Nhà văn Nguyễn Văn Học và những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỌC

& Những truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo


Bùi Công Thuấn

***

   Nhà văn Nguyễn Văn học thuộc thế hệ 8X. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng đồng thời là nhà báo, công tác tại ấn phẩm Nhân Dân Cuối tuần (báo Nhân Dân).

NHÀ VĂN ĐA ĐOAN

Nguyễn Văn Học quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ), Hà Nội, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo. Học xong phổ thông, anh vào học lễ tân trong Trường trung học Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội. Tốt nghiệp (2002), anh được giới thiệu vào làm ở một nhà nghỉ, với mức lương 300.000 đồng mỗi tháng. Chính nơi đây anh đã viết những tác phẩm về những con người “dưới đáy” xã hội [[1]]. Khi đã có công việc ổn định, Nguyễn Văn Học thi vào học Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du).

Hơn 20 năm cầm bút, Nguyễn Văn học đã in trên 20 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau: Những cô gái bất hạnh (2007); Gái điếm (2008); Đường dài của hạnh phúc (2008); Rơi xuống vực sâu (2009); Bão người (2009); Cao bay xa chạy (2010); Hỗn danh (2011); Hoa giang hồ (2011); Khi vết thương nằm xuống (2013); Vết thương hoa hồng (2016); Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé? (2018); Chạm tay vào cánh chim trời (2020); Linh điểu (2020); Tiệc hoa (2020), Miền Thánh Đợi (2021)…

Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ về việc viết văn: “Đối với tôi, viết văn là hành trình khám phá bản thân, khám phá môi sinh. Văn chương cũng là phương thuốc để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khát khao, cống hiến, biết yêu đồng loại, đau trước nỗi đau của đồng loại và chịu trách nhiệm về bản thân mình”[[2]].

Truyện Con Khổng Tước và cô tiểu thư như là một tự truyện, Tác giả (nhân vật Vững -gia sư) kể với mẹ:

“Tốt nghiệp, con chưa xin được việc làm. Ngành viết văn đầy trắc trở. Học đấy, cố gắng đấy và rồi nhiều người chênh chao chẳng biết xin việc gì cho ổn định tương lai của mình…Con trăn trở nhiều cho văn chương và đau đáu thân phận mình, để rồi có lúc, ngồi viết nhật ký cho mẹ mà không nín được nước mắt. Con vẫn làm phóng viên tự do, thổi ước vọng mình, chính kiến mình vào từng trang phóng sự, bút ký, những bài luận… Con đồng hành cùng một vài em học sinh yếu văn. Người ta gọi là “gia sư”…

Niềm tin của con là cứ cần mẫn viết, rồi sẽ tìm được việc làm tử tế. Bạn con ra trường, mỗi người mỗi cảnh. Nỗi niềm nhà văn trẻ, khát vọng nhiều nhưng tài năng như muối bỏ bể. Có đứa lương khởi điểm hơn triệu bạc, vừa đủ tiền thuê nhà lẫn xăng xe. Con hận mình không thể cố gắng hơn, để có tiền bồi dưỡng và thuốc thang đầy đủ cho mẹ. Cha khi còn sống vẫn bảo con đa đoan văn chương, ôm nỗi khổ vào người. Giờ con thấm….cắm đầu vào học trường viết văn, với một tài năng chưa thực sự chín, và sự may mắn chưa đến với mình, để rồi lại chán ngán làm sao thân phận văn chương bèo bọt quá đỗi…

Gần ba mươi tuổi vẫn tay trắng. Không tình yêu. Không công việc. Không danh tiếng… Không gì cả…Con phải làm thêm cật lực. Con không có tiền chạy chọt. Không có tài nịnh nọt. Không có việc làm khi ra trường. “Thành phần con ông cháu cha” giăng mắc la liệt khắp nơi. Con không được chào đón ở đó. Con cần phải có tiền để đỡ đần mẹ và cũng lo cho tương lai của mình. Được giới thiệu, con đã xông hẳn vào công việc mát-xa cho một số người đàn bà nạ dòng. Bởi con có vóc dáng, có khuôn mặt. Khi đi làm, con giấu mình là người viết văn, mà chỉ là lao động tự do. Công việc cho con tiền nhưng tặng lại nỗi nhục. Cuộc đời ngoa ngoắt, giễu cợt con bằng sự đểu giả nhất của nó.

Con là con trai mẹ, người đã từng in ấn đến mười đầu sách, chẳng lẽ lại vùi đầu mình vào một mớ nhuốc nhơ. Con cần phải lôi mình lên. Con không thể để những con chữ cũng tố cáo và cười cợt mình. Càng không thể để văn chương coi con chỉ là một mớ giẻ rách. Con bỏ việc”.

Đó là tâm trạng của nhân vật Vững và cũng là tự sự của tác giả. Những dòng văn thấm rất sâu những nỗi buồn thế sự nhưng cũng chứa đựng những nỗ lực vươn lên thật mạnh mẽ. Tôi nghĩ, số phận không cho anh điều may mắn nhưng lại cho anh vốn sống giàu có, và cùng với tâm huyết của đời mình, anh đã có thể viết được những trang văn lay động lòng người.

Tập truyện ngắn Miền Thánh Đợi có 40 truyện ngắn tập hợp từ tập Những cô gái bất hạnh (2007) đến những tập truyện gần đây[[3]]. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vài truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học.

(nhà văn Nguyễn Văn Học)

TÔN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Nhà văn Nguyễn Văn Học có những truyện ngắn hay trong đó nhân vật chính tỏa sáng những phẩm chất của một Kitô hữu. Những truyện ấy có giá trị truyền giáo (truyện Tình người; Cô gái hát thánh ca).

Nhưng nhìn chung, truyện ngắn có yếu tố Kitô giáo của Nguyễn Văn Học không được viết để loan báo Tin Mừng hay để khẳng định Đức Tin. Nhà văn ghi nhận những vấn đề xã hội của tôn giáo và qua đó đặt dấu hỏi về vai trò của tôn giáo trong cuộc sống cộng đồng. Cảm hứng chính của ngòi bút Nguyễn Văn Học là phê phán những kẻ xấu trong giáo dân, “Họ đi nhà thờ đọc kinh đó, ăn “mình thánh Chúa” đó, rồi chính họ đã làm điều ác. Bàn tay họ vấy máu và đầu óc bị quỷ cám dỗ, làm điều chúng sai khiến” (Miền thánh đợi); chính họ cản trở những người muốn theo Chúa.

Điều này làm tôi liên tưởng đến việc Đức Giêsu lên án và đánh đuổi bọn người xấu ra khỏi đền thờ (Mt 21, 12-17; Mc 11, 15-17; Lc 19, 45-46). Người nguyền rủa bọn giả hình: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.(Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn). “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người”(Mt 23, 13-15).

Những yếu tố Kitô giáo trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Học chỉ là đường nét cho bối cảnh câu chuyện, không phải là yếu tố quyết định giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Chúng có thể thay thế bằng yếu tố khác để phục vụ cho một mục đích khác. Thí dụ, làng Diệp (Miền Thánh Đợi) và làng Đại Viên (Ngã lên cỏ thơm) là “làng theo đạo Chúa”, chỉ cần thay chữ “làng theo đạo Chúa” bằng chữ khác là có thể phù hợp với một câu truyện khác; hoặc nhân vật ông Đoành là ông trùm (Cô gái hát thánh ca), khi thay chữ “ông trùm” bằng một danh xưng xã hội khác thì nhân vật có thể “diễn” một vai tuồng trong một “sân chơi” khác.

Xin đọc MIỀN THÁNH ĐỢI

Miền thánh đợi là truyện một gia đình sống ngụ cư giữa một bên là làng Diệp (Công giáo) và một bên là làng Dân (Phật giáo). Họ có ý hướng theo Chúa. Họ cũng được rủ rê đi nhà thờ. Nhưng chính “những kẻ canh cổng nước Thiên đàng“ ở làng Diệp đã đóng cánh cổng ấy, và khiến họ không còn đất sống, đành phải bỏ xứ mà đi.

Trong đêm trước khi đưa bố và em lên thành phố sống, Đến (nhân vật xưng Tôi) đã quỳ cầu nguyện trước tượng Chúa, và anh thiếp đi. Trong cơn miên man, ký ức anh sống lại những ngày gia đình anh ở xóm ngụ cư. Người của làng Diệp và làng Dân đều tìm cách lôi kéo gia đình Đến. Anh nói với bố về việc theo đạo. Anh nghĩ, “Ai cũng mong một chỗ dựa tinh thần, dù là chưa ý thức được điều gì đó. Nhưng có một đấng bậc nào đó để mà kính sợ, mà cầu xin thì quả là hạnh phúc”. Nhưng bố bảo:“Hãy xem người ta làm gì với nhau, làm gì với gia đình mình. Đạo Chúa có tốt thực sự không? Đạo, chắc chắn phải khởi từ tâm hồn. Con chưa hiểu đâu”.

Và “họ”, những người ở làng Diệp (làng Công giáo) đã làm gì?

Đến và Như là hai người bạn học. Như đã khuyến khích Đến đọc Kinh thánh và thường rủ Đến đi nhà thờ. Rồi hai người yêu nhau. Hậu quả là Đến bị đánh một trận 7 phần chết một phần sống, cánh tay trái gãy gập. Thằng Bường (làng Diệp, làng Công giáo), con lão Khoái chủ tịch xã, cùng đồng bọn đã đã làm chuyện này. Nó muốn cướp Như. Nó nói gia đình nó và gia đình Như đã có hôn ước. Đến gặp bố Như để nói điều phải trái nhưng bị ông đuổi thẳng. Ông buộc con gái phải lấy Bường. Ông nói với Như: “Hãy vì gia đình này. Lão Khoái là chủ tịch xã, chỉ có lão mới giúp cho những lò gạch bố đang đun kia không bị đổ. Nhà ta ơn nhà đó bao năm rồi”. Như nhắm mắt lấy Bường. Sau đó Như bị Bường đánh đập tàn nhẫn. Nó khép tội Như đã ngủ với thằng ngụ cư (chỉ Đến) rồi nó bỏ Như. Cô bị sẩy thai sau đó sống đời thực vật.

Mất người yêu, bị đánh thừa chết thiếu sống không làm Đến đau khổ và uất ức bằng việc cô em gái 16 tuổi của Đến bị cướp trinh. Hai thằng, Đức và Hải (làng Diệp) cá cược. Đứa nào cướp được trinh em gái Đến trước thì đứa kia phải đưa tiền. Cuối cùng thằng Hải con lão Tam ở làng Diệp thắng. Thật là một lũ bỉ ổi súc sinh. Đến giận không sao chịu nổi. “Tôi định thủ một con dao dài, phải bắt chúng trả giá, rồi ra sao cũng được. Bố bảo: “Thôi, chuyện đã rồi, bỏ qua…”; “Nhưng con không thể cho qua chuyện này, nó là em gái con”. Bố lắc đầu”…Bố xua tay, nhẫn nhịn như một con rùa”.

Nhẫn nhịn như vậy vẫn chưa vừa lòng những kẻ xấu. Đến cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin tha lỗi, nhưng sao Người thử thách con lâu đến thế! Đường đến với Chúa là đến nước Thiên đàng. Sao để những kẻ tội lỗi kia canh cổng vào Thiên đàng, để cho con và gia đình hoang mang, chông chênh niềm tin. Sao không cho chúng con sức mạnh, để vượt qua tất cả?

Tai vạ lại ập đến. Nguyên vật liệu làm đường của làng Diệp bị mất cắp một số lượng lớn. Người ta bí mật cho dân quân điều tra, theo dõi những động thái trong làng. Đến kể: Bố tôi thường trằn trọc đêm khó ngủ, ông ra bờ chuối, có khi vác vó ra sông kéo kiếm cá cải thiện bữa ăn. Vì thế mà có kẻ nhẫn tâm đổ vạ. Ông bị khép vào tội ăn cắp xi măng xếp ở lán của nhà thờ. Bố bị nhốt ở nhà giam của xã, bị tịch thu ruộng để đền vào chỗ xi măng bị mất. Tôi đòi đi kiện nhưng bố can, chẳng ăn thua gì. Tốt hơn là nhịn đi và đi khỏi nơi này”.

Chú Duy khuyên bố theo đạo. Bố nói:“Đạo đây này, tiền chính là đạo. Tôi đã khốn nạn chẳng lo cho vợ được một cỗ áo quan tử tế khi chết thì còn đạo làm gì nữa. Tôi phải cút đi đâu đó làm để trả nợ đã”. Đến cũng kiên trì thuyết phục bố nhưng Đến biết: “Tất cả những điều đó làm bố tôi mất lòng tin, không còn thiện cảm với những người theo đạo Chúa. Tất cả những điều đó ngăn cản bố tôi về với Chúa”.

Và không còn đường sống, Đến về dẫn bố và em rời khỏi nơi ngụ cư.

Thằng Bường, sau khi bỏ Như, và sau khi bố nó bị bắt giam vì câu kết với cán bộ xã bán đất của dân bỏ túi, nó đến gặp bố và nói: “Theo bố thì có Chúa không? Chắc là không?! Bởi vì con biết bố và một số người đã mưu toan đẩy dân ngụ cư đi để chiếm đất. Bố không giấu được đâu. Đạo là thế ư? Chúa là thế ư? Con hận bố”.

Câu hỏi ấy cũng là câu hỏi của tác giả đặt ra cho những người theo Chúa ở làng Diệp; cũng là câu hỏi đặt vào lương tâm những con chiên Chúa hôm nay, “những kẻ canh cổng nước Thiên đàng“ nhưng lại biến nhà Chúa thành “sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21, 13).

Tôi nghĩ, những truyện Nguyễn Văn Học kể đều có thể có trong hiện thực ở một làng Công giáo nào đó (ở miền Bắc), song nhà văn có thể đã “hư cấu” quá tay. Bởi vì mọi sự việc xảy ra đều dồn vào một lối hẹp buộc gia đình nhà Đến phải bỏ xứ mà đi, và không để lối nào cho họ đến được với Chúa.

Tôi tự hỏi, vai trò của cha xứ ở làng Diệp? Sao ngài lại để cho con chiên lộng hành tác oai tác quá như thế? Tôi cũng tự hỏi, vai trò các đoàn thể Công giáo tiến hành (Giới Gia trưởng, giới Hiền mẫu, giới Trẻ, hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót, Lêgio Marie, Tận hiến…)? Họ ở đâu mà để tội ác hoành hành như thế ngay trong giáo xứ. Câu trả lời là, nhà văn đã không đề cập đến họ (hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố ý bỏ qua vai trò của họ), ngòi bút chỉ tập trung xô đẩy nhân vật thực hiện ý đồ sáng tác, gieo mối hoài nghi vào tính chân lý của tôn giáo, bất chấp những quy luận của hiện thực?

Xin đọc NGÃ LÊN CỎ THƠM.

Làng Xe Thồ (ngoại giáo) và là Đại Viên (Công giáo) có mối thâm thù từ lâu vì khác tôn giáo. Vì thế thường xuyên xảy ra những cuộc ẩu đả. Sự thù hận càng tăng lên khi người làng Đại Viên thu mua đất trồng bắp (ngô) của làng Xe Thồ để làm lò gạch mà việc đền bù không thỏa đáng (?).

Những cuộc ẩu đả ấy diễn ra trước mắt Ngảo, cô gái bị liệt, 17 tuổi, học lớp 11, năng đọc Kinh thánh. Cô có tên thánh Teresa, thích vẽ. Cô nhận thức được vấn đề: “Người Đại Viên kỳ thị người Xe Thồ, bởi họ đã không thờ cúng Đấng Toàn Năng như mình. Sự kỳ thị lớn dần, mưng mủ, hằn sâu dần theo năm tháng…”; “Ngay cả ông nội cũng không giải thích nổi sự ngăn cách giữa đôi bên”…;”Và chắc chắn, ở trong tiền kiếp, hẳn là cuộc sống khác lúc này, sự kỳ thị, hố sâu ngăn cách đã xảy đến bởi những kẻ cố chấp. Những kẻ đó thường vẫn đọc Phúc âm, đọc kinh nhà thờ, nghe cả thánh ca”..;. “Ngảo nhận ra, không phải người làng Xe Thồ yếu thế, đơn giản vì họ chịu nhịn và cái vòng kim cô kỳ thị kia do người làng Đại Viên tạo nên ngày càng nặng nề”.

Ngảo nhận thấy sự căm thù của làng Xe Thồ hằn trong mắt bé Yến, một đứa bé làng Xe Thồ mà đất trồng bắp của bố nó bị bố Ngảo mua lại, phá đi làm lò gạch trong khi bắp sắp được thu hoạch.

Ngảo khuyên cha mình:”Mâu thuẫn giữa hai làng cũng phải đến lúc kết thúc chứ ạ. Đại gia đình mình có khả năng làm việc đó, bố chỉ cần nói với chú trưởng thôn, rồi trình với cha xứ ra một cái luật cấm mâu thuẫn, phân biệt”. Tất nhiên là cha cô không nghe. Ba chị em Ngảo bàn với nhau nhờ ông nội khuyên bảo cha hòa giải. Cha nhượng bộ.

Mọi chuyện đang diễn ra tươi đẹp, nhưng trận chiến lại xảy ra. Ngảo ngồi xe lăn xông vào giữa đám hỗn chiến để ngăn cản. Nhưng vô ích. Phe người làng Xe Thồ bỏ chạy. Chị Vy bị thương ở đầu (chị lấy chồng bên làng Xe Thồ). Chị đẩy xe Ngảo cùng chạy. Ngảo ngã xuống có thơm lần thứ hai.

Cơn bão ập đến. Người già, trẻ em được sơ tán. “Ở một gia đình sơ tán cách nhà mấy cây số, Ngảo nghe ông nói lại Đê đang nứt vỡ. Người hai làng đều tổ chức các đội cứu hộ. Đã có người chết vì nước cuốn đi. Với sức mạnh của nước thì có lẽ, mọi lò gạch đều đã bị xóa sổ, màu xanh của cánh đồng rộng lớn bị hủy hoại”

Tác giả kết thúc truyện bằng một giấc mơ: “Ngồi thì thầm cầu nguyện, Ngảo trôi vào một miền trong veo tĩnh lặng. Cô thấy cánh đồng xanh trải rộng và màu no ấm. Sự hủy hoại của cơn bão, sự trừng phạt của thần linh đã khiến dân hai làng đoàn kết và xây dựng lại cuộc sống, cùng thắp màu xanh cho đồng. Cô thấy Chúa nói bên tai cô, rồi Thiên thần mang cô bay vào bầu trời rộng lớn. Bên dưới, những con người lao động chăm chỉ đang chờ đợi mùa mới bội thu. Tuyệt nhiên, không thấy ai nhắc đến thù hằn. Ngảo cười, bay nhẹ nhàng như cơn gió”.

Tất nhiên là tác giả có thể kết thúc truyện một cách “lãng mạn”, bằng cách cho một cơn bão ập đến, để hai làng thù địch đoàn kết nhau chống bão.

Tôi thì không nghĩ vậy. Ngòi bút hiện thực buộc nhà văn phải tôn trọng cái chân lý của hiện thực. Hai làng thù địch từ tiến kiếp, mối bất hòa càng tăng lên khi đụng chạm đến quyền lợi vật chất, người làng Đại Viên thâu tóm đất cùa làng Xe Thồ để làm lò gạch, đến độ một đứa bé như bé Yến, trong mắt cũng đầy lửa căm thù. Cần phải có một giải pháp thực tiễn khác mới có thể hòa giải được sự thù địch này.

Ở truyện này, người đọc lại thấy vắng bóng vai trò của Linh mục trông coi xứ, cũng không có sự hiện diện của các đoàn thể Công giáo tiến hành. Tác giả giao cho cô gái bại liệt tên là Ngảo, ngồi xe lăn, gánh vác trách nhiệm hòa giải. Đó là một giải pháp không tưởng.

Một mâu thuẫn xã hội lớn như vậy (từ tiền kiếp), cần phải có sự chung sức của cả xã hội (giáo xứ và chính quyền), của mọi lực lượng công dân (các đoàn thể Công giáo, các đoàn thể chính quyền như Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,…) để cùng giải quyết. Nguyên nhân căn bản là sự nghèo đói và vấn đề đất đai. Nguyên nhân thứ hai là sự kỳ thị lương giáo đã có từ thời Pháp thuộc. Hai vấn đề xã hội lớn như thế cần phải được giải quyết bằng luật pháp, bằng các giải pháp kinh tế, giáo dục. Việc hòa giải phải được thực hiện căn cơ từ gốc, may ra mới có hiệu quả. Không thể chỉ một cơn bão ập đến là “hai làng đoàn kết và xây dựng lại cuộc sống, cùng thắp màu xanh cho đồng”.

Tôi cho rằng nhà văn Nguyễn Văn Học chỉ tập trung khai thác sự thù hận giữa hai làng Xe Thồ và Đại Viên để phê phán những kẻ xấu của làng Đại Viên (làng Công giáo), “những kẻ cố chấp. Những kẻ đó thường vẫn đọc Phúc âm, đọc kinh nhà thờ, nghe cả thánh ca…” chứ nhà văn không chỉ đặt vấn đề và tìm giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề.

Xin đọc CÔ GÁI HÁT THÁNH CA

Ngảo là cô gái ngồi xe lăn (tôi không biết có phải là nhân vật Ngảo trong truyện Ngã lên cỏ thơm hay không). “Từ nhỏ, Ngảo đã được tắm đẫm trong bầu không khí của đạo Chúa, những lời kinh cầu trong nhà thờ, rất nhiều bài thánh ca và cả những bài Phúc âm nữa…”; “ Càng ngày cô càng muốn hát thánh ca, hơn hết là những bài về Đức Mẹ, cô cảm thấy mình được ủi an khi ở gần Người…”; “Có Mẹ, Ngảo không còn thấy buồn nản. Tâm hồn cô được cứu rỗi và có chốn nương nhờ”.

Ngảo phát hiện ra một nơi mà cô gọi là “chỗ của mùa thu”. “Nó thắp lên lá màu, và mỗi cơn gió nhẹ thổi đến thì chúng xào xạc rụng, tơi bời như những cánh chim trúng đạn rớt từ trên cành xuống… Lúc mới đến, Ngảo suýt thốt lên trước màu vàng của nó, cảnh mà cô chưa từng nhìn thấy trong đời”. Đây là một chỗ ít người lui đến. Nó là một gò đất cao giống như chiếc bát úp khổng lồ. Người trong làng thường gọi đây là gò hủi.Nó thuộc về hai mẹ con bà Măng. Họ bị khinh miệt vì mang bệnh hủi, không bao giờ được vào làng.

Ngảo đã đến chỗ bà Măng và phát hiện ra bà Măng không bị hủi. Đứa con của bà, cái Vẹt, chừng tuổi Ngảo cũng không bị bịnh. Trái lại hai mẹ con bà rất xinh đẹp. Chị em Ngảo nói với ông nội và cha mẹ chuyện bà Măng. Nhưng Họ đều từ chối. Ngảo trình với Cha xứ. Cha xứ đưa mẹ con bà Măng về làng và kêu gọi dân làng giúp đỡ để dựng căn lều cho mẹ con bà. Ông trùm Đoành có đến gặp bà Măng và xin bà giữ bí mật. Bí mật ấy là, cái Vẹt chính là con ông. Tác giả dẫn giải:

“Điều gì đã diễn ra? Không phải sự thánh thiện vốn có của đạo Chúa được thực thi ở đây, mà bàn tay quỷ dữ hiện diện và hoành hành. Đúng là có tình yêu của cô Măng dành cho ông Đoành. Còn ông Đoành thì không…Ngay khi cô mang thai thì có một người con gái khác ở nước Nga xa xôi trở về. Người làng đã muốn gán người trai tên Đoành 32 tuổi với cô gái giàu có đó…Ông Đoành đã bỏ rơi cô Măng và cưới cô gái giàu có kia”.

Nghe ông trùm Đoành xin giữ bí mật chuyện hai người, bà Măng khóc, hai hàng lệ tứa: “Ông hãy ôm lấy bí mật của ông, sẽ không ai phơi nó ra cả. Cũng chẳng cần ông phải bù đắp”. Bà Măng quyết định ra đi, không nhận bất kỳ một ân huệ nào từ phía làng, và cả phía cha xứ.”

Trong truyện này, mẹ con bà Măng là nạn nhân. Họ bị đẩy khỏi xã hội loài người. Sự ác tâm của ông trùm Đoành và dân làng (Công giáo) là sự ác tâm của quỷ. Bàn tay thiên thần của Ngảo cùng với lòng xót thương Con người của cha xứ không cứu vớt họ được.

Cách kết thúc truyện như vậy làm tắt ngấm mọi hy vọng của chị em Ngảo. Đây là cảnh chia tay: “Vẹt đến tạm biệt Ngảo để theo mẹ ra đi. Ngảo trao cho nó mẫu ảnh Đức Mẹ mà cô luôn đeo ở cổ. “Hãy giữa lấy để luôn được may mắn.” Ngảo hát cho Vẹt nghe bài thánh ca, bài tung hô Đức Mẹ. Cô muốn người bạn nhỏ của mình sẽ được Đức Mẹ che chở.”

Làm sao “Đức Mẹ che chở” được khi trong lòng bà Măng tràn đầy bóng tối? Cách kết thúc truyện như thế này đọng rất sâu nỗi ngậm ngùi cay đắng, bởi mẹ con bà Măng đã được đưa trở về xã hội loài người, được cha xứ và dân làng chấp nhận và giúp đỡ, ánh sáng Cứu Độ đã soi thấu hoàn cảnh của bà, nhưng bà lại ra đi vì không thể tha thứ cho ông trùm Đoành.

Đạo Công giáo dạy tín hữu sự tha thứ. Không chỉ tha thứ bảy lần mà tha thứ bảy mươi lần bảy (Mt 18, 21-22). Sao tác giả không kết thúc truyện bằng ánh sáng của Tin Mừng? Bởi ánh sáng Cứu độ sẽ làm tan đi bóng tối? Đức Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Đọc ba truyện trên, người đọc đều nhận ra dụng ý của tác giả trong việc kiến tạo tác phẩm. Nhà văn không viết truyện để loan báo Tin Mừng, không viết dưới ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo. Cảm hứng chính của ngòi bút Nguyễn Văn Học khi viết đề tài Kitô giáo ít nhiều là cảm hứng phê phán, cho nên bóng tối lấn át phần hiện thực được tác giả phản ánh. Tôi ngờ rằng, tác giả chưa thoát khỏi những ám ảnh tôn giáo trong tác phẩm viết trong thời kỳ miền Bắc cải tạo Xã hội chủ nghĩa (?).

NHỮNG ĐIỀU GỬI GẮM

Nhà văn Nguyễn Văn Học có nhiều truyện ngắn hay (Tình người, Miền thánh đợi, Ngã lên cỏ thơm, Ngôi nhà có nhiều ô cửa, Cô gái hát thánh ca, Con Khổng tước và cô tiểu thư…). Những truyện anh viết bằng tình yêu thương sâu nặng, bằng thái độ chân thành, và sáng tạo nhiều tình huống bất ngờ, thay đổi nhiều góc trần thuật với giọng trẻ trung hiện đại thì văn của anh thực sự hấp dẫn. Những trang văn thức tỉnh lương tri con người trước cái ác, trước những thân phận “dưới đáy” xã hội bị chà đạp là sự đóng góp của anh cho văn học Việt đương đại.

Rất tiếc chưa có nhiều ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo trong tác phẩm của Nguyễn Văn Học nên bóng tối của hiện thực vẫn bao trùm và làm nhức nhối trái tim người đọc. Tôi thích truyện Tình người (giải nhất VHNT Đất Mới 2017), dù bóng tối đè rất nặng tâm tư người đọc về những nỗi niềm mà một người theo Chúa không thể thở than, nhưng kết truyện, ánh sáng Tin Mừng đã đem đến niềm tin yêu có sức sưởi ấm mọi miền hoang vu lạnh lẽo của tâm hồn.

Tháng 4/2022

[1] Cao Oanh-Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học: Văn chương cất lên từ cuộc sống:


[2] Thanh Hiền-Những trang văn cất tiếng cho sinh thái:


[3] Hoàng Thụy Anh-Nguyễn Văn Học nâng niu vị muối của tâm hồn: