Giới thiệu văn học Công Giáo đương đại-Văn học Công Giáo-Giáo phận Quy Nhơn-Tác giả:Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

Giới thiệu văn học Công giáo đương đại
VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GP QUY NHƠN

Bùi Công Thuấn

***

Quy Nhơn-Bình Định là một vùng văn hóa-văn học nổi tiếng. Nơi đây có những Tháp Chăm (tám cụm, 14 tháp) cổ kính và nhiều di tích lịch sử – văn hóa.

Tiểu chủng viện Làng Sông và nhà in Nước Mặn được coi là một trong những cái nôi của chữ Quốc ngữ. Nhiều tác phẩm còn được lưu trữ tại đây như: Tuồng thương khó (Lê Văn Đức. 1926), Tán Mỹ khúc ca (1923) và Tuồng bảy mối tội (1933) của Hồ Ngọc Cẩn; tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc (1927) của Lục Pièrre; Người yêu (1931) của Nguyễn Sảng Đình…

Bình Định-Quy Nhơn cũng là nơi ra đời của trường thơ Loạn (1937-1946). Tại ngôi nhà số 20 Khải Định, Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã khởi xướng nhóm thơ này. Trường thơ Loạn gồm 4 nhà thơ nổi tiếng đương thời: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mạc Tử. Riêng Hàn Mạc Tử, từ năm tháng 7/1926 đã vào sống và làm việc ở Quy Nhơn cho đến khi ông qua đời ở trại phong Quy Hòa [1]. Hàn Mạc Tử đã để lại dấu ấn đặc biệt nơi miền đất này.

CÁC HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VĂN HÓA CỦA GP QUY NHƠN

Các hoạt động Mục vụ văn học Công giáo của Ban Văn hóa Quy nhơn được sự quan tâm đặc biệt của Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Tiến sĩ (Roma), Giám mục giáo phận Quy Nhơn, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Người đã có những chỉ dẫn khôn ngoan về Mục vụ văn hóa của giáo phận. Chẳng hạn, Ngài quyết định cho thành lập “Tủ Sách Nước Mặn” để ấn hành sách vở Công giáo trong giáo phận, và chấp thuận để Ban Văn hóa Giáo phận đứng ra tổ chức các cuộc thi văn học (thơ, truyện ngắn từ 2007 đến 2018) nhằm cổ vũ việc rèn luyện tiếng Việt…

Các Linh mục Lm Jos Trương Đình Hiền (Tổng đại diện), Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (nhà thơ Trăng Thập Tự) nguyên Trưởng Ban Văn hóa và Lm Gioakim Nguyễn Đức Quang, Trưởng Ban Văn hóa là những linh mục giàu tài năng và tâm huyết, nhiệt thành trong hoạt động Mục vụ văn hóa. Hoạt động văn hóa, văn học mở rộng theo 4 chiều kích: Chiều kích tâm linh, chiều kích thời gian, chiều kích không gian, và chiều kích dân tộc.

Chiều kích tâm linh là, mọi hoạt động văn hóa, văn học đều hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng theo bước tiền nhân. Các lớp linh thao được mở ra cho các tác giả tham gia cuộc thi văn học để mọi thành viên đều hiệp nhất một tinh thần dấn thân và một thái độ phục vụ.

Chiều kích thời gian thể hiện ở việc tiếp tục nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo mà các nhà nghiên cứu Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, GS Lm Thanh Lãng, GS Nguyễn Văn Trung, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng…đã đặt nền; khẳng định nền văn học Công giáo trong dòng chảy chung của lịch sử và thời đại (xin đọc các bài nghiên cứu của Lm Giuse Trương Đình Hiền, Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Nguyễn Minh Chính, Nguyễn Vy Khanh, Ths Lê Thị Hà…) và tổ chức các hoạt động phát triển văn học: Thực hiện bộ sưu tầm “Có một vười thơ đạo” (công việc sưu tầm được thực hiện từ 1978 đến 2012) gồm 5 quyển, 2430 trang giới thiệu 183 tác giả từ Hàn Mạc Tử đến nay; in ấn cuốn Hướng đến 400 năm học Công giáo Việt Nam (sách sưu tầm các bài viết về lịch sử văn học Công giáo); triển khai chương trình hỗ trợ các tác giả in sách lần đầu…,

Chiều kích không gian là sự kết nối, quy tụ người cầm bút trong và ngoài Công giao khắp mọi miền, trong nước và hải ngoại, người sáng tác trẻ đến những nhà nghiên cứu có uy tín như PGS-TS Nguyễn Hữu sơn (Viện Văn học), TS Liễu Trương (Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle), nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh ở Canada, Ts Lm Nguyễn Đức Thông, Ths Lê Thị Hà (Viện Hán Nôm), Ts Lê Nhật Ký (ĐH Quy Nhơn), Nt Agata Nguyễn Thị Kim Tuyến (Huế), Nt Gió Biển-Đinh Thị Oanh CMR (Dòng Trinh Vương), Nguyễn Thị Thắm (ĐH Qui Nhơn) …

Chiều kích dân tộc, hoạt động văn hóa văn học hội nhập với văn hóa văn học dân tộc, với ý thức góp phần xây dựng một nền văn hóa, văn học Công giáo trong lòng văn hóa văn học dân tộc, hướng đến bình đẳng và bình thường hóa văn hóa văn học Công giáo trong mọi sinh hoạt cộng đồng, như các tôn giáo bạn (Phật, Nho, Lão), góp phần làm nên cốt cách dân tộc Việt. Chẳng hạn, hợp tác với Viện Văn học thực hiện chuyên san về Văn học Công giáo trên tạp chí Nghiên cứu văn học số tháng 7/ 2020. Trước mắt là khát vọng về một giải Văn học Công giáo toàn quốc và một bộ Lịch sử văn học Công giáo được viết đầy đủ hơn, cập nhật thêm phần văn học Công giáo đương đại trong và ngoài nước…

Từ hướng nhìn như vậy, Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn học sôi nổi, có chiều sâu và cả bề rộng (họp mặt, gặp gỡ, linh thao ở các vùng miền khác nhau khắp Trung , Nam, Bắc…) quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ, các nhà nghiên cứu văn học, từ khắp mọi miền quê hương.

Lm Trăng Thập Tự cho biết, từ 2007 đến 2011 tổ chức các cuộc thi thơ. Đó là cuộc thi Nhánh huệ nước trời (2010-2011) “quy tụ được155 tác giả tham dự, với 248 bài họa thơ Đường, 174 bài thuộc các thể thơ khác, 10 kịch bản và 91 tác phẩm truyện rất ngắn hoặc đoản văn”. Lễ trao giải được tổ chức ở 3 giáo tỉnh Sài Gòn, Huế, Hà Nội” [2. Thực hiện chương trình Tìm kiếm và Đào tạo tài năng trẻ: cuộc thi “Văn thơ Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn” đã được tổ chức trong 10 năm (từ năm 2009 đến 2018) giúp các bạn trẻ quan tâm trau dồi tiếng Việt.[3] thông qua các lần tập huấn và nội san Hoa Biển. Từ năm 2012 đến 2018, Tổ chức Giải Viết văn đường trường, tổ chức tọa đàm văn học, tổ chức họp mặt tác giả hàng năm hình thành Ngày Nhà văn Công giáo VN dịp lễ kính thánh Matthêu.

Đặc biệt tập trung vào việc in ấn, quảng bá văn học Công giáo: Thực hiện tờ báo Bông hồng nhỏ dành cho con trẻ, và tập san Mục Đồng dành cho người cầm bút trẻ; thực hiện các tuyển tập từng năm của Giải Viết văn đường trường, tiếp tục in ấn những tác phẩm cũ trong tủ sách Nước Mặn (thí dụ: Sấm truyền ca…) .

Tuy việc phát hành sách báo rất khó khăn, song những hoạt động ấy đã đặt những nền móng quan trọng cho việc phát triển văn học Công giáo, và quy tụ được người viết trẻ Công giáo, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và tạo điều kiện cần thiết cho các bước phát triển tiếp theo. Hiệu quả có thể nhận thấy rất rõ là đã hình thành được một đội ngũ người viết trẻ Công giáo đầy năng lực sáng tạo, hứa hẹn những mùa vàng trong tương lai.

Trên tập san Mục Đồng, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của các Lm Giuse Trương Đình Hiền, Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính hiện là những nhà nghiên cứu văn học Công giáo rất uy tín; thơ của các nhà thơ Công giáo đương đại có cốt cách riêng là: Đức ông Xuân Ly Băng, Lm Trăng Thập Tự, Lm Sơn Ca Linh, Lm Cao Gia An, Lm Dzuy Sơn Tuyền, nhà thơ Trần Vạn Giã, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà thơ Mạc Tường,…

Ban Biên Tập Mục Đồng cũng là những nhà thơ nhà văn tài năng và giàu tâm huyết như Lm Nguyễn Đức Quang (Chủ biên), Lm Nguyễn Bá Định, Lm Cao Gia An, Lm Võ Tá Hoàng, các nhà thơ nhà văn: Thad Nguyễn Thanh Xuân, Mạc Tường, Trần Ngọc Hồ Trường, Lê Hồng Bảo, Dương Thành Thiêng, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nt Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Thắm.

Tôi đã đọc 168 tác giả thơ và 40 tác giả truyện ngắn trên tập san Mục Đồng. Tôi cũng ghi nhận được thêm nhiều tác giả trên trang của giáo phận Quy nhơn. Xin xem ghi chú về tác giả [4].

Đội ngũ trên là một tiềm năng văn học Công giáo thật phong phú mà Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn đã quy tụ được, và đang nỗ lực đầu tư cho tương lai (tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, khuyến khích sáng tác, quảng bá in ấn tác phẩm…).

Về kết quả Giải Viết văn đường trường. Lm Trăng Thập Tự, trưởng Ban Tổ chức giải cho biết: “Tổng kết 6 năm Giải Viết Văn Đường Trường, đã có 225 tác giả từ 24/26 giáo phận Việt Nam với tổng cộng 786 truyện ngắn dự thi. Sáu cuộc thi đã để lại cho đời 6 tuyển tập truyện ngắn Công giáo: Chuông chiều (2013, Giải nhất: Một Niềm Tin, Giuse Dương Duy Tân, Gp. Nha Trang), Nắng mùa đông (2014, không có Giải nhất, Giải nhì: Đôi Mắt Kitô, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), Người gieo hạt (2015, Giải nhất: Via Dolorosa - Đường Còn Xa, Têrêxa Đinh Thị Thu Hằng, Gp. Sài Gòn), Điểm hẹn Giêsu (2016, không có Giải nhất, Giải nhì: Hoa Nở Giữa Đêm, Maria Madalena Đặng Hoàng Hương Giang, Gp. Kontum), Những đứa con của mẹ (2017, Giải nhất: Dòng Sông Chảy Về Đâu, Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang) và Người vẽ hy vọng (2018, Giải nhất: Nụ Hôn Của Một Nữ Tu, Antôn Trần Văn Dũng, Gp. Vinh)”[5]

Trong các tác giả trên, nhiều tài năng trẻ hôm nay đã được khẳng định như các nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên, Lê Quang Trạng, Vinh Kiu. Một vài người bước đầu đã định vị được giá trị văn chương của mình như Anna Nguyễn Bích hạt, Anna Dương Thị Thái Chân, Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha.

Những nhà nghiên cứu, phê bình văn học Công giáo trẻ cũng đã quy tụ về Quy Nhơn như Sr Agata Nguyễn Thị Kim Thuyến, Sr Anna Nguyễn Bích Hạt, Sr Maria Têrêsa Đinh Ngọc Oanh (Gió Biển)… Trong tương lai không xa những cây bút Công giáo trẻ hôm nay sẽ là lực lượng chính làm nên văn học Công giáo đương đại.


NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CÔNG GIÁO

Giáo phận Quy Nhơn có những nhà nghiên cứu văn học Công giáo rất uy tín trong giới học thuật. Đó là các Linh mục Giuse Trương Đình Hiền (Tổng đại diện ), Lm Gioan Võ Đình Đệ, Lm Phao lô Nguyễn Minh Chính.

Xin đọc: (tổng hợp chưa đầy đủ) [6]:

1. “Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”. Lm Giuse Trương Đình Hiền.

2. Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam-

Lm Trương Đình Hiền.

3. Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
4. Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ.

Nguyễn Thanh Quang & Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

5. Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn,

Bình Định.- Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

6. Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

7. Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533.

Lm. GioanVõ Đình Đệ

8. Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644.)

Lm. Gioan Võ Đình Đệ.

9. Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo-Lm Gioan Võ Đình Đệ.

10. Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874)-Lm Gioan Võ Đình Đệ.

11. Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh

mục Đàng Trong (1660-1732) Lm. Gioan Võ Đình Đệ.
12. Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn-Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính.

13. Làng Sông – Nhà in và Thư viện - Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính.

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

14. Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính.

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

15. Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX . Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ.
16. Nhà in Gia Hựu Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính.

17. Xuôi ngược thời gian. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên tập.

Nhìn chung các nhà nghiên cứu văn học Công giáo của giáo phận Quy Nhơn có ưu thế nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ, lịch sử truyền giáo, đồng thời có quan tâm đến các nhân vật văn học như Lm Đặng Đức Tuấn, Lm Laurent Huỳnh Lâu, chân phước Anrê Phú Yên và những cơ sở có liên quan đến chữ Quốc Ngữ như nhà in Làng Sông, Nước Mặn ngay tại Quy Nhơn. Các bài nghiên cứu là những bài viết công phu, có tư liệu phong phú, kiến giải sâu sắc, mới mẻ, đưa ra được những vấn đề cần quan tâm và những thông tin khả tín.

Ước mong các nhà nghiên cứu văn học Công giáo ở Quy Nhơn có thêm nhiều bài về tác giả và tác phẩm văn học còn khuyết trong lịch sử văn học Công giáo. Chẳng hạn nghiên cứu về tác phẩm Công giáo hiện có ở Viện Hán Nôm, hoặc các tác phẩm trong tủ sách Nước Mặn (nhiều vở tuồng và tiểu thuyết đầu thế kỷ XX): như Sấm truyền (1915); Tuồng bảy mối tội của Hồ Ngọc Cẩn (1922); Tuồng thương khó của J.B. Tòng (1923); Tuồng thương khó của Lê Văn Đức (1926); Thánh giáo sấm ký diễn ca của P.Huê (1924); Hai chị em lưu lạc-Tiểu thuyết của Lục Pierre (1931). Ngọn đèn công Lý (Xã hội tiểu thuyết 1935) của Thanh Lam; hoặc các tác giả tác phẩm văn học Công giáo đương đại (tác phẩm của ĐGM Bùi Tuần, ĐGM Phanxicô Savie Nguyễn Văn Sang, ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (tác giả Song Nguyễn)...

Thực ra, trong lĩnh vực nghiên cứu, chỉ cần nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề, có những khám phá mới mẻ và bảo đảm tính chân lý của nghiên cứu khoa học là đủ giúp mở ra con đường cho những người đi sau. Được như vậy cũng là rất quý.

THƠ CÔNG GIÁO-GP QUY NHƠN

Trang thơ Công giáo Quy Nhơn có thơ các bậc thầy thi ca Công giáo như Đức ông Xuân Ly Băng, Lm Trăng Thập Tự, Lm Sơn Ca Linh, nhà thơ Lê Đình Bảng, nhà thơ Trần Mộng Tú. (Các tác giả này tôi đã có bài viết riêng) [7].

Dù vậy, tôi vẫn đọc được những bài thơ kể chuyện Kinh thánh thật đặc sắc, mới mẻ có sức gây ấn tượng mạnh của Lm Trăng Thập Tự (Trên bãi biển; Simon Kyrênê; Phiên tòa lịch sử), những bài thơ có tứ thơ lạ của Trần Mộng Tú (Rabbouni, Vườn Dầu năm xưa, Sợi chỉ), những bài thơ có khí chất ngang tàng của Lê Hồng Bảo (Giả vờ; Giang hồ), những bài suy nghiệm có chất hùng sử ca của Mạc Tường (Nước Mặn- Quy Nhơn Bi Hùng Sử), thơ suy tưởng Kinh thánh của Đaminh Thiên Sa (Gõ lên ba tiếng), những bài lục bát diễn ca đầy chất văn chương của Cát Đen (Đèn cô cháy sáng; Chiều về có Chúa cùng đi; Cây bút biết đi), những bài thơ giàu phẩm chất tư tưởng và nghệ thuật của Lm Cao Gia An (Tiếng quê; Cám ơn), thơ hiện thực với độ chân thực đáng ngạc nhiên của Xuân Vũ Trần Đình Ngọc (Morning John), Song Lam với nhiều bài thơ mang phong cách và ngôn ngữ thơ Hàn Mạc Tử (Ánh khiết, Thánh lễ đầu mùa, Sóng ngát, Trăng tỏa sương yêu, Đêm huyền thanh…), và nhiều bài thơ tình lục bát rất mới của Nhật Quang (Khúc ru chiều hè), Nguyễn Thị Hồng Nhi (Vọng), Thanh Chi (Lấy chồng “bên Đạo”), Lê Đình Tiến (Mai con về gặt lúa không), Đoàn Văn Sáng (Về quê)…

