Thơ Mic. Cao Danh Viện- Đọc tiếng lòng từ Lời Chúa-Bùi Công Thuấn

admin
THƠ MIC. CAO DANH VIỆN

Đọc Tiếng lòng từ Lời Chúa-Thơ Cao Danh Viện


***

Bùi Công Thuấn

Tác giả Cao Danh Viện nhận giải thơ VHNT Đất Mới 2016

Tôi được đọc thơ Cao Danh Viện từ khi ông tham gia giải VHNT Đất Mới của Giáo phận Xuân Lộc. Cao Danh Viện đoạt giải I thơ 2015 với 3 tác phẩm: Trường ca họ từ những đau khổ lớn lao mà đến, Mùa hoa Mân Côi và Đường Thánh giá với tâm tình Ma-đơ-len. Năm 2016, Cao Danh Viện lại đoạt giải I thơ Đất Mới với 2 tác phẩm: Kinh Ngợi Khen và Suy niệm Kinh Thánh. Và hôm nay tôi được đọc tập thơ Tiếng lòng từ Lời Chúa ba năm ABC (245 bài thơ) của ông. Một vài dòng giới thiệu như thế chưa đủ, song những gì ông đã viết và được khẳng định đủ để người đọc tin vào một tài năng thơ, một cốt cách thơ Công giáo đương đại.

MỘT HỒN THƠ REO VUI HÂN HOAN

“Trí tôi choáng ngợp thơ hoa”


(Tôi đã thấy và tôi đã tin. tr. 136)

“Tôn thờ Thiên Chúa là Cha

Hồn tôi hoan hỉ ngợi ca tình Ngài”

(Ngày của hoan lạc. tr. 186)

“Thong dong đưa bước xa khơi

Vai mang bác ái tay mời yêu thương

Miệng ca câu hát khiêm nhường

Reo vui chân sáo trên đường quang minh”

(Con đường Giê su. tr. 141)

Hồn thơ Cao Danh Viện reo vui suốt tập thơ, tạo nên phẩm chất thơ Cao Danh Viện.

Cội nguồn của hồn thơ reo vui là cảm nhận sâu sắc Lời Chúa, không chỉ bằng trí hiểu mà bằng sự mạc khải trong tim, lan tỏa thành thơ. Thơ Cao Danh Viện lấp lánh Lời Chúa trong từng câu chữ, từ ý tứ, từng cảm xúc, nghĩ suy; cả những cảm nghiệm đau khổ và hạnh phúc cũng lấp lánh niềm vui, và càng tỏa sáng hơn nơi những gì ông chia sẻ với tha nhân.

Không phải vô tình ông đặt tên cho tập thơ là “Tiếng lòng từ Lời Chúa”. “Tiếng lòng” là tiếng nói tình cảm, là tâm hồn. “Tiếng lòng” là đặc trưng của thơ trữ tình. Đặc điểm này chi phối thi pháp cả tập thơ. Thơ Cao Danh Viện là tiếng nói trữ tình của nhân vật Tôi (tác giả), một người đã “giác ngộ” Lời Chúa trong chính cuộc đời trần gian của mình. Sự chân thành của “tiếng lòng” có sức thuyết phục sâu xa cả những điều tưởng như chỉ có trong trí hiểu của Đức tin.

Về trong sa mạc nội tâm

Tôi ơi còn mãi lỗi lầm mà chi

Đứng lên đi! Trở về đi!

Vọng hồng mang lượng tư bi hải hà.

