Biển đợi

Quang X Nguyen


Cô muốn trở mình nằm nghiêng nhưng không thể. Toàn thân rã rời, họng khô rát . Mỗi lần cô gắng sức xoay trở là cái chõng tre ọp ẹp kêu lên răn rắc như muốn đổ sập. Cô lơ mơ nhận ra mình đang ở một nơi nào đó hoàn toàn xa lạ. Vậy là mình vẫn chưa chết sao ta, cô tự hỏi rồi đảo mắt nhìn quanh cái mái lá trống hươ, trống hoác. Trên vách đối diện chỗ cô đang nằm có treo cây Thánh giá màu nâu cũ kĩ. Phía dưới là tấm hình Đức Mẹ sờn rách, bạc màu. Lại Chúa với Mẹ, đúng là “chạy trời vẫn không khỏi nắng”. Có lẽ chỗ này nằm sát mé biển, vì nằm ở đây cô vẫn nghe rõ từng nhịp sóng xô bờ, tiếng xào xạc của hàng phi lao trong gió.

Cô yêu biển bằng cả con tim khao khát, yêu như chính máu thịt của mình. Nhưng cũng có lúc cô lại thấy căm thù biển trong tận cùng nỗi đau của cuộc đời. Biển cho cô cơ hội xây nên nhiều ước mơ tựa những lâu đài cát nguy nga, tráng lệ rồi cũng chính biển đập tan tất cả bằng những con sóng vô tình, hờ hững. Cô đã đến đây, một gòn đảo hoang sơ để trở về với biển khi những gánh nặng cuộc đời đang thi nhau chất chồng lên đôi vai bé nhỏ như sắp riệu rã của cô. Về với biển, để cô xóa sạch mọi ưu tư, phiền não tựa nhưng con sóng đã xóa dấu chân cô trên bãi cát dài của miền ký ức.

Cô mong được trút hơi thở sau cùng nơi biển, như một sự trở về từ nơi cô đã được sinh ra. Linh hồn cô sẽ phiêu diêu với sóng, với gió như cánh chim bằng bay khắp đại dương...

Có bóng người bước vô cửa, nhìn cô lom lom rồi lên tiếng:
- Tỉnh rồi sao, nằm yên đó đi để tao vô múc miếng cháo cho mà ăn.

Thì ra đó là một bà lão chắc cũng ngoài 80, có điều dáng đi nhanh nhẹn lắm. Bà quăng đại cái nón lá rách bươm vô góc rồi te te xuống bếp. Chỉ mấy phút sau bà bưng lên cho tô cháo trắng bốc khói thơm lừng cùng cái trứng muối chẻ đôi:
- Chắc đói lắm rồi, ăn nóng đi con cho nó mau khỏe. Nồi cháo này tao bắc hồi sớm lận, để hờ bây tỉnh là có mà ăn liền.

Cô ngồi dậy, miệng lí nhí:
- Con cảm ơn bà nhiều lắm.

Bưng cái tô lên, cô húp lia, húp lịa. Chưa bao giờ cô thấy ngon như vậy, mặc dù trước tới giờ cháo là món cô không ưa. Có lẽ do cái bụng trống rỗng từ mấy ngày nay.

Bà già ngồi bên cạnh xởi lởi:
- Ơn nghĩa cái gì con ơi, ai dân ở đây là vậy, ai đặt chân tới cũng coi như người nhà, như ruột thịt. Huống chi là người hoạn nạn!

Nghe tới đó tự nhiên nhưng giọt nước mắt mặn đắng cứ tuôn rơi thành dòng trên khuôn mặt cô. Dường như nó mặn hơn cả biển nước xanh thẳm, mênh mông ngoài kia. Đắng đót hơn cả cái tuổi thơ bất hạnh, lầm than của cô đã từng nếm trải.

Bà già đến bên cô như an ủi:
- Là người có đạo sao làm chuyện dại dột vậy bây ?

Giật mình khi bà nhắc đến hai chữ “có đạo”, nhưng cô vẫn tỏ ra bướng bỉnh:
- Con không có đạo, có biết Chúa Mẹ gì đâu!
- Biết hay không là tùy mày thôi, con à. Mình bỏ Chúa thôi chứ Chúa chẳng bao giờ bỏ mình đâu. Lúc mê sảng, bây cứ luôn miệng kêu Chúa Mẹ cứu, thì tao cũng hiểu rồi.
Chẳng lẽ thật sự như vậy sao? Lẽ nào bao năm qua cô đã chối bỏ tất cả, nhưng trong sâu thẳm trong tâm hồn cô vẫn cậy trông vào Thiên Chúa. Cô ngồi thẫn thờ một lúc rồi bắt đầu kể:
- Đúng là con có đạo, nhưng cũng bỏ lâu rồi. Quê con là một xứ đạo cũng ở miệt biển như vầy. Hồi đó nhà con cũng đầm ấm hạnh phúc lắm. Tía con theo bạn đi biển, có khi một vài tháng mới về nhà một lần. Con còn nhớ, mỗi lần tàu về là thôn, xóm vui như mở hội. Tôm cá tươi rói chất chồng đầy khoang. Đợt nào tía về cũng đưa tiền kêu má sắm sửa thứ này thứ nọ cho có với người ta. Rồi cơn bão năm đó ập tới bất ngờ không ai trở tay kịp. Tía con cùng những người đàn ông trong xóm đã nằm lại giữa biển khơi và mãi mãi không về. Sau đó mấy năm, má đi thêm bước nữa với một người đàn ông ở trên thị trấn. Ban đầu ổng ra vẻ lo lắng thương yêu con lắm, nên ai thấy cũng mừng vì nghĩ hai má con có phước nên gặp được người cha kế tốt lành. Nhưng rồi từ từ con nhận ra ánh mắt và hành động của ổng có cái gì kỳ cục lắm. Mỗi lúc nhà vắng người là ông kiếm cớ sờ soạt, đụng chạm vô người con. Nhưng khi con kể lại là má đều bênh ổng, chửi con là đồ con nít quỉ, trắt nết, cứ tưởng tượng chuyện bậy bạ. Rồi cuối cùng ổng đã ép con làm chuyện đồi bại khi má vắng nhà bằng cách dụ con đi theo ổng vá lưới ở dưới ghe. Con thấy đau đớn, xấu hổ và nhục nhã lắm. Muốn chết cho xong. Con cứ đinh ninh, khi về nhà má sẽ gào thét, sỉ vả thằng đàn ông khốn nạn kia rồi kêu công an đến trói tay giải đi. Vậy mà điều đó đã không hề xảy ra. Ngược lại, má đã quỳ lạy, van xin con đừng làm lớn chuyện, đừng để các em phải mồ côi cha thêm một lần nữa. Hãy vì má, hãy bỏ qua, hãy tha thứ cho thằng đàn ông khốn khiếp đó.

Con đã ra đi cùng với nỗi uất ức, nhục nhã đó. Càng đau hơn khi chính người rứt ruột sinh ra con lại tiếp tay cho một thằng đàn ông hãm hại đứa con của chính mình. Từ lúc đó con coi như đời con không bao giờ có mẹ. Con chỉ bỏ qua chứ không hề tha thứ cho họ. Và con cũng bỏ đạo, bỏ Chúa luôn. Con chẳng còn tin có Chúa trong cuộc đời này. Chúa đã ở đâu trong những lúc cuộc đời con nguy khốn như vậy? Rồi chính lúc con cố quên tất cả, muốn bắt đầu một cuộc sống mới thì cũng là lúc Chúa lại thử thách con bằng khối u ác tính trong não…

Cô tựa người rồi choàng tay ôm lấy bà tìm chút hơi ấm, tìm sự chở che như con kiến nhỏ đang chơi vơi tìm được chiếc lá khô giữa dòng nước xoáy. Bà lão bắt đầu kể:
- Đời tao cũng có khác gì bây đâu. Lớn lên ở cái thời buổi chiến tranh, loạn lạc. Năm đó giặc tràn về đốt phá xóm làng, cướp bóc mọi thứ. Đàn ông thì bị bắt bớ đi phu, đàn bà con gái thì bị tụi nó cưỡng bức. Mang trong mình giọt máu của kẻ mình không thương thì làm sao sống nổi. Cũng nhiều lần tao cũng muốn chết đi cho rồi nhưng mình đi đạo, tin Chúa thì đâu có quyền dứt bỏ sự sống. Với lại giọt máu đó đâu có tội tình gì, cũng là con mình thôi. Tao lẳng lặng bỏ xứ, trốn biệt cả người mà mình thương yêu để mà đi tới cái nơi hoang sơ này. Vất vả biết bao nhiêu mà kể xiết, nhưng với lòng tin cậy, phó thác vào Chúa thì mình có thể vượt qua hết con à. Rồi tao cũng sanh, nở như người ta. Có điều là một thằng con mắt xanh, mũi lỏ chớ không giống mấy đứa nhỏ quanh đây. Được cái, người xứ này đều tứ cố vô thân nên người ta thông cảm, giúp đỡ nhau hết lòng. Rồi người tao thương cũng lò la tin tức, vượt bao cách trở để tìm đến đây cho bằng được. Cũng thương đứt ruột nhưng nghĩ mình mất hết rồi, đâu có xứng đáng với người ta, nên đâu dám nhận lời. Vậy mà ổng cứ làm lì, ở riết rồi xin đi biển để được ở đây, chờ tao đồng ý. Thấy cảnh đó, bà con chòm xóm ai cũng nói vô, rồi tao thấy cũng đúng, thời buổi loạn lạc sống nay, chết mai thì cớ gì cứ tự làm khổ mình như vậy. Người ta đã lặn lội tới nơi cùng trời cuối đất này tìm mình nghĩa là họ thương yêu mình thật lòng và chấp nhận tất cả. Rồi tao với ổng gá nghĩa vợ chồng, nương tựa nhau mà sống tới giờ.

Bà lấy tay vuốt nhẹ lên mái tóc cô. Mái tóc mới ngày nào vẫn còn suông dài bóng mượt giờ đã vàng rực, xác xơ:

- Dù gì cũng ráng mà sống tốt con à. Con kiến, con trùng, ngọn cây, ngọn cỏ bị người ta chà đạp vậy mà vẫn cố giương lên mà sống. Cái mạng của mày cũng lớn lắm đó. Gió mùa này, bất cứ thứ gì rơi xuống biển cũng đều bị cuốn ra tuốt ngoài khơi. Vậy mà hổng hiểu sao cái thân mày lại được sóng đưa ngược vô bờ. Lúc vớt mày lên, ai cũng tưởng tiêu rồi, ai mà ngờ vẫn còn khỏe re. Chỉ có Chúa mới làm được vậy…

Dù gì cũng ráng mà sống tốt con à. Con kiến, con trùng, ngọn cây, ngọn cỏ bị người ta chà đạp vậy mà vẫn cố giương lên mà sống.

Nhìn những con sóng bạc đầu ngoài xa đang hung tợn cứ ào ạt vỗ vào bờ cô ngẫm nghĩ có lẽ bà nói đúng. Chúa đã chở che và nâng đỡ cô. Chúa đã không để cho cô phải chết từ chuyện rơi mất lọ thuốc ngủ đã chuẩn bị trước lúc đi đến đây và cả cái lúc cô quyết định trầm mình giữa lòng đại dương sâu thẳm. Và cuộc gặp gỡ lúc này, không ngờ câu chuyện của một bà lão ở cái nơi hoang sơ này lại giúp cô tìm ra hướng đi, một cái nhìn tươi mới hơn cho chính mình. Cô ngại ngùng hỏi :
- Nhà thờ gần đây không bà, con muốn xưng tội, cũng lâu rồi con chưa…

Bà già nhìn cô với cái miệng cười móm mém:
- Vậy mới phải chớ. Nhà thờ cách đây mấy chục bước thôi nhưng ông cha ở tuốt trong đất liền phải đi vòng vòng khắp mấy chục cái đảo thành ra lâu lâu mới ghé một lần.

Tới phiên cô ngạc nhiên thắc mắc:
- Chủ nhật cũng không có lễ hả bà?
- Thì vậy chớ sao, nên dân ở đây thèm được đi lễ lắm,.. Tội nghiệp ông cha lắm, ra tới đây là phải mần đủ thứ hết từ lễ lại, tha tội, rửa tội, đám cưới, xức dầu…

Nghe chuyện “thèm” đi lễ của người dân miệt này cô thấy thêm nể phục vì niềm tin của họ. Xa xôi cách trở mọi bề mà họ vững lòng tin, cậy, mến. Còn trong đất liền thánh lễ hằng ngày mà chỉ toàn ông già, bà cả tham dự.

Như chợt nhớ điều gì, bà già ngồi đếm mấy ngón tay rồi nhìn cô bằng đôi mắt sáng rỡ:
- Ủa, ngày mai là tới lượt ông cha ghé đảo mình rồi nè, lo dọn mình để xưng tội, rước lễ nhe con!
*
* *

Về lại khách sạn cô mới hay chỉ hơn một ngày mà điện thoại cô có gần 100 cuộc gọi nhỡ. Trong đó hơn gần 30 cuộc gọi đi từ Trung tâm chẩn đoán y khoa, 40 cuộc từ số máy của anh, còn lại là các cuộc gọi của bạn bè và các đối tác. Nhưng tại sao Trung tâm lại gọi cô nhiều như vậy. Kết quả xét nghiệm cô đã cầm trên tay. Cô đã hiểu cái án tử đang treo lơ lửng trên đầu mình và đó cũng là động cơ thúc đẩy cô đặt chân đến nơi này. Vậy thì còn thông tin gì hệ trọng hơn đến nỗi họ phải truy lùng cô một cách ráo riết? Chần chờ một lát, cô bấm máy gọi. Sau một lúc rào trước đón sau họ mới thành thật xin lỗi cô vì có sự nhầm lẫn trong việc thông báo kết quả xét nghiệm và tóm lại khối u của cô lành tính, có thể điều trị được. Cô dồn hết sức lực hét lớn vào điện thoại:
- Đồ tắc trách, tôi sẽ kiện các người!

Cô thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân, cũng là lúc anh gọi đến. Cô vừa bắt máy đã nghe giọng anh như reo lên:
- Em…em… làm anh lo quá, suốt từ hôm qua anh ko thể gọi em được!
- Em không sao, chỉ muốn nghỉ ngơi vài ngày thôi mà. Em đang ở cái nơi mà tụi mình từng ao ước sẽ đặt chân tới...
- Ngày mai, ngay sáng mai thôi anh sẽ tới, chờ anh nhé!

Cô mỉm cười khi nhận ra vẻ lo lắng, hốt hoảng của anh vì một ngày qua đã không thể liên lạc được với nhau. Càng thấy yêu anh hơn khi nhớ lại câu nói của bà lão ở xóm lưới: “Người ta lặn lội tới nơi cùng trời cuối đất này tìm mình nghĩa là họ thương yêu mình thật lòng và chấp nhận tất cả”.


Từ ban công khách sạn cô đang phóng tầm mắt về phía ngọn hải đăng le lói giữa biển đêm mịt mù. Cô đang mong chuyến tàu duy nhất mỗi ngày từ đất liền ra đảo. Chuyến tàu ấy có vị linh mục cùng ơn hòa giải giúp cô được trở về với Chúa và cũng có anh, tình yêu đích thực của mình. Và cô đang mong ánh bình minh của một cuộc sống mới…