Đến hẹn lại về dâng hoa Đức Mẹ - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Từ sau Chúa Nhật Phục Sinh, lịch sinh hoạt phụng vụ hằng năm của nhà đạo mình xem ra có vẻ chùng chậm, lơi nhịp và êm ả hơn. Tuần Bát Nhật, tôi có cảm tưởng, ít nhiều như là những ngày nghỉ ngơi của buổi nông nhàn, sau gặt hái phơi phong để lấy hơi để thêm sức, đặng bước vào mùa Thường niên miệt mài, kéo dài mãi tới cuối năm là mùa Vọng, Giáng Sinh. Tuy nhiên, trên suốt hành trình ấy, vẫn đan xen một số trạm dừng mang ý nghĩa chuyển tiếp – giao mùa. Chẳng hạn, tháng 5 Dâng hoa và tháng 10 Mân côi. NGUỒN:

Một năm, hai tháng Đức Bà
Một là hoa phượng, hai là Mân Côi

1. Từ sau Chúa Nhật Phục Sinh, lịch sinh hoạt phụng vụ hằng năm của nhà đạo mình xem ra có vẻ chùng chậm, lơi nhịp và êm ả hơn. Tuần Bát Nhật, tôi có cảm tưởng, ít nhiều như là những ngày nghỉ ngơi của buổi nông nhàn, sau gặt hái phơi phong để lấy hơi để thêm sức, đặng bước vào mùa Thường niên miệt mài, kéo dài mãi tới cuối năm là mùa Vọng, Giáng Sinh. Tuy nhiên, trên suốt hành trình ấy, vẫn đan xen một số trạm dừng mang ý nghĩa chuyển tiếp – giao mùa. Chẳng hạn, tháng 5 Dâng hoa và tháng 10 Mân côi. Chẳng hạn tháng 6 mừng kính Trái Tim Chúa Giêsu – Thánh hóa – Truyền chức – Tấn phong và tháng 8 Khấn dòng, hành hương Đức Mẹ La-Vang vv... Đấy là chưa kể phiên chầu lượt, tuần đại phúc hoặc lễ bổn mạng của các xứ đạo, đoàn thể, dòng tu. Đã thành cái nếp truyền đời, sức sống đức tin – lòng đạo cứ thế mà vận hành, chuyển động, tiếp biến, thăng hoa rất điều độ, nhịp nhàng.

Riêng tháng 5 Dâng hoa, từ lâu rồi, đã là chuỗi ngày lễ hội xôn xao nơi xứ đạo – làng quê. Có ai về miền đạo ở đồng bằng Bắc bộ mà xem. Đây là dịp "khánh hạ", chuyển đổi thời tiết khí hậu từ Xuân sang Hè, từ phấn chấn, ôn hòa sang oi nồng, khô khát. Bởi thế, bà con ta vẫn có thói quen "cầu mát, cầu mưa" xin trời đất mở huệ từ bi cho mùa màng tốt tươi, cho cuộc sống thong dong, no ấm.

Lạy trời mưa xuống
Ruộng cày, nước uống
Cho đầy nồi cơm
Tôi đơm cho dễ
Tôi lễ ông trời


Lễ hội Dâng hoa, do đó, được tổ chức, cử hành và tham gia rất bài bản, có kinh văn rõ rệt. Nó chuyên chở trọn vẹn tâm tình đạo hạnh thiêng liêng, đồng thời thể hiện được những cung cách phụng thờ qua nhiều nét vẻ nghệ thuật: từ âm nhạc (cung điệu) đến thi ca (vãn); từ sân khấu cung đình (nhà thờ) đến sân khấu dân gian (các dâu hoa, giáp hoa); từ rước sách, kiệu cờ đến phục trang, hóa trang, sắc màu, đàn phách chộn rộn từng xóm từng thôn. Không thể cầm lòng được. Nó cuốn hút người ta vào cuộc.Ngấm từ trong máu ngấm ra. Ở đâu, lúc nào cũng thấy hoa và hoa, đủ sắc màu, đủ hương thơm. Xin trích đoạn từ tác phẩm của một danh sĩ ở cuối thế kỷ 19 [1]

Nhiệm thay, hoa Đỏ hồng hồng
Nhuộm riêng Máu Thánh, thơm chung lòng người
Vì thương Con gánh tội đời
Mẹ như dao sắc thâu nơi lòng mình

Xinh thay, hoa Trắng tốt lành
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà
Nguyên tuyền hơn ngọc, hơn ngà
Sánh trong hơn tuyết,cùng là hơn gương

Quý thay, này sắc hoa Vàng
Sánh nhân đức mến, Bà càng trọng hơn
Một niềm tin kính nhơn nhơn
Vững vàng cậy mến trong cơn vui,sầu

Dịu thay, hoa Tím càng mầu
Ý Trên, Bà những cúi đầu vâng theo
Bằng lòng chịu khó trăm chiều
Khiêm nhường, nhịn nhục,hằng yêu hãm mình

Lạ thay, là sắc hoa Xanh
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao
Dờn dờn sau trước một màu
Quản chi sương nắng giãi dầu ngày đêm
Hoa năm sắc đã giãi niềm
Lại trưng cổ điển, dâng thêm kim đề


2. Ai trong chúng ta đã kinh qua một phần đời mình trong khung cảnh đồng đất thanh bình, trong quan hệ xóm làng chân chất, thân thương và trong tâm tình trẩy hội lên đền, ắt phải ngộ ra thế nào là mang tình nhà ra làm nghĩa đạo, là đem cuộc sống riêng tư hòa quyện vào việc chung. Nói khác đi, dù đến xem – nghe hay hiệp thông cầu nguyện, thì qua lễ hội Dâng hoa, người ta vẫn muốn giãi bày những ước vọng trong sáng nhất, tinh ròng nhất. Đó là được thanh thỏa về tinh thần, được gửi gắm những tân toan đời mình vào cõi thánh thiêng, được hòa nhập việc phần xác vào việc phần hồn của những người con thảo với mẹ hiền.

Chúng con đang chốn phong đào
Mong gieo hạt giống, e vào bụi gai
Cậy trông Đức Mẹ nhân thay
Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa


(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 88-90)

Phải chăng, đây cũng là một trong những cách lý giải vì sao những hội hè lễ lạt về Đức Mẹ, về Phật Bà Quan Âm, về Thiên Lý Thánh Mẫu, về tổ mẫu Âu Cơ, về bà chúa Liễu Hạnh... luôn tỏa ra sức hấp dẫn diệu kỳ. Và phải chăng trong cảm thức tín ngưỡng của dân gian đã sẵn có một thứ linh đạo thánh nữ rồi vậy? Cho nên, xuất phát từ những nhu cầu trên, từ buổi đầu đón nhận Tin Mừng, cha ông ta đã sớm biết vận dụng văn hóa nghệ thuật làm phương tiện "tải đạo", dùng thi ca, âm nhạc, vũ dạo để diễn tả đức tin. Lòng đạo ấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử gần 500 năm (1533-2005), vẫn tồn tại, sinh hoa, kết trái. Không thể bảo là nông cạn, tầm thường được. Kể cả cụm từ "Lòng đạo đức bình dân" mà xưa nay ta quen dùng cũng cần phải được xem xét lại sao cho xứng hợp, công bằng hơn, trân trọng hơn. Chẳng hạn, nên sử dụng cụm từ "Lòng đạo đức dân gian"

Tóm lại, bức tranh lễ hội Dâng hoa sinh động nơi các xứ đạo – nhà thờ vào mỗi tháng 5 này như đã khởi hành từ một chiều sâu đức tin, được diễn tả trong một chiều rộng của lòng đạo, giữa bát ngát thênh thang của mùa màng thời vụ. Lễ hội Dâng hoa tập hợp muôn hình muôn vẻ của nhiều địa phương, của nhiều truyền thống văn hóa tâm linh, của một rừng sắc hương nguyện cầu Mẹ.

3. Vài chục năm gần đây, xứ đạo nhà thờ nào cứ mỗi độ tháng 5 dâng hoa, lại vang lên những lời kinh, điệu nhạc:

Giáo dân bao xiết mừng
Tiếng ca hoà vang lừng
Cùng nhau hái nhiều đóa hoa
Lượm lên, tiến dâng Đức Bà
Hoa muôn sắc,con dâng trước toà
Màu tươi thắm,hương ngát tốt xinh...


Chúng ta vừa cất cao một tiểu đoạn đã thuộc nằm lòng trích từ bài thánh ca Dâng Hoa của nhạc sĩ Hải Linh (1920-1988). Cùng trong chỗ "đồng hương đồng khói" Nam Định - Bùi Chu với nhau, lại cùng "ăn cơm nhà Chúa", phải chăng, Cụ Cử Thiện và nhạc sĩ Hải Linh cũng đã có chung ít nhiều "rung động cảm xúc thánh thiêng" mỗi độ Tháng Hoa Mẹ về? Không lạ gì, đa phần các Tuyển Tập Thánh Ca đầu tay của nhạc đoàn Sao Mai (1945-1947) thường mang chủ đề Ca Vịnh về Đức Mẹ. Thực ra, mảng đề tài về Đức Mẹ ở trong thời điểm lịch sử này đã được đông đảo các nhạc sĩ Công giáo triển khai, hưởng ứng khá phong phú. Đó là trường hợp của những nhạc đoàn ra đời trước hoặc sau đó ít năm, như: Lê Bảo Tịnh (Hà Nội); Ca Thánh (Phát Diệm); Tiếng Chuông Nam (Thanh Hoá); Thiên Cung Hải Phòng); Minh Nhạc (Bắc Ninh); Mẫu Tâm (Thái Bình); Phan Văn Minh (Sài gòn); Vĩnh Long; Huế và Qui Nhơn. Mãi đến giữa thập niên 1960, với ánh sáng của Công Đồng Vaticano II, Thánh Nhạc- Thánh Ca CGVN mới có một "chuyển hướng", khơi nguồn từ Lời Chúa, từ Thánh Kinh: Hoàng Kim, Vinh Hạnh, Kim Long, Viết Chung... [2]

[1]Phê-rô Phạm Trạch Thiện (1818-1903), quê làng Cốc Thành, huyện Nam Trực, Nam Định. Thi Hương khoa Nhâm Tý (Tự Đức năm thứ 5), đỗ Á khoa. Nhưng bị truất tịch (xoá tên), vì theo"Gia Tô tả đạo". Tác giả của mảng Ca Vãn Công giáo vừa có giá trị văn chương nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa thiêng liêng nguyện cầu: Kinh Thiên Chúa Cao Sang (90 câu thơ lục bát, diễn ca Cảm Tạ Niệm Từ,nguyên văn chữ Hán của Thầy giảng Phanchico (? - 1640); Thánh Mẫu Thi Kinh (134 câu thơ lục bát,diễn ca Kinh Cầu Đức Bà); Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi ca (252 câu thơ song thất lục bát và biến thể, diễn ca Phép Lần Hạt Mân Côi Đức Bà)và Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương (112 câu thơ lục bát, Vãn Dâng Hoa Đức Bà).

(Tham khảo nguồn: Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam.Miền Thơ Trong Kinh Nguyện,nxb Tôn Giáo 2009 và Dâng Hoa Toàn Tập của Lê Đình Bảng).

[2]Tham khảo từ: Lê Đình Bảng. Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam. Miền Thơ Trong Thánh Nhạc- Thánh Ca, nxb Phương Đông, 2009 và Thánh Nhạc Thánh Ca Công Giáo Việt Nam - Những Chặng Đường, bản Dự Thảo.