Thần khúc của Dante Alighieri-bản dịch của Đình Chẩn - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary
Thần Khúc (Divina Commedia) của đại thi hào người Ý- Dante Alighieri (1265-1321) được coi là một trong những kiệt tác thi ca của mọi thời đại. Tác phẩm được sáng tác khoảng năm 1307 đến 1321 trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Phirenxê. Thần khúc gồm 100 ca khúc với 14.233 câu thơ chia làm ba phần: Dante kể chuyện mình được Virgilio dẫn xuống Hoả Ngục (Inferno), qua Luyện ngục (Purgatorio) và lên Thiên đàng (Paradiso). Mỗi phần gồm 33 khúc ca (Canto). Thơ được viết thành từng khổ nhỏ, mỗi khổ ba câu (tercet) gieo vần aba, bcb, cdc, ded,... NGUỒN:

Thần Khúc (Divina Commedia) của đại thi hào người Ý- Dante Alighieri (1265-1321) được coi là một trong những kiệt tác thi ca của mọi thời đại. Tác phẩm được sáng tác khoảng năm 1307 đến 1321 trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Phirenxê. Thần khúc gồm 100 ca khúc với 14.233 câu thơ chia làm ba phần: Dante kể chuyện mình được Virgilio dẫn xuống Hoả Ngục (Inferno), qua Luyện ngục (Purgatorio) và lên Thiên đàng (Paradiso). Mỗi phần gồm 33 khúc ca (Canto). Thơ được viết thành từng khổ nhỏ, mỗi khổ ba câu (tercet) gieo vần aba, bcb, cdc, ded,...

Thí dụ: Hai khổ đầu (bản tiếng Ý) mỗi khổ 3 câu, gieo vần aba:

Nel mezzo del cammin di nostra vita
mi ritrovai per una selva oscura,
ché la diritta via era smarrita.


Ahi quanto a dir qual era è cosa dura
esta selva selvaggia e aspra e forte
che nel pensier rinova la paura!

(https://www.thoughtco.com/inferno-canto-i-4092995)

Bản dịch tiếng Anh (cũng giữ mỗi khổ 3 câu):

Midway upon the journey of our life
I found myself within a forest dark,
For the straightforward pathway had been lost.

Ah me! how hard a thing it is to say
What was this forest savage, rough, and stern,
Which in the very thought renews the fear.

(Henry Wadsworth Longfellow- Josef Nygrin, in Jan & Feb 2008.)

Tác phẩm là một hệ thống ẩn dụ thể hiện tư tưởng thần học và đạo đức Kitô giáo, đồng thời là tiếng nói phê phán xã hội và Giáo hội đương thời. Chủ đề chính của Thần khúc là hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa [Wiki].

Có thể tóm lược nội dung Thần khúc như sau [1]: (dành cho độc giả mới tiếp cận Thần khúc, xem thêm các bảng cấu trúc phần giới thiệu)

Phần I: Hoả Ngục

Lạc trong rừng hoang (Ca khúc I), Dante tìm lối thoát, nhưng bị ba thú dữ (báo, sư tử, và sói biểu tượng cho tham sân si) chặn đường. Bất chợt, thi hào cổ đại Vinh Dự Lưu (Virgilio) xuất hiện và cho Dante biết nàng Thiện Bích (Beatrice, người yêu của Dante) đã sai ông đến cứu chàng (Ca khúc II). Dante nhận Vinh Dự Lưu là thầy hướng đạo, giúp vượt qua Hoả Ngục để trở về cõi phúc thật.

Dante đi qua chín tầng Hoả Ngục, gặp gỡ nhiều người: Bọn bạc nhược ở cửa Hoả Ngục; tầng I, các vĩ nhân chưa qua phép rửa tội như thi hào Homer; Tầng II, những kẻ dâm đãng; quái vật Phú Tử (Pluto); Tầng III, những kẻ mê ăn tục uống; tầng IV, những kẻ hà tiện và những kẻ hoang phí; tầng V, những những kẻ cuồng nộ; nhờ sự can thiệp của Thiên đình, Virgilio và Dante được vào thành Địch Tể (Dite), tầng VI, những kẻ lạc giáo. Dante gặp kẻ thù chính trị và người bạn cũ là Quý Đô (Guido).

Tầng VII, giam giữ các tội nhân: tội bạo hành và tội gian lận, bọn cho vay nặng lãi. Những người tự sát biến thành cây. Số phận thành Phirenxê. Dante gặp lại thầy Bùi Nét Tưa (Brunetto Latini).

Tầng Hoả Ngục thứ VIII lại được phân chia thành 10 vòng ngục khác nhau. Hố xoắn này giam giữ những kẻ quyến rũ, những tên ma cô, bọn xu nịnh; Đức Giáo hoàng Nicolas III và bọn buôn thần bán thánh, những thầy bói tiên tri. Bọn ăn hối lộ và bọn cố ý làm sai chức trách. Bọn đạo đức giả. Bọn ăn trộm đồ thờ Chúa. Anh hùng Uy Lịch (Ulysse) kể lại chuyến đi biển cuối cùng. Bọn cố vấn gian xảo. Bọn chia rẽ và bọn ly gián tôn giáo. Bọn làm giả kim, bọn dối trá; Luxiphe và ba tên tội đồ đáy ngục: Giuđa, Bù Tô (Bruto), và Cạc Số (Cassio). Hai nhà thơ trở về trần thế.

Phần II: Luyện Ngục

Dante ra khỏi Hoả ngục và bắt đầu vươn lên bảy hang núi Luyện Ngục. Trước khi lên các hang thanh luyện, Dante đi qua phần tiền-Luyện ngục (các hối nhân bị tội nặng nhưng biết sám hối cuối đời). Virgilio trò chuyện với Các Tống (Catone), người gác cửa Luyện ngục. Dante gặp lại bạn cũ là nhạc sĩ Cát Sanh (Casella), gặp một đoàn âm hồn. Trò chuyện với linh hồn vua Mạnh Đà (Manfredi). Lần lượt Dante gặp và trò truyện với nhiều người: Biếng La (Belacqua), Gia Cóp (Iacopo del Cassero)...vv.

Dante ngủ và mơ, được xoá 7 chữ P trên trán. Tỉnh giấc, hai thầy trò bước lên 7 hang núi thanh luyện 7 mối tội đầu; hang núi 01, những hối nhân tội kiêu ngạo đi bộ kéo lê những tảng đá với những gương khiêm nhường; hang núi 02, gặp các hối nhân tội ghen tương đố kỵ với những gương hiền lành; hang núi thứ 03, gặp những hối nhân tội nóng giận với những tấm gương về sự khoan dung; hang núi thứ 04, gặp những hối nhân lười biếng với những mẫu gương sốt sắng; hang núi 05, những kẻ biển lận và những kẻ hoang phí. Dante nói chuyện với Đức Giáo hoàng Adriano V; hang núi 06, những hối nhân tội mê ăn uống, Dante gặp bạn cũ Phó Rệ (Forese); hang núi thứ 07, những hối nhân tội xác thịt băng qua lửa thanh luyện.

Ở ngưỡng cửa Vườn Địa Đàng, Virgilio nói lời từ biệt Dante. Nàng Thiện Bích (Béatrice) xuất hiện, nàng trách Dante. Dante thú tội. Mai Thi (Mantelda) đem nhúng chàng vào dòng suối Lệ Thuỷ (Lété). Những lời báo trước của Beatrice. Mai Thi dẫn Dante đi uống nước suối Thiện Trí (Ennoé). Dante sẵn sàng đi lên các vì sao.

Phần III: Thiên Đàng

Dante được Thiện Bích đưa bay lên Thiên Đàng và đi qua 9 vùng trời. Thiên Đàng là thế giới vô hình với chín phẩm thiên thần. Tuy nhiên, Dante hình tượng hoá thế giới ấy trong chín thiên cầu theo thiên văn học Tolemeo (Ptolemy) cổ đại.

Thiên cầu 01-Mặt Trăng: gặp các linh hồn lỡ lời khấn vì bị ép buộc. Nàng Thiện Bích khẳng định những sai lầm của Platon. Thiên cầu 02-Sao Thủy: các linh hồn khao khát vinh quang. Hoàng đế Constantinô. Thiên cầu 03: Sao Kim: Những linh hồn bác ái. Vệ Nữ, Carlo Martello. Thiên cầu 04-Mặt trời: Các linh hồn khôn ngoan, Thánh Tôma Aquinô, Bonaventura, Salômon. Thiên cầu 05 -Sao Hỏa: Các linh hồn chiến binh: Dante gặp vị thủy tổ ba đời là Cacciaguida. Cụ tiết lộ Dante sẽ bị đày biệt xứ. Thiên cầu 06-Sao Mộc: Các linh hồn công chính. Đại bàng lên tiếng. Thiên cầu 07- Sao Thổ: các linh hồn chiêm niệm. Thánh Biển Đức lên tiếng ngôn sứ. Thiên cầu 08: Thiên vương tinh. Thiện Bích giới thiệu Dante với những người hằng phúc và đề nghị thánh Phêrô kiểm tra Dante về Đức tin; thánh Giacôbê- đức cậy và thánh Gioan về Đức mến. Thánh Phêrô chỉ trích Đức Giáo hoàng Bonifacio VIII. Thiên cầu 09-thiên cầu uyên nguyên: Thiện Bích giải thích 9 phẩm thiên thần xoay quanh một điểm sáng cố định và chói loà (Thiên Chúa). Thiện Bích nói về sự sáng tạo và lịch sử các thiên thần. Có thiên thần phản nghịch và thiên thần trung thành. Sự vĩ đại của Thiên Chúa. Vùng trời thứ 10-Thiên Quốc: Dòng sông ánh sáng, thị kiến các thiên thần và những người hằng phúc. Thánh Bênađô dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ Đồng Trinh cho Dante được thấy nhan Thiên Chúa. Dante được chìm vào thị kiến thần bí chiêm ngắm Bản Thể và trực giác về mầu nhiệm Một Chúa-Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể.

Đọc cốt truyện của Thần khúc như thế, chúng ta đã đánh mất chất thơ của văn bản. Thơ cần phải được đọc và cảm thụ trực tiếp. Mọi bản dịch thơ đều làm hỏng thơ, đó là cái khó thứ nhất. Thần khúc là một tác phẩm khó đọc đối với độc giả Việt còn bởi tầm vóc đồ sộ và cấu trúc phức tạp của tác phẩm. Hơn nữa độc giả Việt thời hiện đại có sự khác biệt lớn với văn hóa phương Tây thời trung cổ, vì thế Thần khúc cần phải được tra cứu, chú giải để giúp người đọc vượt qua yêu cầu thứ nhất của việc đọc hiểu tác phẩm.

Một khó khăn khác là Dante Alighieri nói đến quá nhiều nhân vật: nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, nhân vật tôn giáo, triết gia, nhân vật thi ca, thần thoại... Dante kết hợp tư tưởng Triết học, Thần học Kitô giáo và những vấn đề thời đại của ông, thành ra ý nghĩa và tư tưởng trong tác phẩm chồng chất lên nhau, cần phải có một vốn tri thức văn học phương Tây nhất định người đọc mới lãnh hội được thông điệp của tác phẩm.

Thần Khúc có tổng cộng khoảng 900 tên nhân vật, địa danh khác nhau, trong đó Dante vừa là tác giả vừa là nhân vật chính. Tiếp theo, Vinh Dự Lưu (Virgilio) người hướng đạo của Dante trong Hoả Ngục và Luyện Ngục; nàng Thiện Bích (Beatrice), người yêu và là hướng đạo cho Dante trên hành trình cuối Luyện Ngục và Thiên Đàng; và thánh Bênađô, vị hướng đạo thứ ba trong phần cuối Thiên Đàng. Trong mỗi ca khúc, Dante lại gặp một hoặc vài nhân vật đặc trưng khác nhau. Mỗi nhân vật này lại liên hệ một số nhân vật khác gồm đủ loại khác nhau: thần thoại, Kinh Thánh, lịch sử...vv.

Thí dụ, các nhân vật, các địa danh dưới đây, tôi nghĩ người đọc có trình độ phổ thông chỉ biết được vài người:

Thi hào Homer, anh hùng Ulysse, triết gia Platon; Đức Giáo Hoàng Nicolas III, Đức Giáo hoàng Adriano V, Đức Giáo hoàng Bonifacio VIII; Hoàng Đế Arrigo VII, Hoàng Đế Giustinianô I, Vua Manfredi, Hoàng Hậu Costanza; Thánh Phêrô, Thánh Tôma Aquinô, thánh Phanxicô Assisi, thánh Bônaventura, thánh Đa Minh, thánh Đamianô, thánh Biển Đức, thánh Giacôbê, thánh Gioan...vv.

Tất cả những điều như thế sẽ là những trở ngại rất lớn đối với dịch giả.

Dịch giả Đình Chẩn (Lm Giuse Trần Văn Đỉnh) cho biết:

"Cho đến nay, độc giả Việt Nam có thể tiếp cận Thần Khúc (còn được gọi là: Ca Khúc Tuyệt Đỉnh) của Văn học Công Giáo qua ít là 7 bản dịch Việt ngữ: Đó là các bản dịch của:

1) GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng;
2) GS Nguyễn Văn Hoàn;
3) TS Phạm Trọng Chánh-bút hiệu Nhất Uyên (thơ Lục Bát trọn bộ);
4) Nguyễn Viết Thắng;
5) Phạm Ngọc Liên (Những khúc ca thần diệu);
6) Kim Ngưu, nhóm dịch thuật Lightway;
7) Bản dịch của Đình Chẩn (có lẽ là bản dịch đầu tiên của người Công giáo).


Ở phần giới thiệu và chú thích, dịch giả Đình Chẩn đã có bài nghiên cứu rất công phu và cặn kẽ. Tác giả có ưu thế là một Linh mục Công giáo nên am tường Kinh thánh, am tường văn học phương Tây vì thế những phân tích lý giải, chú thích giúp người đọc tiếp cận tác phẩm sâu sắc.

Trong bài viết này tôi chú ý đến việc dịch thuật (biên dịch-chuyển ngữ) của tác giả.

Dịch tác phẩm văn học đã khó, dịch thơ càng khó hơn. Lý thuyết văn học hiện đại cho rằng không thể dịch một tác phẩm thơ sang một ngôn ngữ khác. Dù vậy, Đoàn Thị Diểm và Phan Huy Ích đã dịch Chinh Phụ ngâm (1741) của Đặng Trần Côn sang tiếng Việt, bản dịch được coi là một áng văn trác tuyệt. Cũng vậy, truyện thơ Nôm Đoạn trường tân thanh là một kiệt tác bất hủ của văn học Việt. Nguyễn Du đã dựa vào tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện (cuối thế kỷ 16) của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, chuyển thể thành truyện thơ Nôm lục bát thuần Việt.

Từ hai trường hợp cụ thể trên, người xưa để lại cho chúng ta kinh nghiệm gì về dịch tác phẩm thơ. Những yếu tố nào giúp cho Chinh Phụ ngâm và Đọan trường tân thanh trở thành những tác phẩm bất hủ của văn học dân tộc?

Đó là việc Việt hóa toàn bộ tác phẩm từ tư tưởng, đến nghệ thuật và ngôn ngữ, diễn đạt, đặc biệt là bản dịch phải phù hợp với văn hóa Việt, minh triết Việt.
Có thể nhận thấy, bản dịch Chinh Phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích bám sát bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, nhưng ngôn ngữ dịch rất tài hoa, phô diễn được cái đẹp của tiếng Việt, tư tưởng, văn hóa Việt.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh


(Chinh phụ ngâm khúc-Bản dịch của Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích)

Nguyễn Du tuy bám sát cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, nhưng ông đã chuyển thể văn xuôi thành truyện thơ Lục bát. Đó đã là một bước Việt hóa quan trọng tác phẩm. Và khi xây dựng tác phẩm, ông loại bỏ những phần miêu tả tự nhiên chủ nghĩa và thêm vào những đoạn tả cảnh, tả tình, khắc họa nhân vật, những đoạn bình ngoại đề bằng cảm quan Việt và bằng ngôn ngữ Việt như gấm như hoa. Nguyễn Du dùng nhiều thành ngữ, tục ngữ, cách nói Việt, tâm thức Việt, đạo lý, minh triết Việt...Đoạn trường tân thanh trở thành tác phẩm thuần Việt, một tập đại thành của tiếng Việt, được người Việt Nam yêu mến.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi


(Kiều ở lầu Ngưng Bích-Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du)

Vâng, sự thành công của một bản dịch là ở việc Việt hóa một cách nghệ thuật mọi yếu tố của tác phẩm. Nghĩa là làm sao người đọc bản dịch như đọc một tác phẩm Việt, không bị cản trở bởi bất cứ sự khác biệt văn hóa nào. Như vậy đỏi hỏi dịch giả một năng lực sáng tạo lại tác phẩm trên nền một "tầm đón đợi"(horizon of expectations) mới.

Tôi tin rằng Dịch giả Đình Chẩn khi biên dịch Thần Khúc sang tiếng Việt kế thừa được kinh nghiệm của cha ông. Đọc bản dịch Thần Khúc của Đình Chẩn, tôi nhận ra tác giả không chỉ giúp người đọc Việt hiểu tác phẩm mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tài hoa của ngôn ngữ. Ngòi bút Đình Chẩn ẩn chứa một nội lực hùng hậu, đó là sự giàu có vốn từ, sự biến hóa trong diễn đạt và tầm tri thức sâu rộng về tác phẩm và văn học phương Tây.

Đình Chẩn có nhiều nỗ lực Việt hóa Thần khúc.

Trước hết là Việt hóa tên nhân vật, địa danh. Dante Alighieri được gọi là Đăng Thế An, Virgilio được gọi là Vinh Dự Lưu; Béatrice là Thiện Bích, Lucano (Lưu Canh), Horace (Hồ Rat), Medusa (Mê Dục), Teseo (Thế Sô), Helen (Hê Liên), Achilles (Anh-Chinh), Tristano (Trịnh Tần), Paris (Pha Lệ)..., Đầm lầy Stige (Xiển Tích). Dòng sông Arli (Ác Lê), dòng Rodano (Rồ Đặng) Dòng sông Pola (Phô La).

Ngày nay, có xu hướng tôn trọng tên riêng theo nguyên gốc, nhất là trong các văn bản hành chính. Tuy nhiên, tiếng Việt vốn là ngôn ngữ đơn âm, trong khi tiếng Ý lại là ngôn ngữ đa âm. Để Việt hoá, nhất là Việt hoá một thi phẩm, nếu giữ nguyên các tên riêng thì thi phẩm sẽ trở nên kỳ cục, mất nhạc tính. Mặt khác, việc đặt tên Việt tuy có giúp Việt hóa nhân vật song cũng gây khó cho người đọc vì dịch giả không thể thống nhất cách đặt tên. Có nhân vật được đặt tên họ: Trịnh Tần, Lưu Canh, Đăng Thế An. Có nhân vật chỉ là phiên âm cách đọc Việt tên nước ngoài như thánh Tôma Aquinô, thánh Bênađô, vốn đã quen viết như thế. Và những tên: Hê Liên (Helen), Anh-Chinh (Achilles), Pha Lệ (Paris), khiến người đọc không nhận ra nhân vật trong sử thi Iliad của Homer.

Bước thứ hai, Đình Chẩn tận dụng khả năng nhiều thể thơ Việt: thơ lục bát, song thất lục bát, Hát nói và thể thơ tự do (trộn lẫn các thể thơ truyền thống), và không nhất thiết chỉ dùng một thể thơ. Điều này giúp cho việc phô diễn ý tưởng trở nên dễ dàng, câu chuyện được kể linh hoạt và tạo ra phẩm chất Việt trong cốt cách của tác phẩm.

Bước thứ ba là dùng từ và diễn đạt. Đình Chẩn vừa sử dụng ngôn ngữ văn chương bác học, vừa phối hợp với khẩu ngữ đương đại tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Có sự tổng hợp ngôn ngữ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên với ca dao, tục ngữ và vốn từ sinh hoạt trong đời sống hôm nay. Những biện pháp này tạo ra bầu khí văn hóa Việt đem người đọc hôm nay thâm nhập tác phẩm.

Đây là vẻ đẹp tài hoa của ngôn ngữ truyện Kiều:

Nói sao hết nghiệp tình trường
trùng trùng trăm mối vấn vương ngàn sầu.
Ra tuồng trên Bộc trong dâu (Kiều)
trầm luân muôn kiếp còn đâu Thiên Đường!
Giá làm bạn của Thiên Vương
sẽ cầu ơn phước rải đường Ngài đi
Tạ lòng trắc ẩn từ bi
thương thân chìm nổi, xót khi khốn cùng

(Hoả Ngục, ca khúc 5, đoạn 7, tr. 90)

Đây là bầu khí Hát nói của những bậc tài hoa Nguyễn Công Trứ (Chí làm trai), Chu Mạnh Trinh (Hương Sơn phong cảnh):

Rừng tứ phương giăng mắc
Mắt mây buông buồn chất ngất ê chề
Nghĩ lại thôi đã thấy khiếp ghê
Muôn cay, nghìn đắng hơn cận kề thần chết!
Hồn rươm rướm tỉ tê quặn thắt
Xác tả tơi nơm nớp lo âu

Bước trần hồng tăm tối biết về đâu
Trời xanh nào nỡ gieo sầu tê tái?
Mà lòng tôi u mê cho quỷ ma đưa lối!
Biết nói sao cho hết nỗi bi ai
Đành lòng kể vắn than dài.

(Hoả Ngục-Ca khúc 1-đoạn 2, tr. 55)

(Xin lưu ý, về bố cục, một bài Hát nói thường có 11 câu, kết bằng câu 6 chữ. Hai câu 5-6 thường là câu thơ chữ Hán (tác giả in nghiêng). Hát nói vừa có vần chân và vần lưng, vừa sử dụng phép đối. Tính nhạc của Hát nói phong phú, được thể hiện trong lối hát ả đào).

Có những câu được dịch tài hoa bất ngờ:

Bản tiếng Anh:

A poet was I, and I sang that just
Son of Anchises, who came forth from Troy,
(Inferno, Canto 1, 25)

Đình Chẩn dịch thoát ý, chú trọng tính văn chương:

Khen miêu duệ Anh Chinh bậc hào hoa công chính
Bước oanh liệt lửa thành Troa bách chiến

(Ghi chú: Anchises đổi tên thành Anh Chinh)

Đây là phép đối của thể văn biền ngẫu (Phú, Văn tế):
Trời ơi! Miệng quỷ quan có gang có thép!
Đất hỡi! Lời âm phủ không tiếc không thương!
Từng hồn khép nép
Vạn kiếp thê lương!

(Hoả Ngục, khúc ca 5, khổ thơ 2. tr. 87)

Kia ả đĩ bỏ chồng Si Keo, để rợn rùng tự sát
Đó đóa hoa rơi bẫy, Hê Liên, rồi tang tóc tiêu điều
Đây chàng Anh-Chinh vì tình yêu bị giết
Đấy bọn Trịnh, Pha, bởi sắc dục toi đời".

Ôi! Bóng hồng rũ liệt
Hỡi đăng chúc chơi vơi!

(Hoả Ngục, khúc ca 5, khổ thơ 5. tr. 88)

Phối hợp những câu thơ Kiều, những thành ngữ, tục ngữ rất tự nhiên:

Nhìn tôi Thầy giảng phân minh:
"Khư khư mình buộc lấy mình vào trong" (Kiều)

(Hoả Ngục, khúc ca 31, khổ thơ 10. tr.272)

Yêu nhau vạn khó không nề
Dù trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng


(Hoả Ngục- Khúc ca 2, đoạn 5 .tr.66)

Đây là đoạn miêu tả sắc nét Quỷ vương. Hắn có ba mặt, ba màu sắc (đen, đỏ, vàng), mỗi cái mõm nhai ngấu nghiến một tên tội đồ: Giuđa, Bù Tô (Bruto) và Cạc Số (Cassio). Nghệ thuật dùng từ láy thuần Việt cùng với phép so sánh dân gian gây được ấn tượng mạnh:

Sáu con mắt chớp lệ sa
Máu hòa rãi rớt nhầy ba mõm cằm
Hợp dòng tuôn chảy đằm đằm
Hợp dòng kinh tởm muôn năm lợm mùi.
Ba mồm quỷ mút chụt chùi
Ba tên tội phạm như gùi mía lau
Ngồm ngoàm ngấu nghiến ngau ngau
Như cô hàng xén nhai trầu nhoét nhoe.
Thằng trong mõm trước nát nhòe
Vết răng tê tái, xước choè chít chi
Vuốt quỷ xé, nanh ma chì
Sườn lưng tróc vảy, mặt bì ám gân
(Ca khúc 34, đoạn 5. tr. 297)

Đây là đoạn tường thuật hai thầy trò Dante (Đăng Thế An) và Virgilio (Vinh Dự Lưu) thoát thân trong một tình huống đầy hiểm nguy nhưng lại được dịch giả ghi lại bằng những chi tiết rất hài hước, kiểu hài dân gian (hài dân gian dùng yếu tố tục- chữ in nghiêng):

Vừa khi đến chỗ này chợt thấy
Quỉ dang đôi cánh xoáy liệng vào
Thầy trò túm lấy, ôi chao!
Cáp treo- lông Quỷ tụt ào xuống luôn.
Lông lá lắt lay luồn lách lách
Xuyên buốt giá, tụt oạch xuống hông.
Vừa khi xuống chỗ ngang mông
Ngã ba khớp giữa đoạn phồng phồng ra

Thầy như đã lo xa mệt lả
Lộn đầu xuống chân gã quỷ Vương
Đôi tay túm chặt lông trường
Như người leo ngược lết đường bò lên.
Tôi theo sau một phen hoảng hốt
Ngỡ Thầy quay lại ngục vừa rồi.
Thầy kêu hổn hển bồi hồi:
"Con bám cho vững...để rồi leo lên
Thang này trở lại cõi trên
Thoát nơi cùng cực ưu phiền con ơi!"


(Hoả Ngục, ca khúc 34, đoạn 7. Tr. 298)

Nhìn chung, ở phần I: Hoả ngục, ngôn ngữ của Đình Chẩn nghiêng về khẩu ngữ dân dã gân guốc. Ở phần II: Luyện ngục, chất văn chương đằm thắm, óng chuốt hơn. Ở phần III: Thiên Đàng, thơ lấp lánh ánh sáng và âm vang lời tụng ca bất tận như ngôn ngữ thơ Hàn Mạc Tử.

Xin đọc Hoả ngục:


Tôi liền lên tiếng:"Bạch Thầy
Làm ơn nán lại chỗ này chút thôi.
Hồn kia sinh chuyện to rồi
Để con thanh toán một hồi cho xong.
Rồi con sẽ dốc tâm lòng
Thực thi ngay việc Thầy mong Thầy chờ".


11
Thầy dừng, tôi quát tỉnh bơ
Với tên lăng nhục quạ mờ riếc tôi:
"Mi là ai, dám lôi thôi hả
Còn già mồm láo toét với bọn ta?"

Hắn văng tục: "Đ...má, tổ cha mày
Ta hỏi trước, hãy trả lời ngay!
Mày là ai? Sao dám xuống ngục sầu ?
Còn đểu cáng vô tình đá mặt ta không biết
Sút ngầu đấy, còn sống được hay sao?!".


12
Tôi đáp: "Ha ha, ta vẫn sống đây
Nếu mong nổi tiếng ở ngay trên đời
Thì ta sẽ nhắc tên ngươi
Thêm vào một nốt nhạc đời ai bi!"

Hắn gào:"Cút mẹ mày đi!
Đừng quấy rầy nữa, câm thì tốt hơn
Đã không biết khéo mị dân
Lại ngu nịnh hót chúng thần vực sâu!"
.

13
Tôi liền túm gáy hỏi câu:
"Tên gì? Không nói, vặt đầu trọc ngay!"
Hắn gào:"Đ... má thằng này
To gan dám vặt thì mày vặt đi
Tao không khai, sợ đéo gì
Dù ngàn lần đập hay di đầu này!".


14
Tôi bèn túm một nắm tay
Giật phăng một phát tóc bay mảng xù

(Hoả Ngục-Ca khúc XXXII: Miệng hố thẳm)


Xin Đọc Luyện ngục

1
Buồm tuệ giác vút lên cao!
cho thuyền hồn lướt rạt rào khoan thai
băng băng thủy mặc ban mai
vượt xa ác bể vọng đài minh châu;

2
Lòng khao khát bấy lâu chưa thỏa
được hát trong Vương Quốc tỏa mát lành
đây dòng thanh tẩy trong xanh
hồn thanh thoát tiến nhanh về Thiên Quốc.

Hỡi các Nàng Thơ luôn mơ ước!
Ôi bao cảm hứng mãi đợi trông!


Lòng tôi xin hiệp dâng tiếng tơ đồng
thơ ngục sầu mong hồi sinh trong trẻo
hỡi Thi Nương mỹ danh Ca Linh Diệu
vút du dương mau hòa điệu rợp trời
như xưa Phỉ Chế thách chơi...

(Luyện ngục-Ca khúc I: Cọng cói trên bờ cát)


Xin đọc Thiên Đàng:

1
Hào quang giãi sóng thiêng chao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.

2
Đây Thiên Cung sáng tuyệt thần diễm lệ
hớp hồn say hào quang mĩ miều bay
lòng chìm lắng, đắm, chìm, say, ngất ngây
chao! Lặng nghe vô ngôn lời khôn tả!
Hồn khát về Cực Thánh thơm vô giá
dạ mong đến Vô Cùng kiếm khôn nguôi

càng mê say càng vươn tới muôn trời
vượt trên hết quan năng ngàn kí ức
Nguồn sáng rợp khắp thiên đường nưng nức
tâm trí say sưa rạo rực nguyên châu
Sông ngân reo khúc nhiệm màu...!

3
Ôi Thái Dương! Thần Thơ! Dạt dào sáng!
Công trình cuối xin rợp ánh phi thường
thổi bình gốm tỏa ngây ngất thần hương
dạt dào bay xứng nguyệt quế yêu dấu.
đỉnh Non Thơ hồn mọn say liếu riễu
từng bước đăng sơn quán chiếu reo ca
sấp mình van lơn hồng ân tuyệt diệu
hồn khát bay lên chót đỉnh thái hòa.

(Thiên Đàng-Ca khúc I-Bay lên tới Thiên Đàng)


Về phương pháp dịch, Đình Chẩn bám sát nội dung cốt truyện của nguyên tác, từ đó viết lại một văn bản khác bằng thơ Việt, không gò bó vào từng khổ 3 câu của nguyên tác. Nhiều khổ thơ 3 câu của nguyên tác được dịch thành những đoạn thơ phóng túng, tài hoa.

Về "giới thiệu và chú thích", như đã nói ở đầu bài viết, Đình Chẩn có bài giới thiệu rất công phu, cẩn trọng và uyên bác cả tác phẩm, từng phần, từng khúc ca (Cantos), từng nhân vật, từng sự kiện, tình huống, kể cả về từ ngữ. Nội dung phần giới thiệu tập trung phân tích nghệ thuật, những tầng ý nghia, chủ đề và tư tưởng. Đặc biệt khai thác ý nghĩa thần học, ý nghĩa tôn giáo. Đây là điểm vượt trội so với bản dịch và dẫn giải của các dịch giả thế tục.

Tuy vậy, một tác phẩm văn chương khi xuất hiện trong cuộc đời, nó hội tụ những vấn đề nhân sinh, nó là diễn ngôn của tác giả trước các vấn đề của hiện thực, không chỉ riêng của tôn giáo. Thần khúc chứa đựng những tư tưởng phê phán hiện thực rất mạnh mẽ thông qua hệ thống hình tượng ẩn dụ. Hoả ngục, Luyện tội hay Thiên đàng, những nơi ấy chứa đựng những con người trần tục. Dante đã đặt tất cả thực tại dưới ánh sáng Đức tin Công giáo và phân định theo tiêu chuẩn Tin Mừng [2] . Họ bị án phạt, bị lưu đày hay được đưa lên cõi vĩnh phúc chưa hẳn là do hành động của họ (nghiệp quả) ở trần gian mà là do thái độ tâm hồn của họ trước giây phút lìa đời (chẳng hạn phần đầu Luyện ngục, một số tội nhân như vua Mạnh Đà (Manfredi), phạm tội còn nặng hơn nhiều tội nhân dưới Hoả Ngục. Tuy nhiên, ông được Ơn Cứu độ vì đã biết khiêm nhường sám hối trước giờ lâm tử, trong khi các tội đồ dưới Hoả Ngục là những kẻ không chịu sám hối). Và Dante phán xét họ về những gì họ đã làm trong cuộc đời, vạch trần bản chất của họ, bất kể họ là ai, ngay cả các vị Giáo hoàng, Hoàng đế đương thời cũng là đối tượng của Dante. Bản dịch chưa phân tích sâu về mặt phê phán hiện thực này.

Trước bản dịch này, Đình Chẩn có một bản dịch thô, bám sát nguyên tác, dịch từng khổ 3 câu, song không ưng ý, Đình Cẩn dịch lại bằng sự phối hợp các thể thơ ở bản dịch này. Xin so sánh:

Bản dịch thô: (mỗi khổ 3 câu và gieo vần aba như nguyên tác)

Vừa qua nửa cuộc hành trình dương thế
Tôi thấy mình giữa rừng lạ âm u
Vì chân lạc xa đường ngay nẻo chính
Ôi! Nói sao cho hết nỗi ê chề
Rừng hoang vu đầy hiểm nguy rình rập
Nghĩ đến thôi hồn ớn lạnh khiếp ghê!

Bản dịch sau:

Thời gian vụt thoáng
nửa đời
Giật mình
tôi thấy mình rơi
hoang rừng
Lạc xa chính đạo hãi hùng
Ôi! Thảm muôn trùng
khôn xiết sầu thương!

2
Rừng tứ phương giăng mắc
Mắt mây buông buồn chất ngất ê chề
Nghĩ lại thôi đã thấy khiếp ghê...

Rõ ràng bả dịch thơ tự do thanh thoát hơn, tài hoa hơn.

Dịch một tác phẩm lớn như Thần Khúc của Dante, quả là một thử thách đối với tri thức, tài năng và nghị lực của một dịch giả... Đình Chẩn có tất cả những phẩm chất ấy.


Đình Chẩn có vốn từ phong phú và tỏ ra rất điêu luyện trong nghệ thuật thơ dân tộc. Ngòi bút sắc xảo trong việc khắc họa phong cảnh, chân dung. Nghệ thuật kể chuyện, dẫn chuyện có nhiều đặc điểm hiện đại và dân tộc (Thấp thoáng cách trần thuật trong Lục Vân Tiên, trong Kiều). Và đặc biệt có một hồn thơ rất nhạy cảm với cái đẹp nghệ thuật của một người làm thơ. Những phẩm chất ấy tạo nên một bản dịch đậm đà chất dân tộc, giàu sức sáng tạo.

Tất nhiên sự sáng tạo là con đường vô tận, khó có thể đạt đến một bản dịch toàn bích như mong muốn. Thế nên, nếu bạn đọc có ngập ngừng ở một câu chữ nào đó chưa thật hay trong bản dịch, thì bạn nên lướt qua nhanh, để theo kịp với mạch truyện, bạn sẽ thấy có điều thú vị.

Điều đáng quý là Đình Chẩn đã góp thêm vào văn học dịch một tác phẩm của văn học thế giới với những giá trị riêng. Và cũng qua bản dịch này, văn học Công giáo có quyền hy vọng về một dịch giả có tài và có tâm sẽ tiếp tục làm giàu kho tàng văn học Công giáo trong tương lai.

Bùi Công Thuấn, Tháng 2/2022

[1]: Ts Phạm Trọng Chánh-Những ca khúc thần diệu của Dante Alighieri (1265-1321)
https://nghiencuulichsu.com/2020/05/06/than-khuc-cua-dante-alighieli-1265-1321

[2]: Tham khảo thêm tự sắc: Ca Khúc Tuyệt Đỉnh của Đức Giáo hoàng Phaolô VI dịp 700 năm sinh nhật Dante. Và Thông điệp Trên Đỉnh Hào Quang của Đức Giáo hoàng Biển Đức XV, dịp 600 năm ngày mất Dante. Bản dịch của Đình Chẩn, in trong bộ sách này, ở phần Phụ Lục.

Đôi lời BBT:

Thần Khúc bộ ba: Hoả Ngục-Luyện Ngục-Thiên Đàng

Khổ 16x24, bìa cứng, đóng hộp, với hơn 1300 trang.

Giá bìa: 699k

Giá đặt trước: giảm tuỳ theo từng nhà sách, với Đình Chẩn, giảm sâu nhiều cấp độ tuỳ theo đối tượng độc giả.

Quí độc giả có thể đăng ký sách tại:

Hà Nội:

- Nhà sách-Nhà Thờ Lớn (zalo 0974322681);

- Nhà sách Dòng MTG Hà Nội (zalo 0384416802);

- Nhà văn Vinh Kiu,

- Cô giáo Hoa Nguyen,

- Bạn Thu Phương Thu Phương

Ninh Bình:

- Nhà sách Trần Lục Phát Diệm (Tel/zalo: 0822.335.992 hoặc 0835.593.561)

- Lan Mary

- Đình Chẩn

Miền Trung:

- Nhà Sách MTG Vinh

Saigon:

- Nhà sách Đức Bà Hoà Bình (Sơ Nhung Osp)

- Nhà Sách Khai Tâm

Xin cám ơn mọi người quan tâm và xin Chúa chúc lành.