lễ Chầu lượt ở đó. Cô bé này đúng là “Nam”, rất mạnh mẽ và táo bạo, lại trái ngược hẳn với tôi, nhẹ nhàng và nhút nhát (người ta bảo như rứa mới dễ đi tu), chính vì vậy nó mới đánh bạn với tôi, chứ mấy cô gái khác thường gọi tôi bằng “chú”, dù tôi mới chỉ hơn 10 tuổi và “né” tôi rất xa. Bé Nam “dạy” cho tôi những trò nghịch ngợm của thiếu niên, trong đó trò chơi mà tôi yêu thích nhất là lượm những viên đá mỏng và lia trên mặt hồ trước Nhà thờ để hòn đá lướt hai, ba hay nhiều lần trên mặt nước, có những viên lượn dài như con rắn nước rồi mới chịu chìm, và đó là tiêu chí để chúng tôi thi thố xem ai thắng cuộc. Nam cũng là người dạy cho tôi bơi ở ngay cái hồ này - sau nhiều lần uống no nước, bởi là thân phận “chú”, tôi có được lượn ra biển chơi mỗi ngày đâu. Mỗi lần Kỳ Anh chầu lượt, Nam được bố dẫn đi chầu, mang theo cá tươi, là một con cá ngừ hay vài con cá móm, tùy theo hôm trước đi biển đánh bắt được, để làm quà và ăn ngủ tại nhà tôi, nhưng ngược lại, mỗi lần Quý Hòa chầu lượt, thì bố tôi lại ở nhà xứ với tôi chứ không ở trọ nhà Nam, bố tôi dặn là “phải giữ kẽ”, dù hơn hai mươi năm sau tôi vẫn chưa hiểu ba chữ đó có ý nghĩa gì.

Thế rồi có những “tin đồn” đã về tới Tòa Giám mục, bề trên yêu cầu cha Triều phải về quản Hạt. Mấy lần tôi theo hầu cha trở lại Châu Long nhưng ngài ở không quen, được vài ngày lại về Quý Hòa ở cả tháng. Giáo dân Quý Hòa cũng giữ cha cho bằng được, có lần ngài bí mật thu gom toàn bộ hành lý, định lén đi trong đêm. Cha dặn dò tôi cha đẩy xe và đồ đi trước, vì sợ tiếng xe máy sẽ bị lộ, rồi tôi đi xe đạp theo sau, còn tư trang của tôi thì gói gọn lại một chỗ, hôm sau bố sẽ xuống lấy. Thế nhưng không hiểu sao “tin tức gián điệp” lại lộ ra bên ngoài, cha vừa dắt xe ra khỏi nhà xứ là ban hành giáo và cả đoàn giáo dân đợi sẵn ở bên ngoài, không chịu cho cha đi, cha nổ máy để chạy thì bị kéo rách cả áo, cái xe “ba-bét-nhè” tội nghiệp ngã quay ra, và ngài lại phải về Nhà phòng ngủ. Bốn giờ sáng tôi dậy kéo chuông lễ còn thấy nhiều giáo dân “canh thức” ở bên ngoài, chắc sợ cha lại “trốn đi”.

Ba lần bảy lượt không về Châu Long, như cha đã dự liệu và thường than vắn thở dài với tôi, cuối cùng điều gì phải đến cũng đã đến, bề trên quyết định thuyên chuyển ngài về Vạn Lộc, chấm dứt kỷ nguyên gần hai mươi năm tại xứ sở này và chuyển cha Bá từ Đông Yên về coi sóc Hạt Kỳ Anh. Ngày cha đi, giáo dân Quý Hòa tiễn cha cả đoàn dài, tới tận Thị trấn có nhiều người vẫn chưa ngừng khóc, họ nói rằng hay là cha xin ở lại, ở trên Châu Long cũng được, Quý Hòa sẽ không giữ nữa, vì được gặp cha mỗi cuối tuần còn hơn là cha đi mãi, ai cũng ý thức được rằng chuyến này cha đi sẽ không bao giờ được thuyên chuyển trở lại Quý Hòa một lần nữa.