Chúng tôi cũng ghi nhận thơ của các tác giả trong Câu lạc bộ ”Thi ca cầu nguyện” như: Sơn Ca Linh, Cao Huy Hoàng (với các bút danh: Ba Chuông, Hồ A Giang, Hương Nam, Gã Tuần Phiên, M. Sao Khuê…), Vũ Thủy, Từ Thanh Hà, Song Lam, Thế Kiên Dominic, Trầm Thiên Thu, Giang Tịnh…” với ước mơ Thi ca cầu nguyện trở thành một “Phòng Cầu Nguyện” nho nhỏ giữa cuộc đời của mỗi người trong nhóm” (Mặc Trầm Cung- Điểm lại một năm hoạt động của Câu lạc bộ Thi ca cầu nguyện 28/9/2012). Thơ của nhóm hướng về suy niệm Kinh thánh, từ đó thể hiện tâm tình cầu nguyện. Nhà thơ Lm. Dzuy Sơn Tuyền nói đến “Tâm tình chúc tụng, Tâm tình thờ lạy, Tâm tình cầu xin, Tâm tình chuyển cầu, Tâm tình cảm tạ, Tâm tình ngợi khen” trong thơ của nhóm.[8] Chẳng hạn, Sơn Ca Linh suy niệm Ga 3,14 (Ở hai đầu con rắn), Trầm Thiên Thu suy niệm Ga 3:30 (Phong cách Gioan); Mt 5:27-32 (Cách nhìn); Thế Kiên Dominic suy niệm Mc 4. 26-29 (Hạt giống nước trời)…

Tôi cũng ghi nhận những tiếng Thơ Trẻ của thơ Công giáo Quy Nhơn trong dòng chảy Thơ Trẻ Việt Nam đương đại [9]: Lê Vinh (Ăn cơm với cha), Nguyễn Hoài Ân (Mùa thu cuối), Nguyễn Hữu Phú (Ru). Nguyễn Vũ Hồng Kha (Bản phác thảo mùi hương). Phương Uy, (Biệt âm nỗi nhớ), Sông Hương, (Bài thơ viết trên cỏ). Trần Viết Dũng (Sinh nhật mùa đông),Vũ Lập Phương (Một ngày lại nhớ một ngày). Dương Thắng (Người đàn bà nhuộm tóc). Điều này khẳng định thơ Công giáo đã hội nhập kịp với các trào lưu thơ Việt Nam đương đại. Thơ Công giáo hôm nay không chỉ là lục bát, Song thất lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7- 8 chữ, thơ tự do mà có thơ kể chuyện, thơ tư tưởng và Thơ Trẻ; không chỉ có “thi ca cầu nguyện”, Huấn ca, Diễn ca, mà còn có sử ca, thơ tình, thơ quê hương, gia đình…

Tôi cũng đã thấy nhiều khuôn mặt thơ có phẩm chất thi nhân có khả năng đi trên con đường dài sáng tạo như: Lê Gia Hoài (Vọng về tuổi thơ); Mai Đức Tây (Ông Phê rô ơi); Nam Nguyên (Đi tìm người ở đâu); Nguyễn An Bình (Áo mới); Thiện Chân (Sông Cát ngày biệt lập). Trần Phong Vũ (Dấu chân trên cát); Trần Thanh Phương (Thơ thiếu nhi hay), Thiện Chân (Sông Cát - ngày biệt lập), Bùi Thị Liên (Tình thương và ơn gọi), Trần Bảo Xuyên. (Mùa chay, ta trở về, em nhé; Chuyện tình của mẹ tôi)

Cho phép tôi chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ Công giáo làm thơ. Trước hết các bạn nên đọc thơ của những nhà thơ bậc thầy thi ca Công giáo đi trước như Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Sơn Ca Linh, Lê Đình Bảng, Trần Mộng Tú…để học về nghệ thuật thơ Công giáo và mở rộng tầm nhìn từ khai thác đề tài, cấu trúc, nội dung, sử dụng bút pháp, sáng tạo những tứ thơ mới và thể hiện tư tưởng-nghệ thuật mới.

Với thi ca, thì sự sáng tạo ngôn ngữ và khám phá những tứ thơ mới, cách nhìn mới, và cách thể hiện, quyết định phẩm chất thơ. Tránh làm thơ theo công thức, tức là nhắc lại những nội dung đã được học trong kinh bổn từ tấm bé, được nghe trong các bài giảng lễ ở nhà thờ nhiều chục năm, lặp lại những ngôn từ đã mòn vẹt từ ngàn năm trước, và đặc biệt là tránh những cái “giả” trong thơ (tâm tình giả, sám hối giả, cầu nguyện giả, giáo huấn giả…). Không gì khổ sở và khó chịu bằng đọc “thơ giả”.

Dù là viết nội dung gì, dù là thi ca cầu nguyện hay thi ca thế sự, cả thơ tình yêu, thì thơ phải là thơ. Một bài thơ phải có hồn thơ, có chất thơ, có cảm xúc thơ, có nhạc thơ, có tứ thơ mới, có tư tưởng và có cá tính sáng tạo riêng. Người làm thơ phải thành thạo thi pháp thơ. Thi pháp thơ Công giáo rất khác với thi pháp thơ Thiền. Thi pháp thơ Đường có đặc trưng khác với thi pháp ca dao…Thơ không phải văn xuôi bắt thành vần. Người làm thơ là người sáng tạo, không phải thợ chữ (ý của Nam Cao). Hãy tự hỏi, bài thơ tôi viết có điều gì mới về tư tưởng, nghệ thuật không? Hãy bỏ hết những gì là cũ, những gì người khác đã viết, những gì đọc lên cứ trôi tuột đi không đọng lại gì.

VĂN XUÔI GP QUY NHƠN

Tôi không đề cập đến những truyện ngắn của giải Viết văn đường trường vì Ban tổ chức giải đã có những bài tổng kết, đánh giá [10].

Tôi đọc 40 truyện ngắn trên tập san Mục Đồng và trên trang của giáo phận Quy Nhơn. Các nhà văn Công giáo hiện nay quan tâm đến điều gì?

Nhiều tác giả kể những truyện tình lãng mạn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều này dễ hiểu vì đa số là cây bút trẻ. Và điều đáng mừng là những truyện tình được kể là những lãng mạn thánh thiện khác xa với truyện tình thế tục. Các nhà văn thế tục khi viết truyện tình thường khai thác dục tính và tư tưởng hư vô rất đậm. Xin đọc Về cùng sắc nắng dã quỳ (Chung Thanh Huy); Người rung chuông trên biển (Khuê Việt Trường); Xuân về trong mắt nhau (Lê Công Phượng); Hoa Cỏ may (Thu Đình). Có cả tình yêu với Linh mục (Nắng hôm ấy màu hồng-Lưu Cẩm Vân); tình yêu của nữ tu (Có một chuyện tình-Anna Bích Hạt), tình yêu trở thành tình thù (Lời của trái tim-Lê Quang Trạng).

Chủ đề thứ hai được quan tâm là những khó khăn của đời tu, của người sống đời dâng hiến (Đời dâng hiến-Nguyễn Văn Ninh); khó khăn của người tu xuất (Bù Nhìn rơm-Hải Miên), khó khăn truyền giáo (Cơn mưa ân tình -Nguyễn Ngọc Bích). Tuy các truyện chưa đặt được những vấn đề lớn về truyền giáo của giáo hội Việt Nam hôm nay, song những truyện ngắn nhỏ này đủ gieo vào lòng người đọc những trăn trở về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà mỗi người từ khi chịu phép rửa đã được nhận lãnh.

Một vấn đề đang trở thành sự đe dọa rất lớn đến gia đình Công giáo là sự đổ vỡ hôn nhân gia đình. Các tác giả khám phá nhiều cảnh ngộ, nhiều nguyên nhân: Hoặc là do cảnh nghèo túng quá, hoặc là do chênh lệch vể “đẳng cấp”giàu nghèo bên nội bên ngoại; có trường hợp mẹ chồng cần cháu trai để nối dõi tông đường mà con dâu chỉ sinh con gái. Cũng có tình cảnh vợ chồng cách xa vì cuộc mưu sinh, hoặc tình cảnh vợ chồng khác đạo phát sinh mâu thuận… Cái nhìn và cách giải quyết vấn đề của nhà văn Công giáo là đề cao tình yêu thương, sự thủy chung, thái độ ẩn nhẫn và lòng bao dung, từ đó hóa giả mâu thuẫn, cảm hóa con người giữ được gia đình, giữ được đức tin. Xin đọc: Chờ đợi yêu thương (Cóc Hoa), Gia đình của con (Xanh Nguyên), Tình yêu nở hoa (Đăng Trình), Giấc mơ gia đình (Thu Đình), Mẹ quê (Hương Văn),

Có nhiều truyện hay viết về trẻ thơ và đặt lương tâm Công giáo trước những thách thức của thời đại. Trẻ em là nạn nhân của người lớn. Nhiều truyện miêu tả nỗi bất hạnh của trẻ em con nhà nghèo; những khát vọng của trẻ em người dân tộc. So với những đứa trẻ trong truyện của Thạch Lam (Hai đứa trẻ), những đứa con chị Dậu (Tắt Đèn-Ngô Tất Tố) hay bé Thu (Chiếc lược ngà-Nguyễn Quang Sáng) các tác giả hôm nay ghi nhận được hình ảnh những đứa trẻ đã rất khác. Cái tết của Nhi (Nguyễn Thị Khánh Liên) là tình cảnh không khác gì cái Tý trong Tắt Đèn, song Mệ Huế, người mua cái Nhi, là một người có lòng nhân hậu. Nguyễn Ngọc Bích khám phá thấy những trẻ em người dân tộc tuy chất phác nhưng lại có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt (Cỗ tràng hạt bị đánh cắp). Trần Thị Vân Anh áy náy trước tình cảnh trẻ em vùng cao Tây Bắc khát chữ, khát đức tin, cần sự quan tâm của xã hội và giáo hội (Một thoáng vùng cao). Nhiều truyện viết về khát vọng tuổi thơ rất cảm động: Noel đầu tiên của cô bé ngoại đạo (Đoàn Thị Minh Hiệp), Một chốn bình yên (Dom. Phạm), Chị tôi (Lê Thị Xuyên), Nồi canh mướp (Trần Tiểu Thùy); Bầu trởi của những niềm vui (Lê Thị Minh Ngọc),

Tình quê hương, tình bạn, tình người cũng là những chủ đề được viết rất xúc động. Xin đọc: Tôi là người Ki tô hữu (Võ Trịnh Như Quỳnh), Những lặng thầm nở hoa (Nguyễn Quang Nhân), Con là con của mẹ (Hạ Du), Góc tối cuộc đời (Hải Miên), Chờ xuân (Hải Miên), Cỏ ba lá (Triều Thu), Tết ở nơi xa (Trương Thị Thúy), Cô giáo về bản (Ý Thu), Ngược (Nguyễn Chí Ngoan), Bầu trởi của những niềm vui (Lê Thị Minh Ngọc), Bó hoa hồng trắng (Mai Thị Lành), Ngoại ơi (Trần Quang Lộc)

Trong 40 truyện, tôi tâm đắc với những truyện sau đây:

1. Lời của trái tim-Lê Quang Trạng.

2. Cái tết của Nhi-Nguyễn Thị Khánh Liên.

3. Cỗ tràng hạt bị đánh cắp-Nguyễn Ngọc Bích.

4. Tôi là người Kitô hữu-Võ Trịnh Như Quỳnh.

5 .Ngược- Nguyễn Chí Ngoan.

6. Một thoáng vùng cao- Trần Thị Vân Anh.

7. Chờ xuân-Hải Miên.

8. Chị tôi-Lê Thị Xuyên.

9. Nắng hôm ấy màu hồng-Lưu Cẩm Vân.

10.Một chốn bình yên-Dom. Phạm.