(Vọng hồng. tr.17)

Ông hát ca ơn gọi cuộc đời:

Mênh mông biển cả trần gian

Xuôi dòng con sóng ầm vang nhịp đều

Lặng nghe tiếng gọi tình yêu



Ngược dòng khua bát tay chèo tín trung

(Ơn gọi cuộc đời. tr. 174)

“Hãy sống vui cho thỏa lòng khao khát

Hò reo lên cho bùng vỡ niềm yêu”

(Niềm hoan lạc Phục Sinh. tr 407)

Và ông lý giải:

“Nếu không có Chúa ở cùng

Đời tôi rỗng tuếch như thùng kêu to

Nếu không Lời Chúa dặn dò

Đời tôi tăm tối mày mò đêm sâu”

(Xin cho con biết Chúa. Tr.327)

Và ông dấn thân

“Từ khi con được tái sinh

Làm con cái Chúa, quang minh làm người

Xuôi dòng con giữa trùng khơi

Con là hạt muối mặn môi cho đời”

(Muối và ánh sáng)

Cần phải hiểu chữ “tái sinh” trong hoàn cảnh sống của ông mới cảm nhận được hết niềm hân hoan xác tín vào tình Chúa quan phòng. Mic Cao Danh Viện sinh ngày 20-8-1959.Học Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn từ 15-8-1971 đến 22-4-1975. Sau đó làm nông, buôn bán nhỏ và … hưu non.

Như vậy Ông đã trải qua những tháng ngày chiến tranh, bom đạn và cái chết rình rập, khi đất nước bị chia cắt; rồi lại sống lầm than những ngày cả nước phải ăn độn bắp, độn bobo. Khó khăn cả vật chất và tinh thần. Từ một trí thức trở về làm nông dân và vượt qua được thân phận mình, đó chính là “cuộc tái sinh”, một “cuộc tái sinh” không ít đau đớn nếu không có sự tín thác vào tình yêu vô bờ của Chúa. Nhưng hơn thế “cuộc tái sinh” trong Thánh Thần cho ông sức mạnh để bước vào đời bể dâu.

“Một đời người hay một vòng lẩn quẩn

Khi con tim bằng thịt mãi quặn đau

Khi cuộc trần là mãi cuộc bể dâu

Vì con chưa nhận ra đường Thập Giá

Đường Thập giá có hoa thơm cỏ lạ

Khi con bằng lòng từ bỏ mình đi

Sống cho tha nhân, sống với-sống vì

Là chấp nhận để đời mình hy hiến


Cúi lạy Chúa! Dẫu đời con tủi nhục

Nhưng có Ngài! Xin giúp sức cho con…

(Thập tự đời con. tr 224)

Ông thổ lộ:

“Có một giai đoạn tôi buồn và thơ tôi rất bi lụy oán than! Nhưng thời gian và hồng ân Chúa dần làm tôi cảm nghiệm được hạnh phúc mà mình đang sở hữu. Tôi cảm ơn Chúa luôn yêu tôi, theo sát từng bước chân tôi, chăm chút cho tôi trong từng nỗi đau của nghịch cảnh cuộc đời…Trong thơ, tôi cảm thấy được gặp Chúa, được đụng chạm vào tình yêu của Ngài và nơi thơ, tôi có những rung cảm sâu sắc của tình thâm Phụ tử.” (Có một vườn thơ đạo tập 4, tr.86)

Ở mảng thơ trữ tình, Cao Danh Viện có nhiều bài thơ thật thấm thía. Xin đọc: Viên ngọc nước trời (tr.55), Đường thập giá (tr.66), Bài ca hạt giống (tr.188), Lời thầm bên thánh thể (tr.251), Bỗng dưng muốn khóc (tr.325), Ẩn mình cơn cám dỗ (tr.385), Vườn Ô-liu (tr.398)…

MỘT GIỌNG THƠ CÓ CỘI NGUỒN TỪ TRUYỀN THỐNG



Thơ “truyền thống” Công giáo có các thể loại Diễn ca, Huấn ca, Thi ca cầu nguyện, kinh, vãn, ca vè làm theo thể Lục bát. Thí dụ: Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan (1670), Cảm tạ niệm từ-Diễn ca (Kinh Cao sang-Phạm Trạch Thiện 1818-1903), Huấn ca của Cụ Sáu Trần Lục (1825-1899): Hiếu tự ca, Nữ tắc thường lễ, Nịch ái vong ân…Những bài huấn ca của Xuân Ly Băng (1926-2017): Bổn phận cha mẹ, Bài học truyền giáo, Sao em không lần chuỗi, Chuỗi Môi Côi, Xâu chuỗi Mân Côi, Sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Những danh hiệu của Chúa Giêsu, Năm Linh Mục, Linh mục, ngài là ai? Trái Thánh kinh, Đoản khúc Tin Mừng, Lâu đài đêm)…


Ở cương vị Mục tử chăn dắt đoàn chiên, Huấn ca của Trần Lục hay Xuân Ly Băng trực tiếp dạy bảo đức tin, dạy phẩm hạnh cho con chiên (không khác gì Gia huấn ca của Nguyễn Trãi).

“Mấy lời hiếu tự nói qua

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn

Làm người sống ở thế gian

Ai không đội đức cao sang nặng dày…”

(Trần Lục-Hiếu tự ca)

Sinh con thì cẩn thận
Có chừng mực điều hòa
Có trách nhiệm sâu xa
Vì gia đình hạnh phúc
Để giống nòi hạnh phúc

(Xuân Ly Băng-Bổn phận cha mẹ)

Trái lại, huấn ca, diễn ca của Cao Danh Viện hướng vào lòng mình mà tự huấn, rồi từ những cảm nghiệm sâu xa đức tin, Cao Danh Viện chia sẻ niềm tín thác và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người.

Đây là một đóng góp làm mới thơ truyền thống Công giáo. Cao Danh Viện thuật lại một đoạn Kinh Thánh (thuật lại theo sự sáng tạo của riêng mình), từ đó rút ra bài học suy niệm hay trao gửi với mọi người những điều mình cảm nghiệm được.

XIN CHO TÔI ĐƯỢC THẤY

Bọt bèo tựa cánh dã quỳ

Bẽ bàng thân phận sá gì sắc hương

Làm thân khất thực vệ đường

Nay nghe có Đấng Xót Thương vi hành

Mở môi cầu chút lòng lành

Thâm tâm dâng chút tín thành! Chúa ơi!

Van xin Người chỉ một lời

Mắt anh được thấy rạng ngời thiên nhan



Cúi xin Chúa hãy mở tay

Chữa lành đôi mắt còn đầy dối gian

Mở lòng sáng tận tâm can

Để người tin nhận Chúa đang đợi chờ

(tr.221)

Hai khổ thơ đầu, Cao Danh Viện thuật lại một người mù tên là Ba-ti-mê được Chúa chữa lành (Mc 10, 46-52). Khổ thơ cuối Cao Danh Viện (là người trong đám đông) bày tỏ lòng tin vào Chúa (không có giọng giáo huấn bất kỳ ai).

Cùng một cách viết như thế, Cao Danh Viện có những bài kết hợp giữa Diễn ca và huấn ca (tự huấn) rất hay. Phần diễn ca Kinh Thánh có nhiều sáng tạo. Nội dung trình thuật Kinh Thánh được dệt bằng nhiều tứ thơ đặc sắc giúp cho phần huấn ca trở nên nhẹ nhàng, thuyết phục. Đó chính là phẩm chất thơ của riêng Cao Danh Viện. Xin đọc: Vương quyền của vua Giêsu (tr.129), Con sóng cuộc đời (tr.190), Đức tin chữa lành (tr.192), Chọn Chúa (tr. 208), Lời cầu xin khiêm nhường (tr.321), Sống đời Ngôn sứ (tr.333), Trong cõi đời đời. (tr.358), Khiêm cung cầu nguyện (tr.367), Biến đổi đời con (tr.387), Ném đá (tr.394),…

Những sáng tạo như thế của Cao Danh Viện góp phần hiếm hoi vào việc làm mới thơ ca truyền thống Công giáo. Điều ấy thật đáng quý, bởi thơ phải là thơ, là cái đẹp tư tưởng, ngôn ngữ. Người làm thơ phải khám phá được những tứ thơ mới lạ làm kinh ngạc người đọc về những gì đã quen thuộc (chức năng lạ hóa). Người đọc hôm nay đã được nghe những giáo huấn của Linh mục trong nhà thờ, họ cần tìm được “Cái đẹp” của Kinh Thánh trong thơ, thay vì những lời giáo huấn bằng ngôn ngữ trực tiếp. Cao Danh Viện đã đem đến cho người đọc “Cái Đẹp” của Kinh Thánh (Kinh Thánh trở thành đối tượng khám phá sáng tạo. Nói cách khác, Mỹ học Kitô giáo và tư tưởng Nhân văn Kitô giáo đã sáng lên trong thơ Cao Danh Viện)

PHONG PHÚ VỀ NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN

Hầu hết thơ trong tập “Tiếng lòng từ Lời Chúa năm ABC” là thơ Lục bát. Thơ Lục Bát Cao Danh Viện có hai hướng phát triển: Lục bát trữ tình thể hiện “Cái Tôi”. Xin đọc: Viên ngọc nước trời (tr. 55), Lời thầm bên Thánh Thể (tr.251); và lục bát dân dã, nối tiếp truyền thống ca vè Công giáo. Xin đọc: Có Thầy đây! Đừng sợ! (tr.59), Niềm hạnh phúc đích thực (tr.315), Vào cửa hẹp (tr.348)… 

VIÊN NGỌC NƯỚC TRỜI

Nhiệm màu nơi thửa ruộng con

Có chôn kho báu vàng son Nước Trời

Khôn ngoan gìn giữ tinh khôi

Quyết tâm bán hết sự đời mà mua …

....

Giữa đời củi quế gạo châu

Nên hư cũng một ruộng sâu phận người

Tâm tình con hướng lên trời…

(Mt 13, 44-52)

Dù vậy, Cao Danh Viện đã nỗ lực nâng “chất thơ” của Lục bát dân dã, tạo ra kiểu thơ trữ tình dân dã (Xin đọc: Mái trường Giêsu-tr.51). Điều này hợp lý, bởi trình độ bạn đọc hôm nay không còn là những giáo dân mù chữ của những thế kỷ trước. Muốn những người giáo dân mù chữ mau thuộc kinh, những nhà truyền giáo đã viết kinh thật dễ hiểu, dùng lời nói hàng ngày để chuyển tải, dùng vần điệu quen thuộc để đưa vào lòng người. Vì thế những bài kinh nôm na, mộc mạc, chỉ đọc vài lần là thuộc. Người làm thơ Công giáo hôm nay muốn đem Tin Mừng đến cho người đọc, dù là người đọc bình dân, nhất thiết phải nâng phẩm chất nghệ thuật thơ. Về mặt này thơ Cao Danh Viện cũng có chỗ chưa thật sáng tạo. Đó là sự lặp từ, lặp ý trong cùng một chủ đề ở những bài khác nhau; hoặc phá cách vần điệu; hoặc sự lúng túng trong trình thuật Kinh Thánh; có khi lời thơ là sáo ngữ, mang nghĩa tượng trưng hơn là hiện thực… [1]

Cao Danh Viện có những bài Thất ngôn Đường luật khá chuẩn mục, tạo nên chất thơ trang trọng. Thất ngôn Đường luật là thể thơ cổ, khó thể hiện những tình ý hiện đại. Cao Danh Viện kế thừa được kiểu thơ Đường luật đã Việt hóa, nhờ đó người đọc không gặp khó trong thưởng thức thể thơ từ lâu đã ít người làm. Xin đọc: Xức tro (tr.234). Thương khó (tr.246), Bình dầu cam tùng (tr.247), Kẻ phản bội (tr.248), Yêu người phản bội (tr.249), Tiệc ly (tr.250), Cuộc khổ nạn (tr.253). Tấm bánh bẻ ra (tr.431).

TIỆC LY

Đạo lễ Vượt Qua đã đến gần

Tiệc Ly bữa tối dốc tình thân

Yêu thương tha thiết, Người bẻ bánh

Phục vụ ân cần, Chúa rửa chân

Thánh chức truyền giao ơn mục tử

Thiên duyên di chúc phước chiên lành

Người ta nhận biết môn sinh Chúa

Khi thấy tình yêu giữa cõi trần

(Thứ Năm Tuần Thánh)

Cao Danh Viện tỏ ra điêu luyện trong thể thơ 8 chữ (kiểu thơ Lãng mạn 1930-1945). Kiểu thơ này là thơ trữ tình, là tiếng nói tâm trạng của Cái Tôi, sử dụng kiểu ngôn ngữ tượng trưng, nhiều khi thành sáo ngữ. Cao Danh Viện có nhiều bài hay ở thể thơ này. Xin đọc: Thập tự đời con (tr.224); Đón Chúa (tr.291); Tin vào lòng nhân hậu (tr.354); Cầu nguyện (tr.365); Ngày đăng quang của Vua Tình yêu (tr.376); Đức vua của lòng tôi (tr.378); Con đi đường thương khó (tr.396); Cây cứu chuộc (tr.401); Niềm tin Phục sinh- thơ 8 chữ biến điệu có câu 5 chữ. (tr.410)…



Trong tập thơ cũng có bài thơ 5 chữ (Ngợi ca tình yêu-tr.432) và bài 7 chữ (Tình ca mục tử-tr.414).

Tôi lần tìm những thể thơ Cao Danh Viện đã dùng để thể hiện “Tiếng lòng” mình là để chia sẻ với bạn đọc điều này: tác giả là người làm thơ có khi cốt riêng, vừa am tường những thể loại nghệ thuật dân tộc, lại rất điêu luyện trong sự thể hiện thi ca; vừa có kế thừa lại vừa sáng tạo cái mới để góp thêm vào sự phát triển dòng chảy thơ ca Công giáo đương đại. Một điều làm tôi kinh ngạc là càng về sau thơ Cao Danh Viện càng sâu sắc về tư tưởng càng thăng hoa về nghệ thuật. Xin đọc: Ném đá (tr. 394), Con đi đường thương khó (tr.396), Gửi người tình phụ (tr.405),…

Trong đội ngũ người làm thơ Công giáo hôm nay, những khuôn mặt có những đóng góp mới mẻ như Cao Danh Viện không nhiều (nếu không nói là hiếm).

Muốn nói một điều chia sẻ với tác giả Cao Danh Viện về thơ, trước hết tôi khâm phục tài năng, công sức và tâm huyết của tác giả trong việc đóng góp làm giàu thơ ca Công giáo hôm nay. Và đề xuất, tác giả sử dụng những thể thơ Việt đương đại để làm phong phú thơ Công giáo hơn nữa trong thế kỷ XXI.

Dù sao, đó chỉ là điều để ngẫm nghĩ về nghệ thuật. Đem Tin Mừng đến cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi, đó mới là đích đến của người làm thơ Công giáo.

Tháng 12/2020

________________________

[1]Ghi chú

a. Lặp từ “Tế sinh” các trang 150, 255, 265, 277. Từ “Khiêm cung” tr.254, 257. 351 (lặp 3 lần trong 1 trang)

b. Diễn ca Kinh thánh có lúng túng trong cách kể, cách tái hiện sự việc, cách khắc họa nhân vật; lặp lại ý tứ đã quen thuộc. Xin đọc các bài: Ta là sự sống và là sự sống lại (tr.125); Đường thương khó (tr.130), Đấng Thanh tẩy (tr.305), Rượu yêu (tr.307), Về quê (tr.309), Hiến lễ tình yêu (tr.98), Vị thẩm phán công minh (tr.100), Nước hằng sống (tr.117)…

c. Dùng từ nôm na, phá cách về vần:

Chúa ơi! Con rất mỏng dòn

Như bình sành dễ vỡ toang bất kỳ.(tr.151)

Hoặc dùng từ bình dân, ít chất văn chương:

Chia san hạnh phúc vô cùng mê ly.348

d. Sáo ngữ:

Bao nhiêu ân huệ miên trường



Rủ thương ban xuống đôi đường mưa sa

Thế mà tôi mãi phôi pha

Làm cho vô hiệu ngọc ngà thiên ân”

(Chay tịnh. tr.105)

Vọng về trong cõi lòng ta

Nghe dòng lịch sử thơ hoa con người.

(Vọng khúc. 284)