Tôi cũng buồn vì đã quen cảnh, quen người. Hơn nữa ra tới Cẩm Xuyên, muốn chạy về nhà cũng không có dễ. Tôi cũng phải xa người bạn thân nhất của mình. Người ấy - nàng Nam đầy cá tính chỉ viết cho tôi đúng một lá thư, kể rằng sau khi cha Triều chuyển đi thì nhà xứ buồn hiu hắt, vì cha Bá không ở lại Quý Hòa và đang lên kế hoạch xây lại nhà thờ.

Ba năm sau, khi cùng cha Triều chuyển tới Văn Hạnh, tôi lại có dịp trở lại Quý Hòa, vào ngày khánh thánh ngôi thánh đường này, nhưng đó là lần trở lại duy nhất cho tới bây giờ, trong ký ức chỉ lưu lại chút hình ảnh về ngôi nhà thờ có một tháp chuông cao hình tròn phía trước, trông giống kiểu kiến trúc của Chính thống giáo Nga Xô hơn là kiểu Gô-tích La Mã như các thánh đường Công giáo thông thường. Chuyến trở lại này tôi không kịp gặp Nam. Cha Triều một lần nữa vội vàng quay lại Văn Hạnh, vì được “mật báo” là giáo dân Quý Hòa sẽ “quây” lấy ngài. Mọi người đều hy vọng cha Triều sẽ trở lại, vì sắp tới cha Bá sẽ chuyển ra làm giám quản Giáo phận…
***
“Tõm…”
Đang miên man nghĩ về quá khứ, bỗng tôi nghe thấy tiếng một đứa bé bị rơi xuống hồ và tiếng trẻ con lao nhao. Không kịp nghĩ gì, tôi nhảy vội xuống hồ, miệng kêu: “Để bác cứu cháu”, thì mấy đứa trẻ trẻ bờ cười ồ lên, đứa trẻ vừa rớt xuống hồ cũng đã trồi lên mặt nước, vừa vuốt tóc vừa chửi: “Tổ cha bay”, làm tôi cười ra nước mắt. Sao tôi lại ngây thơ đến thế, khi đã biết rằng lũ trẻ ở đây chỉ bốn hay năm tuổi đều đã biết bơi rồi. Nhưng qua bao năm đổi thay, Xứ nhà sắp sửa chuyển sang ngôi thánh đường thứ ba kể từ ngày ấy, thì bọn trẻ con vẫn cứ nghịch ngợm như ngày nào, có những đứa hiền hòa như cha Triều, nhưng cũng không ít đứa mạnh mẽ như cha Bá hay là… bé Nam. Thốt nhiên nghĩ tới cô, nhất định tôi sẽ tìm gặp, nghe nói nàng ta bây giờ vẫn xinh đẹp dù đã ở tuổi U50 và sắp làm… Bà Cố, vì đứa con gái đầu của cô trùng tên tôi đang đi Nhà Dòng, sắp khấn. Cũng như lời kể của một người thân, sở dĩ sau đó Nam không viết thư cho tôi nữa, vì bức thư thứ hai đang viết dở thì bị bố cô phát hiện và đánh cho một trận “lên bờ xuống ruộng”. Tới lúc này tôi mới hiểu được ba chữ “phải giữ kẽ” là thế nào, sau đúng ba mươi năm!

Thánh đường vẫn in bóng mặt hồ, đôi chút xao động do đứa trẻ vừa mới trèo lên hàng rào, đã được xây quanh hồ đẹp đẽ. Quá nhiều thứ đã đổi thay, cha Phê-rô, cha Giuse đều đã yên nghỉ trong Chúa, nhưng lời giảng của các ngài vẫn như âm vang đâu đây, trong trái tim tôi, trong trái tim người Quý Hòa hay trong ngôi thánh đường này…