Chân dung một dịch giả lớn đằng sau công trình dịch thuật kéo dài hơn thập kỷ - Tác giả: Lệ Hằng

Lan Mary
Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là để làm được điều trên, một dịch giả trước tiên phải là một "người đọc lớn" bởi quá trình chuyển ngữ là quá trình trưởng thành của người đọc với tác phẩm. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc đọc bề mặt chữ, đọc nắm nội dung đưa ra các lời giải thích và đọc sâu, ngụp lặn, chung sống với văn bản cho đến khi có thể hiểu được nội dung nằm giữa các dòng, nghĩa là nội dung bên ngoài câu chữ. Và giai đoạn đọc thứ ba này là điều mà mọi dịch giả chân chính phải trải qua trước khi tác phẩm có thể ngân lên ở một ngôn ngữ khác, một lục địa mới. NGUỒN:

Một lần nọ, tôi nghe một người nói về công việc dịch thuật mà cụ thể là dịch tác phẩm văn học như sau: sáng tạo mới khó chứ viết lại trên cái đã có rồi thì có gì đâu! Ở đây, trong ngữ cảnh xuất hiện phát biểu này, người ta chưa bàn đến giá trị của tác phẩm, người ta chỉ muốn nói là cái công viết ra một tác phẩm mới là đáng ghi nhận, còn việc "viết lại trên cái đã có" tức là chuyển tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì dễ dàng và không đáng ghi nhận như cách người ta thường ghi nhận quá trình lao động của một tác giả. Tôi cho rằng người phát biểu điều này có lẽ chưa bao giờ thực sự bước vào một công việc dịch thuật khắt khe và nghiêm cẩn để hiểu được bản chất của công việc, cụ thể là sự đầu tư trí tuệ trước những đòi hỏi không bao giờ là dễ dàng của việc chuyển ngữ một tác phẩm văn học, đặc biệt là chuyển ngữ một tác phẩm thi ca.

Chuyển ngữ một tác phẩm văn học là một công việc khó khăn, nhiều người xem công việc này như một "thương vụ mạo hiểm" nhưng những dịch giả tâm huyết vẫn dấn thân vì công việc này cũng được xem như một "hành động ngoại giao", vì rằng họ có thể mang ánh sáng của tác phẩm đến những vùng đất mới, nền văn hóa mới với những con người hoàn toàn không hiểu được ngôn ngữ ban đầu của tác phẩm. Dịch thuật hay chuyển ngữ trong tiếng Latin là "translatio" nghĩa là hành động di chuyển một vật từ nơi này sang nơi khác. Tôi hình dung việc chuyển ngữ một tác phẩm văn học tương tự như việc một thương gia mang một món hàng quý từ lục địa này sang lục địa khác, quá trình giao thương cho phép người dân của hai lục địa dù không trực tiếp gặp nhau vẫn có sự tiếp xúc tinh thần và trao đổi văn hóa thông qua món hàng ấy. Tuy nhiên, trong quá trình băng từ lục địa này sang lục địa khác, thương gia phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Một phần của món hàng hay thậm chí toàn bộ món hàng có thể bị rơi xuống biển và chìm dưới đáy đại dương. Bằng cách này hay cách khác, thương gia sẽ đến được lục địa mình muốn đến nhưng khi ấy trên tay có thể chỉ còn lại cái túi đựng món hàng và vì nó không có giá trị nên không được ai chào đón, hoặc anh ta chỉ còn được một phần nhỏ của món hàng và phải chấp nhận đổi lấy với giá tương thích. Mỗi một hành trình trên biển và mỗi một thời điểm thương gia ghé vào vùng đất mới đều sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Và như thế, chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng trên hành trình vượt biển của mình, thương gia nọ có thể biết cách để làm tăng giá trị của món hàng mà anh ta đang mang đến.

Tôi đưa ra ẩn dụ thương gia và món hàng này mục đích là để chúng ta hình dung rõ hơn công việc chuyển ngữ một tác phẩm văn học. Người dịch phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khi đi trên dại dương chữ nghĩa ấy, họ luôn phải có những lựa chọn sáng suốt để không đánh mất linh hồn của tác phẩm, để giữ lại được càng nhiều càng tốt cái hay cái đẹp và đồng thời họ cũng cần phải đầu tư để làm tăng giá trị của tác phẩm trong giới hạn cho phép của mình. Đó chính xác là những gì mà Linh mục Đình Chẩn đã làm khi chuyển ngữ trường ca Thần Khúc của đại thi hào Dante.

Trước khi nói về chân dung của một dịch giả hiện lên như thế nào qua tác phẩm chuyển ngữ, tôi muốn nói đến một điều căn bản và quan trọng hơn hết đối với việc chuyển ngữ một tác phẩm thơ. Nếu như bản chất của việc chuyển ngữ giống như mang một món hàng từ lục địa này vượt đại dương để đến đến một lục địa khác và phải đối mặt với nhiều thử thách trên chuyến đi thì đối với một tác phẩm văn xuôi, những thử thách ấy chủ yếu là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, phong cách thể hiện trong tác phẩm, còn với một tác phẩm thi ca, ngoài ba yếu tố vừa kể trên, dịch giả còn phải cưu mang nhiều yếu tố khác như thể thơ, nhịp điệu, vần điệu, âm thanh... Sự cộng hưởng các yếu tố mang tính đặc trưng của thơ là điều không thể bỏ qua bởi nó quyết định chất lượng của bản dịch và thậm chí người đọc thường dựa vào đó để đánh giá một tác phẩm là thành công hay thất bại. Bên cạnh tính hình thức của thi ca thì thi ca còn là cách diễn đạt tinh ròng và cô đọng nhất trong các loại hình văn học. Thi ca sử dụng phương tiện ngôn ngữ mà xã hội sử dụng, nhưng đồng thời, nhờ tính đa nghĩa của từ ngữ, thông qua cách sắp xếp trật tự từ ngữ một cách có chủ đích từ giao cảm đặc biệt nhạy bén của nhà thơ, thi ca còn mang trong mình thứ ngôn ngữ riêng nằm ngoài phương tiện mà nhà thơ đang sử dụng. Ngôn ngữ thi ca thường là ngôn ngữ của hình ảnh mang nhiều tầng ý nghĩa. Chúng ta vẫn thường nói đến các phương thức tu từ điển hình trong văn học như ẩn dụ hay phúng dụ khi nói đến thi ca. Và Thần Khúc của Dante là một tác phẩm hội tụ đầy đủ phẩm tính của một trường ca bất hủ và vĩ đại.

Thi hào Dante viết Divina Commedia trong mười bốn năm ông lưu đày xa quê hương Florence (Ý) từ năm 1307 đến năm 1321 và cũng gần ngần ấy thời gian linh mục Đình Chẩn đã bỏ ra để chuyển tác phẩm đồ sộ này sang tiếng Việt. Việc chuyển ngữ Divina Commedia được khởi sự vào năm 2010, một năm sau khi ngài sang học tại Ý, từ đó đến nay (2022) là tròn mười hai năm. Mười hai năm ròng rã, dù có nhiều bổn phận phải hoàn thành, nhiều công việc phải để tâm nhưng việc chuyển ngữ tác phẩm này vẫn được ngài ấp ủ, cưu mang và bền bỉ miệt mài thực hiện. Đến nay, công trình nghiên cứu, biên soạn, chú giải và chuyển ngữ Dinina Commedia đã gần hoàn tất, Thần Khúc với ba cuốn: Hoả Ngục, Luyện Ngục, Thiên Đàng đang sửa soạn đưa vào nhà in. Divina Commedia được xem là bản trường ca ưu việt của văn học Ý, sự phong phú của ngôn ngữ trong tác phẩm đã khiến Dante được người dân nước Ý nhìn nhận là "cha đẻ của tiếng Ý". Nhiều thế kỷ đã qua kể từ khi tác phẩm ra đời nhưng Divina Commedia vẫn luôn được xem là tinh túy của văn học châu Âu và là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới. Tôi kể ra những điều trên đây để người đọc có thể thấy được thách thức của công việc chuyển ngữ này và sự cần mẫn của người đã lựa chọn nó.

Tuy nhiên, linh mục Đình Chẩn không phải là dịch giả tiếng Việt đầu tiên của Thần Khúc, trước ngài đã có đến sáu dịch giả thực hiện việc chuyển ngữ tác phẩm bất hủ này. Vì Thần Khúc được viết ra dưới ánh sáng đức tin Ki-tô giáo mà những bản dịch trước chưa thực sự chạm đến được tầng nghĩa sâu xa nhất của tác phẩm (đó là hoàn thiện đời sống thiêng liêng thông qua ơn cứu độ) nên linh mục Đình Chẩn đã tiến hành vừa biên soạn, vừa chú giải, vừa dịch thơ, đây quả thực là một "thương vụ mạo hiểm" nhưng cũng là một "hành động ngoại giao" vô cùng ý nghĩa vì bản Việt ngữ này không chỉ mang ánh sáng của một tác phẩm văn học Ki-tô giáo đến với những người có đức tin Ki-tô mà hơn thế, đó là làm giàu thêm cho nền văn học Việt Nam khi mang một tác phẩm thi ca kinh điển, tinh hoa của nhân loại đến với người đọc chúng ta. Dù khám phá tác phẩm ở góc độ nào đi nữa, thần học hay thưởng thức văn chương thuần túy, thì người đọc cũng cần tiếp cận tác phẩm một cách toàn diện, sâu sắc mới có thể lĩnh hội được vẻ đẹp của một tuyệt tác. Văn học dịch là một bộ phận trong nền văn học dân tộc, sự phát triển của nó có thể trở thành chất xúc tác dẫn đến thời kỳ bùng nổ đối với toàn bộ nền văn học dân tộc. Dĩ nhiên điều này chỉ xảy ra khi một tác phẩm mang những phẩm chất cần thiết để tạo nên sự bùng nổ được xuất hiện vào đúng thời điểm mà tác phẩm có thể cộng hưởng với bối cảnh xã hội cũng như bối cảnh văn học trong nước để bung mở thời kỳ sôi động mới cho người sáng tác. Dù sao thì lịch sử văn học Việt Nam cũng đã cho chúng ta trải nghiệm tương tự với thành công của Truyện Kiều (Nguyễn Du) – đỉnh cao của thể thơ lục bát – và ảnh hưởng của nó đối với nền văn học dân tộc.

Một bản dịch tốt luôn là kết quả của quá trình tiếp nhận và dung hòa giữa bản văn gốc và bản văn chuyển ngữ, cuối cùng, khó khăn hơn nữa, chính là phát triển tối đa bản văn chuyển ngữ, tạo cho nó một phong cách, một tiếng nói riêng và truyền cho nó một sức sống trong cộng đồng mới. Văn hóa và ngôn ngữ của người tiếp nhận là yếu tố dịch giả phải cân nhắc thường xuyên vì cộng đồng mới nơi sẽ đón nhận tác phẩm qua cuộc chuyển hóa này không chỉ đơn thuần là không hiểu được thứ tiếng sử dụng trong văn bản gốc của tác phẩm mà họ còn không hiểu được lối tư duy, cách sử dụng các biểu tượng văn học của nền văn hóa gốc nơi tác phẩm được sinh ra. Đứng trước những lựa chọn khó khăn của việc dịch thơ, linh mục Đình Chẩn đã không chọn con đường mà một số người dịch trước đã chọn: theo sát bản văn gốc, bám lấy tất cả hình ảnh thơ và tuân thủ số câu, số chữ; thay vào đó, ngài chọn con đường Việt hóa tác phẩm sử dụng gần như tất cả các thể thơ quen thuộc với người Việt gồm lục bát, song thất lục bát, đường luật, và cả lối hát nói, chầu văn... Sự lựa chọn này cho thấy ngài coi trọng độc giả tương lai của tác phẩm. So với việc đọc những câu thơ dài, tiếp xúc thể thơ lạ thì đọc những câu thơ hiệp vần chặt chẽ như lục bát, song thất lục bát... sẽ dễ dàng với người Việt hơn và việc ghi nhớ cũng trở nên dễ dàng hơn. Các yếu tố dân tộc được tận dụng triệt để trong quá trình chuyển ngữ, tác phẩm được viết lại tuân thủ cốt truyện, thông điệp, sự kiện cũng như nhân vật trong bản gốc nhưng nó hoàn toàn mới mẻ trong hình thức.