Những truyện hay là những truyện có nội dung, chủ để giàu ý nghĩa tư tưởng, cấu trúc truyện chặt chẽ, hợp lý. Có nhiều tình huống kịch tính làm phát triển cốt truyện. Nhân vật được khắc họa đủ sức gây ấn tượng. Câu văn có chất văn chương (không phải văn chính luận, văn hành chính hay báo chí), và đặc biệt thể hiện được phẩm chất nhà văn. Đó là sự sáng tạo phong phú (không phải chỉ sao chép hiện thực mà tạo nên một hiện thực-thẩm mỹ mới) và một cốt cách, bản lĩnh riêng của người viết. Những truyện gây được xúc động là những truyện mà tấm lòng yêu thương con người thấm đẫm trên trang văn.

10 truyện ngắn trên ít nhiều đạt được những phẩm chất nghệ thuật ấy. Nói vậy để chia sẻ niềm vui chung rằng, nhà văn Công giáo đang hòa vào văn học dân tộc, và đạt được những phẩm chất nghệ thuật so với mặt bằng chung của văn học hôm nay.

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO QUY NHƠN

Giáo phận Quy Nhơn hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu văn học Công giáo uy tín, song phê bình văn học Công giáo lại khá hiếm hoi. Thỉnh thoảng có bài giới thiệu sách, hoặc bài cảm nhận về thơ, nhưng chưa có những nhà phê bình văn học Công giáo chuyên nghiệp. Nói chuyên nghiệp tức là những nhà phê bình văn học được đào tạo chuyên ngành, thủ đắc được những phương pháp phê bình khoa học, có tầm kiến thức rộng về văn hóa và lịch sử, am tường Kinh thánh, hiểu sâu sắc tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn Kitô giáo [11]. Tất cả những phẩm chất ấy hòa trộn lại cùng với cá tính sáng tạo làm nên một ngói bút phê bình có cốt cách riêng, đủ sức khám phá những giá trị văn học Công giáo.

Những nhà phê bình như thế còn ở thì tương lai.

Hiện tại, tôi đã đọc được một ít bài bình thơ của Bình Nhật Nguyên:

Cảm nhận bài thơ "Con lo không kịp về tối nay!" của Sơn Ca Linh.

Cảm nhận Gió quyện dáng thơ của Song Lam.

Cảm nhận Sóng Ngát của Song Lam.

Cảm nhận Đôi bạn của Song Lam.

Bình Nhật Nguyên giới thiệu Hồn thơ Thiên linh Thiên Sa Hài Đồng Giêsu của Đình Chẩn

Với bấy nhiêu bài, đủ để tôi đọc Bình Nhật Nguyên như đọc một cây bút phê bình văn học, và thực sự vui mừng vì đã có cây bút viết phê bình văn học Công giáo.

Trước hết Bình Nhật Nguyên chịu đọc, chịu viết và viết say sưa, nhập tâm. Đó là hai phẩm chất đầu tiên phải có của người viết phê bình. Không đọc tác phẩm sao có thể phê bình. Đọc tác phẩm mà lòng nguội lạnh càng không thể viết thành lời.

Tác phẩm là đứa con tinh thần của tác giả, muốn hiểu tác phẩm phải hiểu tác giả (phương pháp tiểu sử). Tác phẩm là một cấu trúc nghệ thuật, làm thế nào để khám phá cấu trúc ấy? (phương pháp Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc). Tác phẩm là một sinh mệnh văn hóa lịch sử, nó phải được soi chiếu theo chiều đồng đại và lịch đại (phương pháp Văn hóa-Sử). Tác phẩm văn học là những ký hiệu chữ, người đọc chỉ có thể khám phá nghĩa khi giải mã ký hiệu (Ký hiệu học). Tác phẩm cũng là sự thăng hoa những ẩn ức của tâm hồn tác giả, nó phải được phẫu thuật bằng Phân Tâm học. Những tác phẩm của thời hôm nay, khi tác giả viết bằng cảm thức và thủ pháp Hậu Hiện đại thì người đọc không thể đọc bằng phương pháp truyền thống…Nói thế để hiểu rằng, đọc hiểu tác phẩm không hề là việc đơn giản. Đã có rất nhiều người giải mã sai bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo, dù đó là một bài ca dao rất giản dị, quen thuộc [12].

Bình Nhật Nguyên đọc tác phẩm thế nào, sử dụng phương pháp phê bình gì để khám phá những giá trị tác phẩm? Xin đọc Bình Nhật Nguyên cảm nhận bài thơ "Con lo không kịp về tối nay!" của Sơn Ca Linh [13].

Phần dẫn nhập, Bình Nhật Nguyên không hề giới thiệu tác giả, bối cảnh lịch sử xã hội,

hoàn cảnh sáng tác (Phương pháp tiểu sử), nhưng lại giới thiệu “Tôi”: “mùa đông năm 1989, tôi nhận được quyết định của Sở Y Tế Đường Sắt lên đường sang Ba Lan”.

Đồng thời Bình Nhật Nguyên giới thiệu phương pháp đọc thơ của mình, đó là cách đọc hoàn toàn cảm tính, chủ quan. “…những câu thơ đã khiến cho trái tim tôi run lên ..”, “những câu thơ … khơi gợi trong tôi nỗi nhớ người mẹ đã tần tảo nuôi tôi khôn lớn”.

Nói cho đúng, qua bài viết, Bình Nhật Nguyên không phân tích thơ, không bình thơ, mà chỉ mượn thơ Sơn Ca Linh để phô trương “Cái Tôi”(Chuyến đi Balan năm 1989 chẳng hạn).

Tôi nghĩ, Bình Nhật Nguyên cần trang bị cho mình vốn lý luận văn học tối thiểu, thủ đắc cho được những phương pháp phê bình văn học khoa học, và học hỏi nhiều ở các nhà phê bình đi trước, chịu khó nghiền ngẫm khám phá. Có vậy, những bài phê bình văn học của Bình Nhật Nguyên mới đem đến giá trị cho văn chương.

TẠM KẾT

Tôi chưa kết luận được vì các tác giả còn đang sáng tác. Văn học Công giáo Quy Nhơn đang vươn về phía trước rất vững vàng và đầy nội lực. Tất cả các ngành văn học: Văn, Thơ, Nghiên cứu văn học, Phê bình văn học, tổ chức các hoạt động văn học, quy tụ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, biên soạn, in ấn tác phẩm đều đang vận động đầy hứa hẹn. Cái đích hướng đến cho mọi nỗ lực của Ban Văn hóa Quy Nhơn là kỷ niệm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. Tôi tin rằng, được sự quan tâm của Đức cha Matthêu, Giám mục giáo phận, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam; cùng với nỗ lực của các Linh mục giàu tài năng và tâm huyết như cha Giuse Tổng Đại diện, quý cha Gioan Phêrô nguyên Trưởng Ban văn hóa và cha Gioakim Trưởng Ban Văn hóa, các hoạt động văn hóa văn học Quy Nhơn rồi đây sẽ thu đạt được những mùa vàng bội thu. Giáo phận Quy Nhơn sẽ trở thành một trong nhiều cái nôi của văn học Công giáo đương đại. Xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Giáo phận Quy Nhơn.

Xuân Nhâm Dần-Tháng 1/ 2022

____________________________________



[3] https://www.vanthoconggiao.net/2018/07/tong-ket-hoi-trai-dang-duc-tuan-lan-ix-2018.html]

[4] (xem ở dưới)


[6] Đường link các bài viết nghiên cứu văn học Công giáo:

1.Lm Giuse Trương Đình Hiền -“Tiếng nước tôi và “Lời vĩnh cửu”

http://conggiao.info/tieng-nuoc-toi-va-loi-vinh-cuu-d-65832
2.Lm Giuse Trương Đình Hiền-Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam
https://tgpsaigon.net/bai-viet/dinh-huong-van-hoc-trong-muc-vu-truyen-giao-thoi-dau-tai-viet-nam-64177

3.Lm. Giuse Trương Đình Hiền-Truyền thống văn học Công Giáo từ Anrê Phú Yên đến ngày nay

4.Lm Gioan Võ Đình Đệ&Nguyễn Thanh Quang -Không có “ông tổ duy nhất” của chữ Quốc Ngữ


5.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Vai trò các thừa sai dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định.

http://gpquinhon.org/qn/news/nuoc-man/Vai-tro-cac-thua-sai-dong-Ten-trong-viec-sang-tao-chu-quoc-ngu-tai-Nuoc-Man-Binh-Dinh-4617/#.VqWarB_v91s

6.Lm Gioan Võ Đình Đệ -Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam


7.Lm GioanVõ Đình Đệ- Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533

https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html

8.Lm. Gioan Võ Đình Đệ-Chân Phước Anrê Phú Yên, một cuộc đời hoàn thành (1625-1644)


9.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Nước Mặn, Cảng Thị và Trung tâm Truyền giáo-


10.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn (1806-1874)


11.Lm Gioan Võ Đình Đệ-Một danh nhân văn hóa bị lãng quên cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu Linh mục Đàng Trong (1660-1732)

12.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính- Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn-
https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/sach-nha-in-lang-song-va-qui-nhon-4445.html

13.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính -Làng Sông – Nhà in và Thư viện - (Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

14.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính -Truyền thống báo chí tại giáo phận Quy Nhơn.

Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính

(Nguồn: Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo. Tr. 538)

15.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ-Thuật tích việc nước Nam cha Đặng Đức Tuấn nguồn chữ Nôm và lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX .
https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/ky-niem-160-nam-ban-dieu-tran-cua-cha-dang-duc-tuan-thuat-tich-viec-nuoc-nam-nguon-chu-nom-va-lich-su-viet-nam-the-ky-xix-4530.html

16.Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính-Nhà in Gia Hựu


[7] Xin đọc bài viết riêng về

THƠ TRĂNG THẬP TỰ:

https://buicongthuan.wordpress.com/2020/05/19/tho-trang-thap-tu/

THƠ SƠN CA LINH:


THƠ TRẦN MỘNG TÚ


THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG

1.Quỳ trước đền vàng


2.Hành hương


3.Lời tự tình của bến trần gian


4.Kinh buồn


5. Ơn đời một cõi mênh mang


6.Văn học Công giáo Việt Nam -Những chặng đường


[8] https://www.vanthoconggiao.net/2019/07/thi-ca-va-cau-nguyen-bai-thuyet-trinh.html

[9] Bùi Công Thuấn: Nhìn lại Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI:


[10]Kết quả giải Viết văn đường trường:

https://www.vanthoconggiao.net/2017/06/giai-viet-van-uong-truong-quy-nhon-2016.html



[11] Bùi Công Thuấn: Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và văn học nghệ thuật Công giáo

https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/tu-tuong-my-hoc-kito-giao-va-van-hoc-nghe-thuat-cong-giao-bui-cong-thuan

[12] Bùi Công Thuấn: Bờm ơi là bờm!


[13] https://gpquinhon.org/q/van-tho-cong-giao/cam-nhan-bai-tho-con-lo-khong-kip-ve-toi-nay-4565.html

[4] Các tác giả trên tập san Mục Đồng & website giáo phận Quy Nhơn:

01. An Thiện Minh, Athens Khánh Nhi, Bảo Xuyên, Bình Kim, BS Tự, Bùi Thị Minh Ân, Bùi Văn Nghiệp, Lm Trăng Thập Tự, Lm Cao Gia An, Lm Giuse Trần Việt Hùng,

11. Lm Hồng Phúc, Lm Trương Đình Hiền (Sơn Ca Linh), Lm Ansga Phạm Tĩnh, Lm Dzuy Sơn Tuyền, Cát Đen (Lm Nguyễn Đức Quang), Cao Huy Hoàng (với các bút danh: Ả Giang Hồ, Ba Chuông, Hương Nam, Gã Tuần Phiên…), Châu Đặng Trà My, Cao Quỳnh Trường Nhi, Cao Thị Tường Vy, Dã Tràng Cát,

