Một số địa điểm hành hương kính Đức Mẹ- Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Anne de Jesu

   

 *Những địa điểm Hành Hương Quốc Gia*

Chúng ta luôn gọi Đức Mẹ với nhiều danh xưng: Hiền Mẫu luôn yêu thương che chở con cái- Sao Biển hay Hải Đăng dẫn lối cho những con tàu về bến bình an- Trạng Sư bênh đỡ tội nhân là chúng ta trước Vị Thẩm Phán chính trực quyền uy là Thiên Chúa- Nữ Vương bình An- Nữ Vương Thiên Đàng- Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc- Nữ Vương Truyền Phép Mân Côi…

Nhưng muốn được hưởng những hồng ân Thiên Chúa phải nhờ bàn tay chuyển tiếp của Đức Mẹ mà phương tiện nguyện cầu hữu hiệu nhất không gì bằng Kinh Mân Côi : Chuỗi Hoa Xuân Linh Diệu. Chính vì thế, nên mỗi độ Xuân về con cái Mẹ lại nô nức tìm về những điểm hành hương, quì dưới chân Mẹ để đón nhận Hoa Thiêng Mẹ ban.

Trong những lần Đức Mẹ hiện ra nhiều nơi trên thế giới, Mẹ luôn nhắc bảo loài người phải năng lần Chuỗi Mân Côi để tránh sự trừng phạt của Thiên Chúa như tại Fatima (Bồ Đào Nha), Lộ Đức, La Salette (Pháp), Guadalupe (Mễ Tây Cơ), Medjugorge hay Mễ Du (Nam Tư), Naju(Hàn Quốc), Đức Mẹ Đen (Bỉ), Đức Mẹ núi Camêlô hay Cát Minh ( Thánh Địa)…

Riêng tại Việt Nam, giáo dân đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ: nhiều Thánh đường dâng kính Đức Mẹ, nhiều hội đoàn nhận Đức Mẹ là Quan Thày, nhiều địa điển hành hương với những Đại hội mừng kính Mẹ long trọng và hân hoan…

Trong những ngày Kỷ Niệm nơi Đức Mẹ hiện ra hay đầu Năm Mới, nhiều Đại hôi Hành hương Kính Đức Mẹ được tổ chức rất trọng thể tại nhiều Giáo Phận trong Đất Nước

Xin giới thiệu cùng Quí độc giả những địa điểm Hành Hương nổi tiếng kính Đức Mẹ tại Việt Nam sau đây:

*Mẹ La Vang



- Địa điểm: La Vang thuộc làng Cổ Vưu, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Tổng Giáo Phận Huế.

Từ ngữ La Vang có 2 giả thuyết: (1) Nơi xưa kia là rừng hoang nước độc, nhiều thú dữ, nên những người đi rừng khi gặp nguy hiểm phải ‘la’ to để tiếng ‘vang’ xa cho người khác biết đến tiếp cứu. (2) Nơi Đức Mẹ hiện ra có loại cây gọi ‘lá vằng’ Đức Mẹ đã bảo giáo dân lấy để chữa bệnh.

-Sự tích: Dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, ngày 17/8/1798 ban chiếu chỉ cấm đạo Gia-tô, một số giáo dân chạy

trốn vào rừng hẻo lánh La Vang để giữ đạo. Sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu ăn, bệnh tật..vừa sợ quan quân vây bắt, vừa sợ thú rừng làm hại. Nhưng mọi người luôn vững tin và

phó thác trong tay Chúa và Đức Mẹ, họ thường tụ họp dưới gốc cây đọc kinh cầu nguyện. Đức Mẹ đã hiện ra tay bồng Chúa Hài Nhi, có ThiênThần chầu hai bên. Mẹ an ủi giáo dân vui lòng chịu khó và dạy hái lá cây đem nấu để chữa bệnh. Đức Mẹ hứa:”Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay hễ ai chạy đến cầu khấn Mẹ tại nơi này.Mẹ sẽ ban ơn theo ý nguyện”

Từ ngày đó đến nay, nhiều người thành tâm đến cầu xin đã được Mẹ ban ơn.

Nơi Đức Mẹ hiện ra, một Thánh đường đã được xây kính Mẹ, nhưng bị tàn phá vì chiến tranh năm 1972- Mãi đến ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/8/13, Lễ Đặt Viện Đá Xây Vương Cung Thánh Đường theo kiến trúc Á Đông mới được thực hiện.

Biểu tượng Đức Mẹ La Vang: bồng Chúa Hài Đồng, mặc áo dài truyền thống Việt Nam.

La Vang trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và cứ 3 năm một lần Đại Hội Hành hương thường tổ chức vào dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Có ai về Quảng Trị,
Nơi Thánh Địa La-Vang,
Gởi ngàn lời thương nhớ,
Xưa xóm đạo điêu tàn.


Hơn hai trăm năm trước,
Âm khí phủ rừng hoang,
Mặt trời không chiếu sáng,
Ác thú sống từng đàn.
Một Bày Chiên tan tác,
Trôi dạt đến chốn này,
Tránh quan quân lùng bắt,
Người theo đạo Gia-tô.
Bao tháng ngày khắc khoải,
Lương thực đã cạn khô,
Bệnh tật gieo tang tóc,
Thần chết đang chực chờ!


Nhưng đức tin vững mạnh,
Đoàn Chiên dốc một lòng,
Khẩn cầu Mẹ Nhân Ái,
Nguồn che chở cậy trông.
Đêm rừng dâng giá buốt,
Quây quần dưới gốc cây,
Lời kinh chiều vang dội
Trong sấm chớp kinh hoàng.
Bỗng bừng lên vầng sáng,
Tuôn chảy ánh hào quang,
Mẹ hiện ra rực rỡ,
Tay bồng Chúa Hài Nhi,
Mẹ mỉn cười từ ái,
Phán bảo với Đoàn Chiên:

“Hỡi các con của Mẹ!
Đã tha thiết kêu xin,
Mẹ nhận lời tất cả,
Từ đây tại nơi này,
Kẻ nào đến khấn nguyện,
Mẹ sẽ đổ ơn đầy.”

Từ ngày ấy đến nay,
Đúng như lời Mẹ hứa,
Sóng người đổ về đây,
Thành tâm cầu khấn Mẹ,
Tai nạn đã vượt qua,
Bệnh nan y thoát khỏi
Tội lỗi được thứ tha,
Tình yêu Chúa chan hoà,
Trên tâm hồn xám hối.
La-vang tiếng đồn xa,
Vang danh khắp thế giới
Như Thánh Địa Hành hương:
Fa-ti-ma,Lộ Đức,
Cùng Linh Địa Việt Nam.
Mỗi ba năm Đại Hội
Người nô nức đổ về,
Lòng tin yêu tràn ngập,
Như biển sóng xô bờ,
Cuồn cuộn theo nhịp thở,
Muôn khúc nhạc vang lên,
Ngàn lời cầu tha thiết,
Nguyện Đất Nước bình yên.

Tôi người con viễn xứ,
Sống xa quê mỏi mòn!
Có ai về Quảng Trị,
Nơi Thánh Địa La-Vang,
Xin gửi ngàn thương nhớ,
Yêu Xứ đạo vô vàn!

*Mẹ Trà Kiệu


- Địa điểm: Nhà thờ kính Đức Mẹ xây trên đồi Bửu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam,Giáo phận Đà Nẵng . Trà Kiệu là cố đô của người Chiêm Thành xưa.

- Sự tích: Ngày 1/9/1885, lính Văn Thân kéo đến vây làng Trà Kiệu định tàn sát người Công Giáo vì cho là các tín hữu đã tiếp tay với Pháp xâm chiếm Việt Nam. Phía Văn Thân mạnh hơn nhiều với 4000 quân lính được trang bị vũ khí đầy đủ và súng thần công. Trong khi họ đạo chỉ có 400 thanh niên vũ khí thô sơ xông ra chiến đấu với khẩu hiệu ‘Giêsu-Maria-Giuse’, còn người già và trẻ em tập trung dưới chân tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Phía Văn Thân tập trung hỏa lực bắn phá Thánh đường nhưng không thể nào trúng và chính viên chỉ huy thú nhận rằng đã nhìn thấy:

‘Nhiều em nhỏ áo đỏ áo trắng, tay cầm gươm từ trên không bay xuống hỗ trợ giáo dân do một Bà rất xinh đẹp đứng trên nóc nhà thờ chỉ huy’. Nên sau 20 ngày đêm chiến đấu lính Văn Thân phải tháo chạy và giáo dân chiếm lại đồi Bửu Châu nơi Văn Thân đặt bộ chỉ huy.

Năm 1898 giáo dân xây ngôi Thánh đường trên đồi Bửu Châu dâng kính Đức Mẹ mang tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ngày 31/5/71 Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm ngọc Chi đã chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo Phận Đà Nẵng và 3 năm một lần Đại hội hành hương được tổ chức. Năm 2013 Đại Hội long trọng diễn ra trong 3 ngày 29,30, 31/5 Mừng kính 128 năm Mẹ hiện ra và kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Phận.


Tôi đứng dưới chân đồi,
Ngước mắt nhìn khung trời,
Ngôi giáo đường in bóng,
Chiều mây lững lờ trôi.

Trải qua bao đời người,
Cố đô dân tộc Hời,
Đã chìm vào dĩ vãng,
Giữa cô tịch mù khơi.

Nơi ấn dấu một thời,
Nhân chứng giữa đất trời,
Giáo dân làng Trà Kiệu,
Đức tin tỏa sáng ngời.

Khi phong trào Cần Vương,
Bốn ngàn quân phô trương,
Xưng ‘Bình Tây Sát Tả’,
Vây chặt khu Thánh đường.

Thâm ý diệt cho mau,
Hơn hai ngàn giáo dân,
Đang vang lên kinh nguyện,
Cùng đồng lòng hiến dâng.

Địch tấn công nhiều lần,
Bắn xối xả ầm ầm,
Nhưng bốn trăm tín hữu,
Luôn giữ vững tinh thần.

Chúng không thể tiến gần,
Nên lệnh truyền rút, quân,
Sau bao ngày công hãm.
Thất bại thật thảm sầu.

Vì run sợ kinh hoàng,
Vị Nữ Vương Thiên đàng,
Từ mây trời xuất hiện,
Đuổi giặc chạy tan hoang.

Kinh Mân Côi vang rền,
Đức Mẹ đã lắng nghe,
Lời cầu xin tha thiết,
Giang tay Mẹ chở che.

Từ ngày ấy đến nay,
Minh chứng vẫn còn đây,
‘Bà phù hộ giáo hữu’,
Tước hiệu ngôi Thánh đường.

Dưới chân Mẹ Hòa bình,
Tôi lẩm nhẩm lời kinh,
Cho Quê Hương lửa khói,
Mau kết thúc chiến chinh.

Tôi đứng dưới chân đồi,
Chiều tím dâng chân trời,
Ngôi Giáo đường mờ bóng,
Hồn nâng lên chơi vơi.

Một trăm ba lăm năm,
Tưởng ngày nào đâu đây,
Hôm nay Mừng Đại Hội,
Lòng xôn xao ngất ngây.

*Mẹ La Mã, Bến Tre


- Địa điểm: Nhà thờ La Mã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Giáo Phận Vĩnh Long. Lã Mã là họ Bầu Dơi xưa kia, được Đức Giám Mục Phêrô Mactinô Ngô đình Thục đặt tên ngày 11/11/1949.

- Sự tích: Năm 1930 Lm Luca Sách chánh xứ Cái Bông khi thành lập họ đạo Sơn Đốc đã tặng nhà thờ ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. 1947 giáo dân phải tản cư vì chiến tranh.Đầu năm 1950 ông trùm họ đạo mang ảnh Đức Mẹ về giao cho con trai cất giữ. Ngày 2/2/50 quân Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, có người chạy đem theo ảnh Đức Mẹ nhưng dọc đường sợ hãi ném xuống sông.

Ba tháng sau ngày 5/5/50, một phụ nữ đạo Cao Đài đi mò cua bắt ốc vô tình vớt được ảnh, nhưng đã bị lu mờ vì bùn bám đầy. Chính con trai ông trùm xin lại ảnh đem về lau chùi sạch sẽ, nhưng vẫn không lộ hình nên không thể thờ kính, bèn gác trên mái nhà. Khi ông trùm sang giúp con dọn dẹp nhà thấy tấm hình, ông la rày và đem ảnh về đặt trên bàn thờ. Tháng 10/50 chiến tranh lại bùng nổ, dân làng Bầu Dơi chạy trốn chỉ còn hai cha con ông trùm núp sau bàn thờ luôn miệng cầu xin Đức Mẹ phù hộ. Chiến cuộc chấm dứt, nhà cưa bị hư hại, nhưng tủ thờ còn nguyên vẹn.

Ông ngước nhìn lên ảnh thì thấy hình Đức Mẹ hiện rõ. Hôm sau, nhiều người trong họ đạo đã được chứng kiến hiện tượng lạ này. Ngày 20/6/51 họ đạo La Mã đã long trọng rước Đức Mẹ về nhà thờ với sự tham dự đông đảo giáo dân cùng một số tín đồ các tôn giáo khác.

Qua bao năm tháng, người người nô nức đổ về cầu xin dưới chân Mẹ Hằng Cứu Giúp và đã nhận được nhiều ơn lành.

Ngày 5/5/13 Giáo Phận Vĩnh Long đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 63 năm (5/5/50- 5/5/13) tìm lại Linh Ảnh Mẹ.

Đức Cha Tôma Nguyễn văn Tân chủ lễ cùng 33 Linh Mục đồng tế và hàng chục ngàn giáo dân, du khách, dòng tu, đại diện Cộng đoàn nhiều Giáo Phận về tham dự.

Ai về La-Mã, Bến Tre,
Dòng sông uốn khúc lối về thân thương,
Truyện xưa lưu dấu còn vương,
Mẹ Hằng Cứu Giúp yêu thương xóm nghèo.

Chiến tranh tàn phá tiêu điều,
Giáo dân phiêu bạt trăm chiều xót xa,
Lửa bom trùm phủ quê nhà,
Ảnh Mẹ trôi dạt nhạt nhòa đáy sông.
Nhưng rồi một buổi trời trong,
Vớt lên Ảnh Mẹ nhưng không thấy hình,
Trùm họ giữ Ảnh nhà mình,
Thành tâm cầu nguyện lời kinh đêm trường,
Chiến tranh nhà nát tang thương,
Bàn thờ còn đó không vương vết gì.
Thật là phép là diệu kỳ!
Hình Mẹ tỏa sáng nét ghi rõ ràng.
Giáo dân lòng dạ hân hoan,
Rước về nhà nguyện khang trang kính thờ,
Tin yêu lòng thỏa ước mơ,
Đoàn con yêu Mẹ sớm trưa quây quần.

Nơi đây Mẹ đã bao lần,
Giang tay tuôn xuống hồng ân con cầu.
Chính nơi Linh Ảnh nhiệm mầu,

Một Đài Kỷ Niệm trên sông vẫn còn.
Hàng năm Đại hội hành hương,
Giáo dân nô nức muôn phương kéo về,
Hương hoa dâng phủ bốn bề,
Lời kinh khúc hát say mê tâm hồn,
Thánh đường vang dội hồi chuông,
Dòng sông gợn sóng yêu thương đón mời,
Nghe trong tiếng gió ai ơi!
Tìm về La-Mã là nơi lưu truyền:

Mẹ Hằng Cứu Giúp uy quyền,
Dâng đời tín thác Mẹ Hiền chở che.
Người về sông nước Bến Tre,
Có nghe sóng vỗ Hồn quê dâng trào.

*Mẹ Tà- Pao


Địa điểm: Tà Pao thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Giáo Phận Phan Thiết.

Tà Pao theo tiếng dân tộc K’Ho nghĩa là giấc mơ đẹp.

-Sự tích: 1950 nhân dịp Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. TT Ngô đình Diệm chỉ thị Phủ Tổng ủy dinh điền cho xây 5 tượng đài kính Đức Mẹ vào những năm 59, 60 và 61 tại Giang Sơn (Đắc lắc)- Thác Mơ (Phước Long)- Phương Hoàng (Kontum)- Trinh Phong (Ninh Thuận) và Tà Pao (Bình Tuy nay là Bình Thuận).

Ngày 8/12/59 Lễ cung hiến Thánh Tượng Đức Mẹ Tà Pao do Đức Cha Marcello Piquet cử hành với sự tham dự đông đủ các Linh Mục, Tu sĩ và hàng ngàn giáo dân.

Từ năm 1964 đến 1975, vì chiến tranh giáo dân lưu lạc khắp nơi, Tượng Đức Mẹ bị bể nát và bỏ quên. Mãi đến năm 1991 Đức Cha Nicôla Huỳnh văn Nghi Giám Mục Phan Thiết mới cho trùng tu lại Tượng Đức Mẹ. Ngày 29/9/99 ba em nhỏ đã trông thấy Đức Mẹ hiện ra bay về phía sau núi và theo lời tường thuật một số đông dân chúng trong đó có cả phóng viên nước ngoài đã được chứng kiến hiện tượng mặt trời quay như ở Fatima và đã chụp hình quay phim hiện tượng này. Tuy những hiện tượng trên chưa được Giáo hội chính thức công bố, nhưng lòng nhiệt thành tin tưởng của giáo dân vào quyền năng của Đức Mẹ không suy giảm, nên đoàn người vẫn lũ lượt đổ về Tà Pao cầu xin ơn lành.

Công trình xây dựng lại Tượng đài kính Đức Mẹ đã hoàn tất ngày 13/5/07 và Giáo phận Phan Thiết năm 2009 đã long trọng Kỷ niệm 57 (1950- 2007) đặt Tượng Đức Mẹ trên đỉnh Tà Pao.

Cúi mình dâng Mẹ Tà Pao,

Lòng con tràn ngập biết bao ân tình,

Lời thơ thay tiếng cầu kinh,

Vinh danh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.


Thương nhớ làm sao Mẹ Tà- Pao,

Nỗi lòng cách biệt thấy nôn nao,

Ước gì chắp cánh về bên ấy,

Gần Mẹ lòng con thấy ngọt ngào!


Hơn nửa thế kỷ đã lâu rồi,

Đỉnh đồi sương phủ với mây trôi,

Dòng sông uốn khúc âm thầm chảy,

Mẹ đứng cô đơn giữa đất trời.


Chiến tranh trùm phủ cả quê hương, (3)

Gieo rắc tang thương khắp nẻo đường,

Đoàn con phiêu bạt nơi tứ xứ,

Thương nhớ Mẹ hiền dạ vấn vương.


Rồi một ngày kia Mẹ hiện hình, (4)

Như Vị Tiên Nữ giữa trời thanh,

Thấp thoáng trôi đi tà áo trắng,

Trông theo ba trẻ nguyện lời kinh.


Tiếp theo hiện tượng mặt trời quay,

Phải chăng Mẹ muốn chọn nơi đây,

Trở thành một Fa-ti-ma mới,

Ban phát muôn ơn xuống tràn đầy.


Lũ lượt giáo dân lại đổ về,

Bừng lên sức sống chốn sơn khê,

Dâng lên kinh nguyện lời thống hối,

Rừng núi reo vui khắp bốn bề.


Bao năm chờ đợi đã mỏi mòn,

Bao lời khấn nguyện của đàn con,

Mẹ nhận chuyển cầu lên Thiên Chúa,

Hồng ân đổ xuống tựa mưa tuôn.


Mỗi tháng cứ đến ngày mười ba,

Kỷ niệm ngày Mẹ đã hiện ra,

Xưa kia truyền dạy ba em nhỏ,

Sứ điệp Hòa bình Fa-ti-ma.


Các con Mẹ lòng đầy hân hoan,

Tựa hùng binh ca khúc khải hoàn,

Vây quanh rộn rã nơi chân núi,

Ngước nhìn lên Mẹ hát vang vang.


Ngày xưa sương phủ mây bay cao,

Ngày nay Linh địa đẹp biết bao!

Dòng sông hiền hòa ôm rừng núi,

Đồng lúa xanh tươi sóng dạt dào.


Ta- Pao lên giấc mơ hồng,

Rừng thiêng sương quyện, núi linh mây ngàn.

Tô thêm nét đẹp Giang san,

Hòa bình ban xuống ngập tràn Tin Yêu.

*Mẹ Măng Đen


- Địa điểm: Măng Đen tên bản thượng của dân tộc Thiểu số thuộc xã Đắc Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kontum, Giáo Phận Kon tum.

- Sự tích: Năm 1971 Linh Mục Tôma Lê thành Ánh trao tặng tiền đồn Măng Đen 1 Tượng nguyên mẫu Đức Mẹ Fatima. Nhưng đến năm 1974 tiền đồn do hỏa lực chiến tranh tàn phá phải triệt bỏ và Tượng Đức Mẹ bị lãng quên…Đầu thập niên 1980, chính phủ CSVN thành lập các vùng kinh tế mới, người dân đã phát hiện ra Tượng Đức Mẹ nhưng không quan tâm đến. Mãi đến năm 2004 khi thi công mở Quốc lộ 24, một công nhân Công giáo đã mang Tượng Đức Mẹ về phục chế vì đã mất đầu và hai tay.Phần đầu phục chế được, nhưng hai tay sau nhiều lần cố ráp nối vẫn lại rời ra, nên để nguyên Tượng Đức Mẹ cụt tay như ta thấy ngày nay.

Ngày 9/12/07, Đức Cha Micae Hoàng đức Oanh Giám Mục Kontum cùng với các Linh Mục, Tu sĩ và 2000 giáo dân dâng Thánh lễ trọng kính Đức Mẹ tại đây và hàng năm Giáo phận Kontum lấy ngày 9/12 là ngày Đại hội Hành hương kính Mẹ Măng Đen.

Ngày 10/9/11, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh Leopoldo Girelli được Đức Cha Hoàng đức Oanh hướng dân đến kính viếng và chủ trì Thánh lễ Tôn kính Đức Mẹ và Ngài hết sức xúc động nói với giáo dân:”Hãy cho Mẹ mượn bàn tay để giúp đỡ mọi người!”. Ý nguyện của Đức TGM và Đức Cha giáo phận cùng con cái muốn nhận Đức Mẹ là Quan Thày Người Khuyết Tật.

Măng- Đen gợi nhớ núi rừng

Sương giăng đồi núi, ngập ngừng mây trôi,

Măng-Đen nghe vọng xa xôi,

Cheo leo bản Thượng đơn côi lặng buồn,


Đây rừng núi trời mây,

Gió hú gọi ngàn cây,

Đàn thú hoang ngơ ngác,

Hoang sơ sao chốn này!


Bao năm tháng nắng mưa,

Xa xôi quá năm xưa,

Chiến tranh gieo tang tóc,

Khiến thôn bản xác xơ.


Nhưng Mẹ vẫn đứng đây,

Đổ bóng mang thân gầy,

Đôi bàn tay khuyết tật,

Vẫn đợi con đêm ngày,


Bày chiên nay trở về,

Bừng sức sống sơn khê,

Dâng lên nguồn vui mới,

Rừng núi reo bốn bề.


Âm vang nhịp chiêng cồng,

Đón nắng đẹp tươi hồng,

Nô nứcvề bên Mẹ,

Hạnh phúc ngây ngất lòng.


Những Lễ hội hành hương,

Đổ về từ muôn phương,

Theo trống chiêng mời gọi,

Vang vọng khắp nẻo đường.


Kinh Thượng con một nhà,

Cùng Mẹ Ma-ri-a

Chung thành tâm cầu nguyện,

Cho Dân Nước thái hòa.


Mẹ cúi nhìn đàn con,

Bao năm tháng mỏi mòn,

Mong đợi ngày hạnh phúc,

Cuộc hội ngộ vàng son.


Cánh tay Mẹ giang ra,

Vì mỏi mòn cách xa,

Tuy không còn nguyên vẹn,

Tình Mẹ vẫn bao la.


Rừng núi ôm thiết tha,

Tình thương mến chan hòa,

Vây quanh lòng yêu Mẹ,

Bản người cùi Măng Yang.


Nghe núi rừng thở than,

Âm khí phủ lan tràn,

Mây trời vương sầu tủi,

Cuộc sống thật gian nan.


Ôi đau khổ ngậm ngùi,

Người khuyết tật, phung cùi.

Bị bỏ rơi cô quạnh,

Mẹ thương xót khôn nguôi !


Hồng ân Mẹ ban ra,

Vì lòng Mẹ xót xa,

Nhìn các con đau khổ,

Nhưng lời xin thiết tha.


Mẹ thương giáo phận nghèo,

Nhưng có một đoàn chiên,

Cùng các vị Mục Tử,

Lòng can đảm vững bền.


Măng-Đen gợi nhớ núi rừng,

Sương giăng đồi núi, ngập ngừng mây trôi,

Măng-Đen linh địa đẹp tươi,

Vây quanh bên Mẹ ngất trời yêu thương.

*Ngoài những Linh địa hành hương nêu trên, chúng ta cũng thường nghe nhắc đến những địa điểm tôn kính Đức Mẹ tại nhiều nơi trên quê hương như Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, Bãi Dâu Vũng Tàu, Giang Sơn Đắc lắc, Thác Mơ Phước Long, Phượng Hoàng Pleiku, Trinh Phong Ninh Thuận…..

Với lòng Tôn sùng Đức Mẹ , người viết xin ghi lại vài dòng giới thiệu sơ lược cùng bạn đọc những ‘địa điểm và sự tích’ nơi chúng ta đã có dịp đến hay sẽ đến kính viếng Mẹ Việt Nam.

“Về đây Linh địa hành hương,

Thân thương nối kết con đường Việt Nam,

Về đây sẽ thấy bình an,

Mẹ sẽ ban phát muôn ngàn hồng ân”.

Đinh văn Tiến Hùng