Dịch giả Đình Chẩn đã Việt hóa ngay trong cách thể hiện thông điệp cũng như cách xây dựng hình ảnh thơ để tác phẩm trở nên gần gũi với người Việt, gần gũi nhất có thể. Trong bản Việt ngữ Thần Khúc mà tôi đang đề cập, người đọc sẽ gặp được rất nhiều câu thơ mượn từ Truyện Kiều của Nguyễn Du hay những câu thơ của Hàn Mặc Tử và các nhà thơ khác. Ngoài ra, ca dao, thành ngữ, điển cố điển tích... phổ biển trong văn học dân gian cũng được linh mục Đình Chẩn đưa vào bản dịch, vận dụng một cách khôn khéo linh hoạt.

Một bản dịch được xem là thành công khi truyền tải được điều tác giả muốn nói và phải truyền tải một cách sống động dễ tiếp thu với cộng đồng người đọc mới. Để đạt được mục đích của việc chuyển ngữ, linh mục Đình Chẩn đã kết hợp việc dịch thơ với chú giải tỉ mỉ từng nhân vật, từng sự kiện xuất hiện trong tác phẩm bên cạnh đó ngài cũng dày công biên soạn bằng văn xuôi phần nội dung của mỗi ca khúc. Và so với bản văn gốc, bản Việt hóa lần này cũng linh hoạt thu gọn các ca khúc của Thần Khúc để độ dài của tác phẩm bớt đi phần trở ngại cho người đọc. Có lẽ, mục đích của ngài không chỉ là tập trung vào những người có xu hướng yêu thích khám phá vẻ đẹp của thi ca hay các nhà nghiên cứu, mà rộng hơn, ngài muốn tác phẩm được phổ cập rộng rãi với cộng đồng người đọc trên quê hương này.

Đọc bản Việt ngữ Thần Khúc của linh mục Đình Chẩn, tôi thấy mình như thâu tóm được tất cả tinh hoa của các thể thơ truyền thống của dân tộc mình, đồng thời sự xuất hiện của một số lượng lớn những câu thơ từ các tác phẩm kinh điển khác và ca dao, thành ngữ cũng giúp tôi củng cố vốn kiến thức văn học của mình.
Mặc dù dịch giả sẵn sàng mượn từ kho tàng văn học Việt Nam để đưa vào tác phẩm, điều đó không hề khiến tôi đưa ra một nhận xét nào tiêu cực về năng lực sáng tạo của tác giả, mà ngược lại nó chỉ cho tôi thấy vốn kiến thức và trí tuệ của người dịch. Đặc biệt, khi đọc những câu thơ tôi sắp sửa trích dưới đây, tôi không còn muốn nhấn mạnh đến hai từ dịch giả nữa.

"Xin thương rảy nước cực thanh
tẩy con sạch hết cả giành tội nhơ.
Hồn con sẽ đẹp như mơ
trắng trong như tuyết, bụi mờ biến tan."
...

"Sương lưng lưng sương rưng rưng
nghe lời thiên sứ thấm từng giọt châu:
Hai chìa khăng khít trước sau
có sau có trước, có đầu có đuôi."
...

"Tê- Đê-um! Nhạc thần tiên
trời reo vũ khúc, đất rên nhảy mừng.
Tê-Đê-um! Ngọc tơ rưng
đập tan thần chết, khởi bừng phục sinh."
...

"Lời thiên sứ vọng đưa níu gọi
Âm vách thiêng hòa tới vô biên
"Phúc cho ai nên trong sạch tinh tuyền!"
Nghe khôn tả màu êm đềm khẽ chạm
tiếng dìu đưa như cánh tơ uyên khảm
tôi lặng hồn trong sâu thẳm an nhiên
muôn đời câu đẹp tơ nguyền!"
...

"Đường nghiêng dốc đá gầy chen lối
hướng phương Đông nắng buông sợi ngang lưng
ôi vầng hồng trước mặt trôi nhẹ tưng
lên từng bậc rẻ quạt rung màu mắt.
Núi bang lang ngắm thiên không bát ngát
màu nhất uyên nhuộm từng nét chân trời
màn đêm xuống lắng chìm phủ nơi nơi
kiếm bậc thềm chúng tôi ngồi nghỉ."


Tôi cảm nhận được tác giả thực sự làm chủ tiết tấu, vần điệu và có khả năng diễn đạt tuyệt vời theo ngôn ngữ thi ca. Vượt qua khỏi rào cản ngôn ngữ và văn hóa, linh mục Đình Chẩn bằng trí tuệ, tâm hồn và khả năng ngôn ngữ của mình đã mang lại một cuộc đời mới cho một tác phẩm đã sống giữa lòng nhân loại hơn 700 năm qua.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là để làm được điều trên, một dịch giả trước tiên phải là một "người đọc lớn" bởi quá trình chuyển ngữ là quá trình trưởng thành của người đọc với tác phẩm. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc đọc bề mặt chữ, đọc nắm nội dung đưa ra các lời giải thích và đọc sâu, ngụp lặn, chung sống với văn bản cho đến khi có thể hiểu được nội dung nằm giữa các dòng, nghĩa là nội dung bên ngoài câu chữ. Và giai đoạn đọc thứ ba này là điều mà mọi dịch giả chân chính phải trải qua trước khi tác phẩm có thể ngân lên ở một ngôn ngữ khác, một lục địa mới.

Lệ Hằng-Đà nẵng, tháng 6 năm 2022

Đôi lời BBT:

Thần Khúc bộ ba: Hoả Ngục-Luyện Ngục-Thiên Đàng

Khổ 16x24, bìa cứng, đóng hộp, với hơn 1300 trang.

Giá bìa: 699k

Giá đặt trước: giảm tuỳ theo từng nhà sách, với Đình Chẩn, giảm sâu nhiều cấp độ tuỳ theo đối tượng độc giả.

Quí độc giả có thể đăng ký sách tại:

Hà Nội:

- Nhà sách-Nhà Thờ Lớn (zalo 0974322681);

- Nhà sách Dòng MTG Hà Nội (zalo 0384416802);

- Nhà văn Vinh Kiu,

- Cô giáo Hoa Nguyen,

- Bạn Thu Phương Thu Phương

Ninh Bình:

- Nhà sách Trần Lục Phát Diệm (Tel/zalo: 0822.335.992 hoặc 0835.593.561)

- Lan Mary

- Đình Chẩn

Miền Trung:

- Nhà Sách MTG Vinh

Saigon:

- Nhà sách Đức Bà Hoà Bình (Sơ Nhung Osp)

- Nhà Sách Khai Tâm

Xin cám ơn mọi người quan tâm và xin Chúa chúc lành.