21. Đaminh Thiên Sa, Đặng Trung Công, Diệp Vy, Đỗ Văn Tích, Đoàn Văn Sáng, Đồng Thị Bích Duyên, Lm Đình Chẩn, Giang Tịnh, Hà Nguyên Sơn, Hạt Bụi,

31.Hồ Hoàng Diệp, Hồ Thị Thúy Thi, Hoa Bên Thập Tự, Hoàng Công Nga, Hoàng Khánh Duy, Học Trò Nhỏ, Hồn Biển, Huỳnh Gia, Huỳnh Hoa, Huỳnh Thị Kim Thương,

41.Huỳnh Thị Ngọc Bích, Huỳnh Thị Thu Hương , JHQ, Kha Đông Anh, Khổng Vĩnh Nguyên, Kim Hai Pham Thi, Lan Cao, Lê Danh Dương, Lê Gia Hoài Vọng, Lê Hồng Bảo,

51. Lê Kim Tiết, Lê Minh Ngọc, Lê Nữ Thùy Linh, Lê Quang Hận, Lê Quang Vinh, Lê Thị Ngọc Nữ, Lê Vinh, Lê Thị Mỹ Duyên, Mạc Tường, Mai Đức Tây,

61. Mai Thị Kim Cúc, MP Hồng Nhung, Nam Nguyên, Ngô Thùy Duyên, Ngô Văn Vỹ, Ngòi Bút Nhỏ, Nguyễn An Bình, Nguyễn Bá Định, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Đình Văn,

71. Nguyễn Hải Hòa, Nguyễn Hoài Ân, Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Hữu Phú, Nguyễn Khoa, Nguyễn Mậu Linh Vũ, Nguyễn Minh Khả, Nguyễn Ngọc Hưng,

81. Nguyễn Nguyên Phượng, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Thanh Ánh Đông, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Thảo Nhi, Nguyễn Thị Ái My, Nguyễn Thị Bích Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Nhi,

91. Nguyễn Thị Kim Lan, Nguyễn Thị Kim Thạnh, Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Thiện, Ngàn Thương, Nguyễn Thị Thúy Hồng, Nguyễn Thị Ý, Nguyễn Thụy Vân Anh, Nguyễn Thúy Vi,

101. Nguyễn Tuyển, Lê Đình Tiến, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Vũ Hồng Kha, Nguyễn Văn Liêm, Phan Nam, Phạm Ánh, Mỹ Hạnh, Phan Văn Phước,

111. Phương Uy, Rosa Lima, Rubich, Sao Mai, Sông Hương, Song Lam, Suối Ngàn, Tạ Huông Nhuận, Tạ Thị Bích, Thái Thị Diễm My,

121. Thái Hoàng Thảo Vy, Thái Thị Thu Giang, Thanh Chi, Thanh Hương, Thanh Trắc Nguyễn Văn, Vĩnh uy, Thế Kiên Dominic, Thiện Chân, Thiên Khuê, Thu Huyền,

131.Thương Huyền, Tịnh Bình, Trầm Thanh Tuấn, Du Miên, Trầm Thiên Thu, Trầm Tĩnh Nguyên, Trần Mộng Tú, Trần Nguyễn Quỳnh Giao, Trần Phong Vũ, Trần Thanh Phương,

141.Trần Thị Cẩm Lệ, Trần Thị Huyền Trang, Trần Thị Mỹ Hạnh, Trần Viết Dũng, Tri Ân, Trịnh Tây Ninh, Trịnh Thị Hiền, Trương Thị Diễm Phúc, Trương Thị Hữu, Từ Thanh Hà,

151.Văn Nguyên Lương, Vĩnh Tuy, Võ Thị Kim Phượng, Võ Thị Kim Trâm, Võ Thị Kim yến, Võ Thị Thu Uyên, Vũ Lập Phương, Vũ Thị Quyên, Vũ Thủy, Vy Phương,

161.Xuân Thanh, Xuân Vũ Trần Đình Ngọc, Hoa Thập Giá, Hoàng Văn Quốc, Lê Quỳnh Nga, Nốt Nhạc Trầm, Nhật Quang, Dương Thắng.

Tác giả truyện ngắn: Nguyễn Thị Khánh Liên, Lê Quang Trạng, Nguyễn Văn Học, Vinh Kiu, Xanh Nguyên, Chương Thị Hà, Bích Hạt, Chung Thanh Huy, Cóc Hoa, Đăng Trình, Đoàn Thị Minh Hiệp, Dom Phạm, Hạ Du, Hải Miên (3 truyện), Hương Văn, Khuê Việt Trường, Lê Công Phượng, Lê Thị Xuyên, Lưu Cẩm Vân, Nguyễn Chí Ngoan, Nguyễn Ngọc Bích (2 truyện), Nguyễn Quang Nhân, Thu Đình (2 truyện), Trần Quang Lộc, Trần Tiểu Thùy, Triều Thu, Trương Thị Thúy, Vân Anh, Ý Thu. Maria Lê Minh Ngọc, Mai Thị Lành, Anna Lê Bạch Tuyết, Paul Phạm Tiến Dũng, Matta Võ Trịnh Như Quỳnh …

Trang giáo phận Quy Nhơn: Đoàn Xuân Dũng (41 bài), thơ dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn (các Sr. Diệu Hiền, Hiền Linh, Thanh Hà, Kim Chung), Dòng Nữ tỳ chúa Giê su tình thương (các Sr: Bùi Thị Liên, Trần Bảo Xuyên, Nguyễn Thị Bích Trâm, Mỹ Lệ, Mai Thị Lành, Thanh Nga, T. Oanh, H.T.Thu, Quang Khôi, Phương Uyên), và các tác giả: Người làm vườn: 02 bài, Sao Mai: 02 bài, Chiên Nhỏ: 02 bài, Lệ Hằng: 02 bài.

TẢI SÁCH “HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM”