Tuần lễ Văn thơ Công giáo: Họp mặt tác giả Công giáo nhiều nơi

Quang X Nguyen

TUẦN LỄ VĂN THƠ CÔNG GIÁO
HỌP MẶT TÁC GIẢ CÔNG GIÁO NHIỀU NƠI

Các tác giả dự lễ Tổng kết Sáng Tác Cho Tuổi Thơ chụp hình lưu niệm trước khi hành hương

Năm 2012, bộ sưu tập thơ Công giáo “Có một vườn thơ đạo” được phát hành để chào mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử, 22-9-1912/22-9-2012. Khoảng bốn mươi tác giả có bài trong bộ sưu tập và hơn hai mươi tác giả khác họp nhau tại Chủng viện Qui Nhơn đã ngỏ ý muốn chọn ngày 22-9 hằng năm làm ngày văn thơ Công giáo. Để hưởng ứng và đẩy mạnh ý tưởng ấy, khi tổ chức Giải truyện ngắn Viết Văn Đường Trường, Ban Tổ chức đã quyết định chọn hai ngày 21 và 22-9-2012 làm ngày họp mặt trao giải. Lễ tổng kết Giải Viết Văn Đường Trường được cử hành trong khuôn khổ cuộc họp mặt hằng năm lần thứ bảy tại Quy Nhơn của giới văn thơ Công giáo, nhằm 21 và 22-9-2018. Năm nay, lần thứ tám, tại Quy Nhơn có lễ trao giải cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ. Thay vì phát hành tập Lưu bút Viết Văn Đường Trường trong dịp ấy, Ban Tổ chức đã gửi quyển sách về các địa phương để mỗi nơi có thể tự tổ chức họp mặt và trao tay nhau tập lưu bút.

Đã có những nơi tổ chức họp mặt rất bài bản. Có những nơi khác cùng nhau ngồi bên tách cà phê. Cũng có những nơi đã chuẩn bị nhưng rồi chưa gặp được: Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế và Đà Nẵng. Nếu ai cũng bận thì ta… gọi điện thăm nhau. Một chút lòng cho Chúa và cho nhau đủ làm nên tất cả.

Từ Hà Nội

Rạng ngày Chúa nhật, 22/9, mới 00:26, Phụng Thiên gửi cho ông Trăng tấm ảnh cuộc họp mặt chiều 21/9 với lời nhắn: “Không khí ngoài Hà Nội cha ơi”. Tiếp đó những dòng tin: Chúng con quây quần bên nhau hưởng ứng lời kêu gọi của cha. Chúng con, những cây bút ở Hà Nội, đã ngồi lại với nhau để bàn một số vấn đề và cố gắng trở thành những cộng tác viên cho những triển vọng của văn học Công giáo. Có 5 thành viên trong Tổng giáo phận Hà Nội đã quy tụ bên nhau.

Dù chúng con viết chưa được nhiều, nhưng sắp tới, sẽ có những cuộc gặp gỡ trao đổi ngắn về văn học. Trước mắt, địa điểm được chọn sẽ là tư gia nhà chị Vân Khanh. Hành trình gian nan và cuộc sống "cơm áo chẳng đùa với khách thơ" sẽ cùng đồng hành với những cuộc trao đổi nhanh và hết sức thân mật như thế.

Chúng con luôn biết ơn và cảm tạ lòng yêu thương và quan tâm sâu sắc của mọi người.


Nguyễn Văn Tuyển, Rita Kiều Minh, Dư Văn Từ, Đặng Thị Vân Khanh và Nguyễn Văn Thiển tại Café Tùng Book, Hà Nội


Từ Xuân Lộc, Đồng Nai

Ngày 21.9, từ 9 giờ sáng, tại quán cafe Cali, dù chỉ có 4 người, nội dung chia sẻ thật sâu sắc. Nhà văn Bùi Công Thuấn, chuyên về lý luận và phê bình, đã chia sẻ và trao đổi với các tác giả về mấy vấn đề cụ thể:

1. Các tác giả Công giáo cần học Thầy Giêsu về nghệ thuật kể chuyện. Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn (đó là những truyện ngắn) đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật.
2. Các tác giả khi đã được khẳng định qua giải VVĐT thì tiếp tục đầu tư dài hơi những tác phẩm lớn. Có thể viết về mọi đề tài, mọi đối tượng, như Đức Giêsu ngày xưa đến với mọi cảnh ngộ, chia sẻ với họ. Tác phẩm lớn là tác phẩm có tư tưởng lớn, đó là tư tưởng nhân văn Công giáo.
3. Ban Văn Hóa Qui Nhơn cần quy tụ các tác giả trong một tổ chức có nội quy sinh hoạt (kiểu như bút nhóm, câu lạc bộ hay diễn đàn) và có đường hướng hoạt động cụ thể, chuyên nghiệp thì mới phát huy được những gì hoạt động phong trào đã làm được.
4. Các tác giả cũng chia sẻ rằng mình viết khởi đi từ cảm hứng, cần được bồi dưỡng chuyên nghiệp...
      Chị Thanh Hương, nhà văn Bùi Công Thuấn, chị Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung, chị Bạch Tuyết


Từ Kontum

Thầy Phạm Thành Lai, anh Lê Minh Sơn, chị Cát Vàng, và cha Gioakim Lương Đông Vỹ trưởng ban Mục vụ Văn Hóa Giáo phận

Sáng 24.9.2019, Kontum nắng ấm. Chị Cát Vàng nhắn tin: Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Kontum, họp mặt bên dòng sông Đăkbla đang chảy ngược trĩu nặng phù sa. Cha Gioakim Lương Đông Vỹ khai triển đề án hoạt động năm tới cho Ban Văn Hóa Giáo Phận Kontum, điều phối công tác:
- Nghiên cứu lịch sử Văn Hóa Công Giáo Tây Nguyên (anh Lê Minh Sơn)
- Hoạt động đào tạo, huấn luyện sáng tác văn thơ Công Giáo (chị Cát Vàng)
- Dự kiến mở rộng sang lĩnh vực hội họa phát huy tài năng thiên phú của các sắc tộc Tây Nguyên
Giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền, nhưng sẽ cố gắng, như dòng sông Đăkbla muôn thuở chảy ngược, chảy ngược để giọt phù sa Văn Học Công Giáo thêm lấp lánh.

Từ Đà Lạt

Tại Đà Lạt, cuộc họp mặt dự kiến ngày 22/9 không thành. Thế nhưng sáng 27-9 nhà báo Lâm Viên Lê Hữu Phước đã tới trụ sở Hội người mù tỉnh Lâm Đồng, thăm một tác giả khiếm thị là Bùi Thị Hải Giang (Dạ Bất Tử), trao tặng quyển lưu bút và tuyển tập Mục Đồng số 11. Cuộc gặp gỡ muộn, chỉ hai người nhưng vẫn trong tuần lễ kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mạc Tự. Hải Giang bị mù năm 19 tuổi nhưng vẫn tiếp tục theo học bậc đại học tại Đại học Khoa học Huế, ngành Văn học và đã lấy bằng tốt nghiệp vào năm 2015. đã đạt giải ba Viết Văn Đường Trường năm 2018 với truyện ngắn "Lối nào cho ta".

Ông Vũ Xuân Trường - Lâm Viên - Hải Giang


Từ Sài Gòn

Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn đã mười năm tuổi, sinh hoạt thường xuyên hàng tháng sự giúp đỡ của Cha Linh Hướng PX. Bảo Lộc. Mấy năm trước đã có những lần họp mặt vào ngày sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử. Năm nay, cuộc họp mặt mang hình thức tọa đàm với chủ đề: “Thi ca trong việc sống các giá trị Tin mừng”, vào sáng Thứ Bảy 21/9/2019 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Sài Gòn. Anh An Thiện Minh, người điều phối, cũng là một giám khảo của Viết Văn Đường Trường, đã kết nối tốt đẹp cuộc gặp gỡ. Có hơn 30 người tham dự, Ngoài các thành viên Câu lạc bộ còn có cha Phêrô Hoàng Đình Thành (TTMV), thầy dạy Thư Pháp Hồ Quang Trung, nữ tu Maria Lê Vân Dòng Vinh Sơn, cùng một số học viên của Học viện Mục vụ và một số thân hữu. Các tác giả VVĐT hiện diện gồm có: Chị Anna Hoàng Thị Huyền, ban Mục vụ Giới trẻ Sài Gòn, nữ tu Anna Nguyễn Bích Hạt Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức và Thầy Phaolô Trần Trung Hậu, dòng Đa Minh.
Mở đầu, Thầy Anthony Nguyễn Hữu Tài (nhà thơ Tri Ân) đã chia sẻ với chủ đề: “Sống giá trị Tin mừng bằng nhịp rung thi ca của lời tạ ơn”. Nhà thơ nữ Maria Xuyến chia sẻ về: “Tiếng reo trong lời tình yêu và ánh sáng”. Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Hải nói về: “Dệt thơ trong việc sống giá trị Tin mừng qua tinh thần nghèo khó”.
Cuộc họp mặt kết thúc với bữa cơm thân mật, tại căn-tin Trung tâm Mục vụ thật vui và hẹn cùng nhau họp mặt thường kỳ của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn vào ngày 05/10/2019 để mừng lễ bổn mạng Thánh Têrêsa và hội thảo chuyên đề lần 4, với chủ đề: “Thi ca trong niềm vui ân sủng”.

Họp mặt truyền thống 21/9/2019 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn với các tác giả Đồng Xanh Thơ và Viết Văn Đường Trường


Từ Miền Tây


Miền Tây có hai người Chị Tiểu Hổ Trần Thị Sứ ở Cần Thơ và bạn Lê Hữu Quí ở Long Xuyên, chưa từng gặp nhau. Tới ngày Hàn Mạc Tử, chị Sứ hẹn gặp Quí thì Quí đã lên Sài Gòn kiếm việc làm. Ước vọng họp mặt không thành đã là cảm hứng cho chị Sứ viết nên một bài thơ xuôi… 



Sài Gòn, Lê Hữu Quí Long Xuyên ngóng Chị


Cần Thơ Suan Trần Tiểu Hổ mong em

Và Qui Nhơn

Ngày 21/9, đầu giờ chiều, những vị ghi danh đã đến khá đông đủ. Chương trình bắt đầu lúc 14g00, Pgs. Ts. Nguyễn Hữu Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học chia sẻ chuyên đề “Thi sĩ Hàn Mạc Tử - Tác gia, Tác phẩm và Tiếp nhận”, đặc biệt là việc phát hiện những thơ văn của Hàn Mạc Tử bị bỏ quên trên báo Công Luận, trong đó có ba bài thơ làm tại Chùa Ông Núi, địa điểm tham quan chính trong cuộc dã ngoại năm nay. Đến 15g15 Ts. Lê Nhật Ký, giảng viên Đại học Quy Nhơn trình bày về “Sáng Tác Cho Lứa Tuổi Nhỏ”

Đến 19g20, như truyền thống những năm qua, mọi người tập trung ở Hội trường xem video “Dấu Chân Hàn Mạc Tử”. Tiếp đó là một lễ trao giải thật trang trọng, gây nhiều cảm xúc cho người tham dự. Có 29/58 tác giả đạt giải và 13/28 giám khảo hiện diện trong đêm trao giải, đến từ nhiều vùng miền đất nước, từ Lào Cai, Sơn La, cho đến Bà Rịa Vũng Tàu, Tp. HCM và Long An. 

Sáng Chúa nhật, thánh lễ lúc 5g15 do Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn chủ lễ. 7g30 lên đường hành hương, viếng mộ những tín hữu bị sát hại thời Văn Thân năm 1885 ở Xóm Chuối (thuộc giáo xứ Hội Lộc) và vãn cảnh chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, Phù Cát). 12g00 dùng bữa trưa tại thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định. 13g00 sinh hoạt chung trên bờ biển Vũng Tô. 14g00 rời Vũng Tô đi viếng mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử trong ngày kỷ niệm lần thứ 107 ngày sinh nhật của anh. Cuối cùng, thăm trung tâm Thánh Thể Thánh Mẫu, đối diện đường lên mộ Hàn Mạc Tử, và cùng hát bài cảm tạ Thiên Chúa kết thúc cuộc họp mặt. 

Cuộc họp mặt nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả đạt giải gặp gỡ nhau, đổi trao và chia sẻ tình thân ái để trở thành một nhóm bạn cùng bận tâm lo cho giáo dục tuổi thơ, tiến tới thực hiện những tuyển tập giáo dục cho tuổi thơ, đặc biệt là tuyển tập Bông Hồng Nhỏ với nhiều hình ảnh minh họa và truyện tranh cho các em học sinh cấp I. 


Họp mặt chia sẻ chiều 21/9 tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn


Sau lễ trao giải


Mộ tập thể các chứng nhân thời Văn Thân 1885 tại Xóm Chuối

Câu chuyện bên bờ biển

Bên mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử

MỘT TUẦN QUANH MỘT NGÀY và MỘT NGÀY TRONG TUẦN ẤY

Thế là đã đủ khởi đầu cho một tiền lệ để hằng năm vào chính ngày kỷ niệm sinh nhật của Hàn Mạc Tử, 22/9, hoặc một sáng hay một chiều nào đó trong tuần lễ có ngày ấy, những anh chị em Công giáo làm thơ, viết văn, viết báo tại từng địa phương sẽ gặp nhau. 

Tôi đã dự tính chờ tới cuối ngày 29/9 để ghép thêm bản tin từ Nha Trang, thế nhưng chiều hôm qua, anh Lê Hồng Bảo tin cho biết đến phút chót cuộc họp mặt lại bị đẩy lùi thêm một tuần… Không sao, cả sự cố này cũng có cái hay, để kinh nghiệm lần này mang đủ những sắc màu cần có. 

Trường hợp Nha Trang sẽ là khởi đầu cho một bản tin bổ sung, bản tin về chuyện chuẩn bị cho họp mặt truyền thống năm sau. Mong rằng buổi gặp gỡ của các bạn thuộc Giáo phận Nha Trang sẽ gợi hứng để những nơi chưa gặp nhau được vào 21-22/9 vừa qua, sớm tích cực nghĩ tới ngày truyền thống năm sau bằng một cuộc gặp gỡ trù bị từ đây tới 11/11/2019, kỷ niệm lần thứ 79 ngày qua đời của Hàn tiên sinh. Những bạn nào xem bản tin này mà thấy tiếc, lẽ ra tại giáo xứ mình, thành phố mình cũng đã nên rủ nhau họp mặt cho bằng được cho dịp hẹn vừa qua, xin hãy làm như Nha Trang vào một ngày nào đó trong tháng 10 và xin nhớ gửi tin và hình cho ông Trăng thực hiện bản tin tổng hợp. 

Bây giờ, xin cùng đọc lại những tin nhắn vừa qua để tạ ơn Chúa về một kinh nghiệm đủ màu, đủ vẻ.
Kontum định gặp nhau ngày 23/9 nhưng bị trở ngại thì ta làm ngay ngày kế tiếp, 24/9. Nếu trở ngại, có thể linh động hẹn gặp nhau một ngày thuận lợi hơn trong tuần. Một ngày trong một tuần, một tuần quanh một ngày. Tuần lễ có ngày sinh của nhà thơ họ Hàn sẽ là tuần lễ của văn thơ Công giáo.

Tại Lâm Đồng, Phước chưa một lần dính líu với Viết Văn Đường Trường nhưng thấy ý tưởng về ngày văn thơ Công giáo là một ý tưởng hay. Thế cho nên, chẳng có ai thu xếp về được thì Phước sẽ một mình xách xe đi thăm một ai đó trong dịp này. 

Tại Sài Gòn, các tác giả Viết Văn Đường Trường không có điều kiện tổ chức nhưng đã có ba người hưởng ứng cuộc họp mặt do Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn khởi xướng để cùng nhau cùng suy tư về sứ mạng. Sự tham gia của các anh chị em này là một minh họa tiêu biểu cho tinh thần mà chúng ta cần có. Chúng ta theo đuổi mục tiêu chung là thăng tiến văn hóa đọc và văn hóa viết của Dân Chúa, cách riêng là giới trẻ. Ước gì các tác giả Viết Văn Đường Trường tích cực hợp tác để làm dậy men mục vụ văn hóa tại nơi mình ở, cụ thể như các giải thưởng Văn hóa Đất Mới tại Xuân Lộc, Hương sắc Ban Mê tại Ban Mê Thuột, Đức Mẹ Tà Pao tại Phan Thiết, hay Hoa Núi rừng tại Kontum…

Anh chị em tại Xuân Lộc có gợi ý tới việc quy tụ các tác giả trong một tổ chức có nội quy sinh hoạt (kiểu như bút nhóm, câu lạc bộ hay diễn đàn) và có đường hướng hoạt động cụ thể, chuyên nghiệp thì mới phát huy được những gì hoạt động phong trào đã làm được. Đây là điều chúng ta đã đặt ra trong cuộc họp mặt tại Quy Nhơn năm ngoái. Nó có đạt được hay không là tùy ở sự chủ động của Ban mục vụ Văn hóa tại mỗi Giáo phận và sự tích cực hưởng ứng của anh chị em tại địa phương. Năm nay, tại Vinh và Huế, các cha Trưởng ban mục vụ Văn hóa đã nhận lời đứng ra quy tụ nhưng chưa được hưởng ứng. Tại Kontum, cuộc họp mặt thật ra chỉ gồm các thành viên của Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận, một sự bắt đầu từ chính những người khởi xướng…

Những bài chia sẻ của tác giả phê bình và lý luận Bùi Công Thuấn tại Long Khánh, của PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn và của TS. lê Nhật Ký tại Quy Nhơn cho thấy ngày truyền thống hằng năm cũng có thể là ngày để ôn tập, bồi dưỡng, học hỏi, nguyện cầu. Nhiều hay ít, vì nhau và với nhau, ta vẫn có thể trao đổi, suy tư, thảo luận. Ta cũng có thể chia nhau những bài mới viết, những tác phẩm mới in.

Mấy anh chị em gặp nhau tại Hà Nội sau đó đã trao đổi qua điện thoại với ông Trăng, đặc biệt ưu tư cho Tuyển tập Mục Đồng, mong tìm cách giúp Mục Đồng ngày một thêm hay thêm đẹp. Họ bảo nhau phải tích cực viết cho Mục Đồng và đề nghị giảm bớt số trang. Đây cũng là dịp tốt để ông Trăng giãi bày với các bạn cái uẩn khúc khó nói: Mục Đồng được đề ra hai năm trước khi Giải Viết Văn Đường Trường kết thúc, nhằm cho các tác giả từng tham gia cuộc thi có chỗ luyện nội công. Ngoài vòng Viết Văn Đường Trường, Mục Đồng cũng còn hướng tới chân trời các ơn gọi trẻ đang rất cần có điều kiện trau dồi tiếng Việt. Theo hướng ấy, Mục Đồng đã xin một ân nhân giúp 68 triệu để tặng hơn 700 bản mỗi kỳ suốt cả bốn kỳ của năm 2019 (tập 9-12) đến các chủng viện và dòng tu. Điều đáng mừng là số chủng sinh, ứng sinh các dòng và tu sĩ trẻ gửi bài tham gia ngày càng đông. Mục Đồng hiện nay vừa có nhu cầu giữ đủ số trang làm không gian văn chương cho các tác giả mới - một điều rất cần cho tương lai của Giáo hội - vừa có nhu cầu phải có nhiều nhiều bài hay để khỏi phụ lòng độc giả. Chắc hẳn bài của những tác giả mới chưa thể bì kịp những anh chị đã đạt giải Viết Văn Đường Trường. Như thế bài toán khó này, chỉ có các tác giả kỳ cựu mới giúp Mục Đồng giải được! Ước gì các bạn đã từng đạt giải cao của Viết Văn Đường Trường ở các nơi khác cũng sẽ tích cực như các anh chị em từ Hà Nội, thường xuyên nhắc nhau góp bài để mỗi tập Mục Đồng đều có nhiều bài hay bù cho một số bài chưa hay. Cả tờ Bông Hồng Nhỏ, dành cho học sinh cấp 1, cũng cần luôn có bài hay. Rất mong các bạn cùng nhiệt tình tham gia viết.

Trở lại thăm Nha Trang, chuyện lỡ tàu vừa qua cho thấy khi đã mua vé rồi, đến giờ tàu chạy, ta cần hối nhau lên cho kịp, không nên chần chừ để khỏi bị lỡ tàu cả đám. Có những thời khắc cần bắt kịp. Ngày sinh của “sao”, của kẻ “giữa sao sương tôi nằm chết như trăng”, sẽ là ngày mừng sinh nhật toàn “fan”. 

Kinh nghiệm miền Tây thật xúc động. Giữa kinh rạch trùng trùng, nhớ thương vời vợi, của Nam kỳ Lục tỉnh, trong danh sách Viết Văn Đường Trường chỉ có hai tác giả chưa quen biết nhau: “Hãy gửi cho chị tấm ảnh em đang ngồi ngóng, để chị viết cho mọi người biết chị cũng đang chờ!” .. “cả Miền Tây này chỉ có em và tôi còn cặm cụi ngồi ghép 29 chữ cái, giữ lại cái hồn sống từ những câu chữ mộc mạc” (Xin xem bài chia sẻ đính kèm).

Ở trang cuối tập Lưu bút, có ai đó đã viết rằng: “Mà nếu hôm ấy chẳng thấy ai bên cạnh thì đừng quên vẫn có Chúa đang ở với ta. Hãy cứ mở videoclip Dấu Chân Hàn Mạc Tử, xem và nghe một mình, rồi sống với Chúa một giờ để cầu nguyện cho nhau và cho đại cuộc Tin mừng. Chính Chúa Cứu Thế sẽ đồng hành với ta trên mọi nẻo đường Emmau của cuộc sống (x. Lc 24,13-35)”.

Để kết thúc, xin gửi đến mọi người bài ca “Con khát khao” của nhạc sĩ Ánh Đăng, ca từ gói ghém ý kinh dâng mình của vị thánh nhà thơ trẻ miền Lisieux nước Pháp, rất yêu mến Việt Nam, chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, với tâm nguyện: “Con khát khao được yêu mến Người và làm cho Người được yêu mến”.

Ông Trăng



Xin hiến dâng Cha đời con