Từ việc hiệu đính lời ca bản Dạ Cổ Hoài Lang: Góp phần "giải ảo" chữ nghĩa và lịch sử miền Nam

Quang X Nguyen

Từ việc hiệu đính lời ca bản DẠ CỔ HOÀI LANG:
GÓP PHẦN "GIẢI ẢO" CHỮ NGHĨA & LỊCH SỬ MIỀN NAM


Té ra việc hiệu đính của nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh (anh hiện định cư tại San Jose, California), giữa nhiều dị bản của "Dạ cổ hoài lang" (20 câu, tác giả Sáu Lầu), làm sáng tỏ một vấn đề hệ trọng: lời ăn tiếng nói của người miền Nam cần được hiểu cho trúng! Qua ngôn ngữ, cách nào đó, bạn sẽ nhìn thấy một phần lịch sử Nam kỳ mến yêu.

Bài này được ghi chú, dẫn lại từ cuốn biên khảo "Bước đường của cải lương" (để hiểu đầy đủ hơn, quí bạn nên tìm đọc cuốn này; có bản in tại San Jose, và có bản in của NXB Tổng hợp TpHCM bày bán tại nhiều nhà sách).



***


* "Báu kiếm sắc phán lên đàng" (câu 2)

- Có người nói phải sửa thành "bảo (bửu) kiếm" mới hợp cách của danh từ Hán-Việt. Họ đâu dè trong tiếng Việt có chữ "báu vật" viết theo cấu trúc như chữ "báu kiếm", đã được dùng rất nhiều rồi. Ngay từ thế kỷ 18, trong tự điển "Dictionarium Anamitico-Latinum" của Taberd (tháng 6 năm 1773), đã có chữ "báu đao", nghĩa tương tợ như "báu kiếm".

- Lại có nơi sửa "sắc phán" thành "sắc phong".
Hai chữ này nghĩa khác nhau, đâu có đồng nhứt mà thay thế? Chữ "sắc phán" 敕 判 có nghĩa là “vua trao tờ chiếu và truyền lệnh”, nghĩa là vua sai bảo làm một việc gì đó. Còn chữ “phong” nằm trong “phong tước, phong lộc, ban ơn cho triều thần”, tức là được ban thưởng hoặc ban cho chức tước.

Trong bản "Dạ cổ hoài lang", người chồng được nhà vua giao việc ("sắc phán") nên mới phải "lên đàng"!

- Tới chữ "đàng" mới thiệt... lạ lùng bởi vì có ý kiến cho rằng "đàng" là tiếng của người miền Trung chớ người miền Nam không xài (?), phải gọi là "đường" ("lên đàng" => "lên đường").

Vậy là quên béng đi đặc điểm của xứ Đàng Trong: suốt 170 năm, lối nói của MIỀN TRUNG theo di dân vô miền Nam đã góp phần vào vốn từ vựng tại Nam kỳ.

... Trong nhiều bài ca tài tử đầu thế kỷ 20 (trước khi ra đời bản "Dạ cổ hoài lang"), tỉ dụ bài Nam Ai "Tô Huệ chức cẩm hồi văn" đều có các chữ "răng", "rứa", "mô", "chừ"! Chữ "đàng" cũng vậy, người miền Nam xài muộn nhứt thì cũng phải từ cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, và hoàn toàn có thể sớm hơn nữa, lâu hơn nữa.

(Xin lưu ý về lịch sử Đàng Trong: nhiều người đọc sử vội vàng hoặc bị "sử da" viết bừa nên tưởng rằng công trạng khẩn hoang lập ấp trong Nam là do các luồng di dân người Việt từ miền Bắc vào (?).
Hãy coi cho kỹ lưỡng: Năm 1600 chúa Nguyễn Hoàng định cõi Đàng Trong, trong đoàn di dân theo chân chúa Nguyễn bấy giờ ngoài dân ở phía bắc miền Trung, ắt hẳn cũng có dân từ miền Bắc (đồng bằng sông Hồng). Năm 1625 xảy ra chiến tranh Đàng Trong / Đàng Ngoài, đắp lũy phân đôi nơi sông Gianh thuộc Quảng Bình (miền Trung), chấm dứt việc di dân từ phía bắc sông Gianh vào Nam.
Chỉ có 25 năm ban đầu, trong dòng thời gian dài 170 năm của lịch sử Đàng Trong (1600-1774), là có mặt di dân từ ngoài Bắc mà thôi. Mà trong 25 năm ban đầu ấy, Đàng Trong chưa hề mở cõi tới miền Nam (Nam kỳ).

Gần một thế kỷ rưỡi ròng rã sau đó, tuyệt đại đa số di dân vào Nam kỳ khẩn hoang là dân MIỀN TRUNG (vùng Ngũ Quảng - bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi), làm gì còn di dân từ miền Bắc mà kể?)

* "Vào ra luống trông tin nhàn" (câu 3):

- Có người nói chữ "vào" là không đúng giọng miền Nam, thành thử "vào ra" là trật chìa (phải gọi "vô ra").
Trong khẩu ngữ, người miền Nam quen nói "vô"; nhưng trong văn viết, vẫn có đôi khi xài cùng lúc "vô", "vào".
Như bài ca tài tử "Thán thê" vào khoảng năm 1905: “Nguôi, khôn nguôi đoạn thảm dày sầu. Xốn xang thơ thẩn ra VÀO / Gió hiu hiu phất phơ bức sáo. Bóng trăng ngoài giọi VÔ”.

Còn "tin nhàn"? Ở đây có lẽ viết trại "nhạn" (chim nhạn) thành "nhàn" để lời ca hợp với chữ đờn chăng? Té ra, hồi xưa, từ thế kỷ 18 người Việt ở miền Nam có xài chữ "nhàn" rồi đa! Trong tự điển tiếng Việt - Latin của Taberd có ghi "nhàn", được giải nghĩa là “avis deferens epistolam” (“một loại chim đưa thư”).

* "Em luống trông tin chàng" (câu 5)

- Nữa, cũng ý kiến đời nay cho rằng thời ông Sáu Lầu sáng tác (1919-1920), vợ chồng không có xưng "em / anh", coi "Tây" lắm, mà xưng "tôi (tui) / mình".

Có dè đâu, từ thế kỷ 18, tuồng hát bội bằng tiếng Nôm "Văn Doan diễn ca", vợ chồng xưng "em / anh" rồi đa! Có dè đâu, người miền Nam trong tập Lục tài tử đầu thế kỷ 20 đã ca: "Em ôi, anh ở đây. Mỗi đêm nằm, anh van vái. Cho tụi mình thương nhau hoài"!

Tức là người miền Nam không hề "Tây" khi xưng em / anh trong tình vợ chồng, mà tại bây giờ không hiểu 'Ta", không hiểu dân mình hồi xưa.

* "Đêm luống trông tin bạn" (câu 9)

- Ồ, trong xã hội VN xưa, vợ dám xem chồng là “bạn” hay sao? Dùng chữ "bạn" ở đây e rằng không hợp, mà vợ phải gọi chồng là "phu quân".

Lập luận trên, té ra, là sai! Bởi không soi xét kỹ lịch sử văn chương VN. Người Việt chúng ta dùng "bạn" thiếu gì, để nói về vợ chồng với nhau, như "kết bạn trăm năm”, “bạn vàng”, “bạn ngọc”, “bạn đời”...

Nói tóm lại, những chữ như "báu kiếm", "sắc phán", "nhàn"... do hiện nay hầu như không còn nghe nói tới, nhưng nhiều người đem cặp mắt nay để nhìn xưa, thành thử dẫn tới ngộ nhận trong ngôn ngữ.

Cách nào đó, cũng ngộ nhận ít nhiều về lịch sử.
-----------------------------------------------------------------------------
* Dưới đây là bản DẠ CỔ HOÀI LANG đã được hiệu đính (chỉnh lại các dị bản)

1. Từ là từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhàn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi gan vàng thêm đau
7. Lòng dầu say ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trông tin bạn
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
17. Là nguyện cho chàng
18. Đặng hai chữ an bình an
19. Mau trở lại gia đàng
20. Cho én nhàn hiệp đôi

Nguồn: fb Nguyễn ChươngMt

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả Dạ Cổ Hoài Lang