Đọc lại tiểu thuyết "Một linh hồn" của Thụy An- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Văn thơ Công giáo



I. NHÀ VĂN THỤY AN [*]

Nhà văn Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989), quê ở Hà Nội.

Năm 13 tuổi, bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929).

Năm 1934, cùng chồng lập tuần báo Đàn Bà Mới ở Sàigòn.

Năm 1937, chủ trương tờ Đàn Bà ở Hà Nội.

Năm 1939, làm chủ nhiệm báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài gòn,

Năm 1954, bà giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã

Năm 1987, bà quy y ở chùa Quảng Hương Già Lam, pháp danh: Nguyên Quy.

Một linh hồn là tiểu thuyết đầu tay của Thụy An, in năm 1941-Nhà xuất bản Đàn Bà (76 pho Wiélé Hà Nội). Theo Bùi Thụy Băng (con Thụy An), Một linh hồn in năm 1943 (1). Cuốn sách này được Vũ Ngọc Phan đánh giá cao:

“Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”. Ông cũng định vị Thụy An trong tư cách nhà văn: “Hàn Mặc Tử đã đem vào thi ca Việt Nam lòng tin tưởng ở đạo Gia-Tô với một giọng say sưa đầm ấm. Thụy An cũng xây dựng cho tiểu thuyết của bà có những nhân vật tin cậy ở đẳng cấp Đấng Cứu Thế ở Đức Mẹ Đồng Trinh và sẵn lòng nhịn nhục, hi sinh”.



II. TÓM TẮT “MỘT LINH HỒN”

Tiểu thuyết Một linh hồn gồm 3 phần: Phần I, phần II và Đoạn kết.
Trang bìa lót Thụy An đề: “Tác giả kính tặng “Cha R. Séminel…”

        PHẦN I

Mở đầu là những trang nhật ký ngày 19 Juin 1933, ngày 20 Juin 1933; ngày 21-6-33; và trên tàu đêm 22-6-33. Tường Vân ghi lại cảm nghĩ của mình trên chuyến tàu về Hà Nội. Ở ga xe lửa, đưa tiễn Vân có bà Thérèsa và bà Maria, chị Bảy. Vân gặp Di cùng đi tàu về quê. 4 năm trước ở Cap-Saint Jacque, hai người đã quen biết nhau. Hai năm nay họ chỉ thư từ cho nhau. Di mới tốt nghiệp Cử nhân Luật ở Pháp về. Trên tàu, Vân thú nhận với Di: “Em yêu anh, quý anh vô ngần” (tr.12).

Trong lúc đó, ở biệt thự Hoa hồng đỏ thắm (Villa des Roses rouges), một biệt thự có tiếng trong làng ăn chơi ở Hà Thành, Bảy Thanh (mẹ Vân) đang tiếp Phủ Tịch, một “người tình” (làng chơi) và giới thiệu ảnh Tường Vân cho Phủ Tịch xem. Ả định “bán” Vân cho Tịch lấy tiền trả nợ. Phủ Tịch ngây người vì vẻ đẹp của Vân.

Nhìn ảnh Vân, Thanh nhớ lại cuộc tình 20 năm trước với Châu. Hai người yêu nhau, nhưng không được gia đình Châu chấp nhận. Cậu theo đạo Thiên Chúa, bên cô thì không. Cậu là nhà bạch đinh nghèo, Cô là danh gia vọng tộc, có Ông là quan Thượng, cha là Tuần Phủ. Hai người bỏ trốn vào Sài Gòn (năm ấy cậu 23 còn cô 18, đã có thai). Họ sống cực khổ lay lắt. Cha Robert đã tìm việc làm cho Châu và giúp Châu tiền thuê nhà ở. Lúc Thanh gần sinh con, Châu kết hôn với một cô gái con điền chủ và sang Tây học, để lại một lá thư và 100 đồng bạc. Biết tin, Thanh định tự tử. Cha Robert tìm đến (Châu đã thú nhận với cha và nhờ cha giúp). Ngài đã khuyên nhủ Thanh. Sau khi Thanh sinh con, cha Robert xin việc cho Thanh đứng bán ở một hãng buôn lớn.

Hai năm sau, Thanh đem con về ở với Vĩnh (cô bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha Robert). Vĩnh là một thằng sống nhờ gái. Hắn hành hạ Thanh. Nhưng Thanh chỉ oán hận Châu. “…Thiên công chẳng biết có phải ông đã sắp đặt cho người đàn bà ấy cuộc đời phóng đãng giang hồ chăng” (tr.20).

Một lần, Thanh và Vĩnh vô tình gặp lại Châu. Thanh bị Châu khinh bỉ. Cô bỏ về, ôm con sang nhà cha Robert gửi rồi bỏ đi. Cha Robert gửi đứa bé sang Nhà Trắng nhờ bà phước trông nom. Thanh đi tìm công tử Bắc Liêu, sau đó nổi tiếng trong làng ăn chơi ở Sài Gòn. Đứa bé Thanh gửi cha Robert là Tường Vân. Bảy Thanh ở Sàigòn dạo ấy và Bảy Thanh ở Villa des Roses rouges (Hà Nội) hôm nay là một. Cái chết của kẻ phụ bạc 13 năm nay và hơn 15 năm đày đọa phong trần đã làm cho lòng Thanh trơ ra. Thanh đọc lại tất cả những lá thư của Tường Vân đã gửi (Vân thật ngây thơ trong sáng). Vân hứa sẽ sống bên Thanh và chăm sóc cô suốt đời. Thanh suýt “trở thành thiên thần bởi những lời ngây thơ cảm động của một trinh nữ ngây thơ”(tr. 26)

Bảy Thanh đón Vân ở ga Hà Nội. Vân giới thịêu Di với mẹ. Về nhà, Vân ngỡ ngàng trước sự xa hoa của nhà Bảy Thanh. Thanh nói đó toàn là vật kỷ vật của cha Vân. Chiều thứ Bảy, Thanh tổ chức tiệc to giới thiệu Vân với mọi người (dân làng chơi của Thanh). Tiệc rất đông và ồn ào. Trong bộ đồ màu hồng nhạt, Vân xuất hiện “như một sự hiển hiện của một nữ thần”. Vân buồn vì mẹ không mời Di. Thanh sắp xếp để Vân ngồi cạnh Phủ Tịch. Có tiếng một mụ đàn bà nói với Vân về Phủ Tịch: “Nó là một con quỷ đấy cô ạ. Nó chỉ bắt đàn bà làm nô lệ cho nó thôi. Bây giờ cô hãy bắt nó làm nô lệ cho cô, cô ạ!”(tr.34). Vân kinh hoàng.

Hôm sau, Di đến. Di nói với Vân anh có chuyện buồn. Một người anh của Di là Huyện Hà vì mê một người đàn bà mà phạm tội, bị cách chức và bị tù. Con đàn bà ấy còn làm hại nhiều người. Bảy Thanh hỏi Di: Cậu đã đỗ cử nhân Luật sao không xuất chính mà lại đi buôn… Nếu cậu muốn tôi sẽ giúp, không mất đồng xu nào đâu, chỉ vài tháng cậu được đi tri huyện ngay (tr.43). Lúc về, Di tự hỏi không biết mẹ Vân là người thế nào.

Một hôm, Bảy Thanh đi từ sớm mãi đêm mới về. Vân và Di đi ra vùng ngoại ô chơi. Họ nhớ lại kỷ niệm ở Cap-Saint Jacque 4 năm về trước. Vân và Di nghĩ đến tương lai tốt đẹp ở đồng quê.

Phủ Tịch đón hai mẹ con Vân ra Sầm Sơn tắm để có dịp gần gũi Vân. Dù bị mẹ ép, nhưng Vân vẫn từ chối Phủ Tịch. Thanh đòi Phủ Tịch phải đưa cho mình tấm địa đồ nhà và bức văn tự. Văn tự ghi: “Tôi là Nguyễn Tịch, Tri phủ Bình Lang và vợ là thị Kiến có bán cho bà Nguyễn Thị Thanh và con gái bà là Nguyễn Thị Tường Vân một cái nhà hai tầng ở phố Gambetta diện tích ba trăm thước vuông giá là tám nghìn đồng vân vân…”(văn tự chưa có chữ ký của vợ Tịch). Thanh dặn Tịch li dị vợ và đưa cho Thanh ba ngàn để lo đám cưới. Về phòng, Thanh coi lại giấy tờ. Ả nói thầm: “Mày chết Phủ Tịch ạ. Cơ nghiệp mày có chừng mươi lăm vạn chỉ một hai năm tao sẽ bảo con Vân phá hết” (tr. 60). Vui nhất là Thanh có tiền trả nợ thua bạc. Ả tính kế gả ngay Vân cho Phủ Tịch. Sau đó sẽ gả Vân cho lão thầu khoán và những thằng khác.

Di và Vân đi thả diều. Họ cảm nhận hạnh phúc yêu đương. Về nhà, Vân thú thực với mẹ. Vân nói, ngày mai mẹ Di sẽ lên thưa chuyện hôn nhân. Bảy Thanh nói với Vân, ả đã hứa gả Vân cho một người. Vân đã có hôn phu. Nàng ngỡ ngàng. Thanh dùng lời ngọt để dụ Vân.

Hôm sau, Di dẫn chị dâu lên nhà Bảy Thanh để lo chuyện hôn sự. Gặp Bảy Thanh, người chị dâu nhận ra ngay người đã hại chồng mình. Thanh cũng nhận ra vợ Huyện Hà. Người chị dâu tố cáo bộ mặt giang hồ hiểm ác của Thanh. Bị xúc phạm, Bảy Thanh định cho người đánh vợ Huyện Hà nhưng lại thôi. Ả đuổi chị em Di về. Di muốn điên lên trước sự thật mẹ Vân là Bảy Thanh, một con đĩ đã hại đời anh trai mình là Huyện Hà.

Vân bị sốt và ốm liệt giường. Phủ Tịch đến chăm sóc hàng ngày. Lại thuê cô điều dưỡng tên Hạnh giúp việc. Một lần Phủ Tịch đến và bắt gặp Vân đọc thư của Di. Hắn ghen tỵ và gây sự với Bảy Thanh. Thanh phải dụ Vân đốt hết thư của Dị đi.

Di đau xót sau vụ “đám hỏi” thất bại phải chia tay với Vân. Hai tuần lễ Di lang thang như một thằng điên ở Hà Nội. “Thỉnh thoảng chàng lại tìm đến sự an ủi trong nhà thờ và chàng thầm ước sự tình cờ sẽ để cho chàng gặp được người yêu ở chốn linh thiêng ấy”(tr.95). “Có lẽ lòng thành của chàng đã được cảm ứng rồi chăng, nên một buổi chiều đầu đông”. “Ngờ đâu đôi bạn trẻ đau khổ ấy lại được gặp nhau trước trái tim nhân ái vô cùng của đấng Cứu Thế” (tr.96). Khi Vân đi khỏi, có một ông cố (Linh mục) nói với Di: “Con ơi, con hãy vào đây than thở với Đấng đã từng chịu khổ hơn con!”. Sau đó Di và Vân thư từ qua lại, nhờ Hạnh chuyển.

Phủ Tịch cho xe chở mẹ con Vân lên coi cái đồn điền mà hắn hứa cho Vân.

Di viết thư cho Vân nói rõ thân phận giang hồ của Bảy Thanh và âm mưu bán Vân cho Phủ Tịch. Di rủ Vân đi trốn. Biết rõ lòng dạ của Bảy Thanh, Vân đau khổ, bỏ về Hà Nội. Nàng vào nhà thờ. Cảm giác cô độc tột cùng. Vân ngả đầu vào tường mà ngỡ đang ngả vào lòng Đức Bà. Người nói: “Hỡi con! Hãy đem nỗi đau khổ gửi vào lòng ta đây!”

Thanh lại đấu dịu với Vân (vì sắp đến hạn trả nợ), nhưng Vân nhất định không lấy Phủ Tịch vì hắn đã có vợ ba con. Thanh liền kể tội phản bội của cha Vân khiến lòng Vân đau như dao cắt. Ả nói, ả chịu nhơ nhuốc là vì Vân. Ả thú nhận đã lấy hết chồng này đến chồng khác để nuôi con. “Thanh chỉ dùng toàn chữ hy sinh để lung lạc lòng đa cảm của Vân” (tr.119). Ả còn nói dối về gia đình mình: bác của Vân là ông Tuần, dì là bác sĩ. Vân tưởng thật, nàng nghĩ mẹ đã phải chịu khổ là vì mình và nàng quyết chuộc lỗi của cha. Nàng coi Má là một vị thần. Thanh nói dứt khoát Vân phải lấy Phủ Tịch.

Vân bỏ lên phòng và không chịu ăn cơm. Nàng nghĩ, tất cả những gì mình có đều là thứ nhơ nhớp của mẹ. Thanh lên gặp Vân, ả nói rằng tất cả của cải trong nhà không đủ trả nợ. Thanh đã quen ăn xài và cờ bạc. Đời ả là làm đĩ, rồi bị tù. Nghĩ đến cảnh má bị tù, Vân đồng ý lấy Phủ Tịch. Thanh vội báo tin cho Phủ Tịch. Ả Cầm tiền của Tịch rồi đi thẳng đến sòng bạc. Ả hẹn Chủ nhật sau cho Tịch cưới Vân. Tịch đắc ý (tr.127).

Từ khi nhận lời mẹ lấy Tịch, Vân sống như vô tri giác. Nhưng ban đêm Vân lại sống hết tâm hồn với Di. Một đêm, Vân gặp Di. Hai người níu kéo nhau ở hàng rào. Vân khóc nức nở: “Em khổ lắm. Nhưng em không nghe anh được. Thôi anh đi đi, anh đi đi”. Khi Di quay gót, Vân gào lên. Thanh nghe tiếng Vân gào, sợ Vân điên. Ả nghĩ, còn hai ngày nữa, “Thôi có điên nữa thì để cưới xong hãy điên”(tr.132).

Phủ Tịch định tổ chức đám cưới rực rỡ ở nhà thờ nhưng sợ vợ biết, hắn giảm hết mọi nghi thức. Ngay khi đoàn rước dâu vào trong nhà Tịch thì vợ Tịch đến cùng với mấy tay đàn ông. Thị xỉ nhục mẹ con Thanh. Phủ Tịch đã đánh thị hết sức vũ phu. Vân xin lỗi vợ Tịch vì không biết. Vân hứa với mụ không bao giờ lấy Tịch nữa.

Thanh lôi Vân về. Dọc đường ả đánh Vân. Ả nhốt Vân vào phòng, quyết hành hạ Vân và bắt Vân lấy Tịch cho bằng được (vì hạn trả nợ còn 3 ngày). Vân hết sức ê chề và hiểu rõ bản chất của người mà cô gọi là má.

Thanh vẫn tin Tịch sẽ trở lại. Nhưng ả không ngờ. Khi Thanh ra khỏi nhà Tịch thì cha Tịch đến. Ông cụ khóc, bắt anh ta từ quan và lên coi đồn điền ở Yên Bái. Nếu không ông cụ sẽ đăng báo từ con và giao tất cả tài sản cho Nhà Nước, không giao tài sản cho con. Tịch còn biết sợ bố. Hắn nhận lỗi và nghe lời ông cụ viết đơn từ quan để lên Yên Bái. Hắn quên mẹ con Thanh.

Ngày mai nhà cửa Thanh sẽ bị tịch biên. Ả cầu cứu lão thầu khoán Bảo nhưng bị từ chối thẳng. Suốt đêm không ngủ, Thanh ê chề nhục nhã và lo sợ ngày mai, Thanh chỉ còn là một ả giang hồ hết thời. Ả cần một người đàn ông, một chỗ dựa. Ả nghĩ đến những gia đình đã bị ả phá nát.

Sáng ra, Thanh trả công cho những người giúp việc rồi bảo họ về quê hoặc đi làm chỗ khác. Vân thu xếp quần áo. Hai mẹ con ra khỏi nhà, nhưng không biết đi đâu. Thanh muốn đi trước khi tòa đến tịch biên. Đứng chờ xe, Thanh nghĩ nên đến một cái chùa gửi đồ đạc và tá túc vài ngày.

        PHẨN II

Gửi đồ đạc trong chùa rồi Thanh đi tìm thuê một căn nhà ở chỗ vắng giá 3 đồng một tháng. Thanh dọn đến ở ngay. Vân thao thức về trách nhiệm với mẹ. Nàng lấy vải ra cắt mấy cáo áo đầm trẻ con và nghĩ rằng sẽ sống bằng cách này.

Ngồi trước bữa ăn, Thanh nghĩ mình không bằng mấy đứa giúp việc ở nhà. Ở đây, mẹ con Vân bị hàng xóm dòm nó, dị nghị. Sau Vân làm quen được với bé Quế và dạy học cho bọn trẻ trong xóm, họ mới có cảm tình với Vân.

Thanh bị sốt. Nửa tháng trời thuốc thang chăm sóc mẹ, tiền dành dụm đã hao hụt nhiều, Vân lo lắng không biết rồi đây làm gì để sống. Cô đem mấy cái áo con ra Hà Nội bán. Các cửa hiệu đều làm khó, ép giá mua rẻ. Về nhà Vân chưa biết tính sao.

Thanh nghĩ, ả không thể sống nghèo khổ thế này được. Thanh viết thư cho Mr. Huyến, chủ hãng buôn Thế Lạc vay 100 đồng. Huyến là đàn em chịu ơn Thanh. Vân đem thư đến nhà Huyến, không ngờ bị Huyến sàm sỡ và đem việc Phủ Tịch ra xúc phạm Vân. Cô tát hắn một cái rồi bỏ về khóc lóc trách mẹ. Vân đi nhà thờ Chúa Cứu Thế. Hai mẹ con nhìn nhau cười. Thanh không biết mình đang khổ hay đang hạnh phúc (tr.206).

Ở nhà thờ, đột nhiên Vân bị bịnh và được người ta đưa về.

Những lời của Vân hồi chiều khiến Thanh có cảm giác mình vừa lột bỏ con người cũ. Nhưng cái xác cũ cứ bắt Thanh cúi nhìn nó: Đoạn phim cuộc đời Thanh quay lại. Từ chuyện Huyện Hà đến chuyện Phủ Tịch, chuyện lừa dối Vân. Thanh kêu lên: “Trời ơi! Tôi đã khốn nạn đến thế này sao”! Suốt đêm Thanh bị dày vò của lương tâm, “Nhưng một tâm hồn mới nảy nở trong tấm thân điêu tàn ấy. Thanh cũng như con rắn đã lột xác xong, mang một hình thể mới”(tr.212).

Vân trở bịnh nặng. Nếu không có thuốc thì không cứu được Vân. Tiền dành dụm không còn. Thanh trở lại nghề cũ. Ả nhờ lão Bộ tìm khách giúp. Hôm ấy, ả đến chỗ hẹn ở bờ sông. Vân lén đi theo phía sau. Khi người thanh niên định ôm Thanh thì Vân kêu lên: Má ơi! anh Di đấy. Cả ba đứng sững. Di nói một câu mỉa mai rồi bỏ chạy. Vân đau đớn nhìn xuống dòng sông. Thanh khuyên, “Đừng con ạ. Con phải đi gặp Di để thân oan đã”. Hai mẹ con thất thểu đi trên đường đê vắng.

        ĐOẠN KẾT

Bảy Thanh tìm đến nhà Di. Mặc dù bị vợ Huyện Hà xua đuổi, Thanh năn nỉ cầu xin Di đến an ủi Vân. Ả nói Vân sắp chết và rất yêu Di. Di lái xe đi. Anh chạy với tốc độ cao trên đường đêm. Thanh kể lể việc Di ngộ nhận hôm ở bờ sông. Di khóc. Ngoài trời mưa.

Di nhận lỗi với Linh mục. Vì Di mà Vân chết. Rằng, nàng đã quá yêu Di hơn cả yêu Chúa. Di yêu cầu vị linh mục giải thích tại sao một người con gái tốt như nàng mà suốt đời khổ. Linh mục trả lời. Di hãy nhìn lên Câu Rút (Thánh giá) và học theo nàng. Mọi việc hy sinh tốt đẹp của nàng đều theo ý cầu nguyện: “Lạy trời, xin theo ý trời định”. Di gục đầu khóc tấm tức: “Xin theo ý trời!”. (Hết)

III. TIỂU THUYẾT MỘT LINH HỒN VÀ TÔN GIÁO

1. Về kiểu truyện tâm lý tình cảm xã hội.

Tiểu thuyết “Một linh hồn” là một truyện tâm lý tình cảm xã hội, mô-tip “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Những tình huống truyện được sáng tạo (tưởng tượng ra) và đẩy lên thành cao trào chỉ là để tạo ra sự “lâm ly bi đát”, mua lấy một chút mủi lòng của người đọc. Tác phẩm không hề đặt ra một vấn đề xã hội nào. Trong Một linh hồn, không có bối cảnh hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930-1945.

Vân và Di yêu nhau, yêu điên dại (Cả Vân và Di đều “điên”). Họ say đắm bên nhau và vẽ ra tương lai hạnh phúc. Những tưởng ước nguyện của họ sẽ thành, vì cả hai đều được học hành, có ý thức về quyền cá nhân; cả hai đều có đời sống đạo hạnh. Nhưng Bảy Thanh (mẹ Vân), một “con đĩ hết thời” đã phá nát tình yêu ấy. Sau cùng Vân chết (không rõ bịnh gì) và Di tự nhận lỗi về mình. Anh cúi đầu “Xin theo ý trời!”.

Lẽ ra, sau cái chết của Vân, Thanh phải nhận ra tội lỗi của mình và hoàn lương để an ủi linh hồn Vân (bút pháp hiện thực). Nhưng tác giả đã kết thúc truyện theo kiểu truyện tình lãng mạn đương thời. Mô-típ truyện tình dang dở và hình ảnh gái giang hồ đã có trong văn học Lãng mạn trước Một linh hồn (Đời mưa gió của Nhất Linh-Khái Hưng in năm 1934; và những truyện tâm lý tình cảm của Lê Văn Trương). Thụy An chỉ nối dài thêm kiểu truyện này khi văn chương Lãng mạn đã đi vào thoái trào.

Nhân vật Bảy Thanh (một ả giang hồ hết thời) vẫn còn đó. Sau khi Vân chết, ả vẫn sống trụy lạc, cờ bạc và nhẫn tâm (như Tuyết, lại băng mình vào đời mưa gió). Sự hy sinh, tình thương yêu, lòng bao dung của Vân, kể cả cái chết của Vân không làm Thanh thay đổi. Sự giúp đỡ của cha Robert, của ông cố trong nhà thờ ở Hà Nội không cứu được tình yêu Di và Vân trước những thủ đoạn tàn nhẫn của Bảy Thanh.

Việc Thanh bị bịnh, hai mẹ con cạn tiền; sau đó Vân bị bịnh đột ngột ở nhà thờ, thuốc thang rồi chết chỉ là giải pháp (tưởng tượng) tác giả đẩy Thanh đến đường cùng, buộc cô ả trở lại con đường làm đĩ như một số phận đã an bài. Tác giả bình luận: “…Thiên công chẳng biết có phải ông đã sắp đặt cho người đàn bà ấy cuộc đời phóng đãng giang hồ chăng” (tr.20).

Đó là sự áp đặt (khá lộ liễu) của tác giả. Trên cõi đời này, làm gì có người đàn bà nào sinh ra mà trời sắp đặt cho số phận “làm đĩ”!

Nói những điều ấy để xác định rằng, Một Linh hồn không phải là kiểu truyện tư tưởng như tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Đoàn (Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân…). Một Linh hồn chỉ là một tiểu thuyết lãng mạn trong dòng văn chương thị trường lúc ấy (1941)

Một linh hồn có sự khác biệt với Tắt lửa lòng (Nguyễn Công Hoan. 1933); Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng. 1933) ở chỗ, các tác giả đi trước miêu tả bối cảnh chùa chiền, và nhân vật vào chùa tu, còn trong Một linh hồn, Thụy An miêu tả cảnh nhà thờ và nhiều nhân vật là người theo đạo Thiên Chúa (Châu, Tường Vân, gia đình Di, Phủ Tịch, cha Robert, ông cố các bà phước Thérèsa và bà Maria). Đó chỉ là những yếu tố hình thức kiến tạo tác phẩm.

2. Vấn đề tư tưởng và tôn giáo trong Một linh hồn.

Kết thúc tác phẩm, Thụy An đặt ra một vấn đề tư tưởng. Di hỏi ông cố đạo (linh mục):

“Cha hãy giảng cho con, lòng con đang bất bình sôi nổi lên đây. Một người con gái trong trắng vô tội đến thế mà sao suốt đời khổ não, đắng cay gặp toàn những nghịch cảnh. Con thương nàng cha ơi!” (tr.228).

Nói dễ hiểu, Di đặt vấn đề: Vân trong trắng, thánh thiện, giàu lòng thương yêu, giàu đức hy sinh, tại sao cuộc đời nàng lại đầy đau khổ và chết trong đau khổ.

Câu hỏi này đã vang lên trong tác phẩm của Nguyễn Du (Đoạn trường tân thanh, Văn tế thập loại chúng sinh). Tại sao người phụ nữ từ xưa đến nay đều bạc mệnh:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Vị linh mục đã trả lời Di:

“Con hãy bắt chước nàng. Con không thấy tất cả những sự hy sinh tốt đẹp của nàng đều chan chứa một lời cầu nguyện phục tòng: “Lạy trời, xin theo ý trời định” đó sao”.

Lời khuyên này lấy ý từ lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu (Lc 22,42): ”Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy đi khỏi con ! Nhưng xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha” (bản dịch của Hồng y Trịnh văn Căn)

Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha hiến mạng sống mình trên Thập giá để Cứu Rỗi nhân loại. Người Công giáo học theo Đức Giêsu, nhận lấy mọi đau khổ trong đời như vác Thánh giá theo Đức Giêsu trong hành trình trần gian đón nhận Ơn Cứu Rỗi. Cho nên, trong con mắt người đời, những đau khổ ấy là bất hạnh, nhưng trong niềm tin Kitô giáo, những đau khổ ấy lại là con đường nên Thánh, con đường Phục sinh.

Đây là một điểm son của Thụy An trong việc giải quyết vấn đề tư tưởng. Thụy An đem vào tác phẩm cách kiến giải mới, khác hẳn với Nguyễn Du. Nguyễn Du dựa vào Thiên Mệnh (Trời- Nho giáo) và giáo lý giải thoát của Phật giáo (Thân, Nghiệp, Tâm) để giải quyết vấn đề đau khổ của Thúy Kiều.

Gẫm hay muôn sự tại trời
Trới kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao…
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Đoạn trường tân thanh)
Khi đã dựa trên tư tưởng Kitô giáo, Thụy An xây dựng được nhiều nhân vật đẹp. Cha Robert, người đã giúp Châu và Thanh. Tường Vân “trong như pha lê, trắng như cánh huệ”(tr.34), thánh thiện, có lòng đạo rất sâu, giàu đức hy sinh, sống giản dị chan hòa với mọi người. Mỗi khi buồn, nàng lại tìm sự an ủi trong Thánh Kinh. “Nàng giở đoạn Chúa Cứu Thế vác cây Thánh Giá lên chỗ tử hình. Chưa bao giờ cái đoạn thảm sầu ấy lại làm cho nàng xúc động đến thế. Vân thấy lòng dìu dịu…” (tr. 81).

Trong chuyến theo mẹ đi coi cái đồn điền Phủ Tịch nói là cho Vân, cô đọc thư của Di và biết mọi sa đọa của mẹ mình. Quá đau đớn, Vân bỏ về Hà Nội và vào nhà thờ, để hết tâm hồn vào Đức Bà: “Trên bàn thờ Chúa và những bàn thờ nhỏ chung quanh, vài ngọn nến le lói trong bóng nửa tối nửa sáng. Ánh nến rập rờn làm linh động những pho tượng, những bức tranh. Mặt Đức Bà như càng lúc càng rầu rỉ thêm và cứ dần dần sát xuống mặt Vân và hai bàn tay mềm dẻo của người thường chấp lại, nay từ từ rời ra và đang xoa trên cái trán rạo rực nóng bừng của Vân. Vân tưởng hít thấy cái hơi thở thiêng liêng của Người và nghe Người thì thào như một làn hơi gió: Hỡi con! hãy đem nỗi đau khổ gửi vào lòng ta đây!”/ “Vân ngã đầu tựa vào bức tường mà lúc bây giờ Vân mơ màng thấy ấm ấm như tựa vào ngực Đức Bà. Một câu chuyện bắt đầu giữa nguồn an ủi muôn năm và nỗi đau đớn cực điểm./ Vân ngồi như thế không biết bao lâu, nỗi đau khổ ngùn ngụt ở trong lòng dìu dịu dần…” (tr.108).

Chính tư tưởng Kitô giáo đã tạo nên vẻ đẹp mới của nhân vật Tường Vân.

Tuy vậy, trong việc xây dựng những nhân vật “có đạo” khác, Thụy An đã không theo những chuẩn mực luân lý Kitô giáo. Châu là con trong gia đình có đạo, nhưng anh ta lại bỏ Thanh lúc cô sắp sinh con để lấy cô gái con chủ đồn điền rồi đi học ở Pháp. Phủ Tịch có vợ ba con, vậy mà hắn định làm lễ cưới với Vân trong nhà thờ một cách rực rỡ. Di cũng là con nhà có đạo, “Thỉnh thoảng chàng lại tìm đến sự an ủi trong nhà thờ” (tr. 95), nhưng lại đi tìm gái lén lút ở bờ sông, và vô phúc cho Di, anh đã gặp mẹ con Vân. Riêng với Vân, trong lúc đau khổ, nàng hai lần định trầm mình dưới sông tự tử (tr.105 và 221). Những hành vi như thế người theo Chúa không được phép làm.

Hơn nữa, tác giả có những bình luận ngoại đề, như một người không tôn giáo, nhìn sự đau khổ của người Công giáo, mà bảy tỏ sự hoài nghi về đức tin:

“Than ôi! Sự mầu nhiệm của tôn giáo tuy có sâu xa, nhưng đối với một vết thương đang trào máu thì sự an ủi ấy chỉ ví như một lượt thuốc bột mà một dòng máu vọt mạnh làm trôi băng ngay. Lúc Vân tỉnh dậy thì sự an ủi cũng mất (tr. 82)

Vân đến nhà thờ: “Vân, mình lại lắng tai nghe tiếng trống ngực rõ mồn một của mình, tự nhiên đâm ra sợ hãi cái quạnh quẽ thâm u trong nhà thờ. Nàng giờn giợn cất tiếng hỏi: “Chỉ có mình tôi ở trong này thôi ư(tr.107).

“Thuyết “Hối quá là rửa sạch tội lỗi” của giáo Gia tô đã ăn sâu trong trí Vân. Nàng cố tin rằng mẹ nàng đã hối quá mặc dầu nàng vẫn vẩn vơ e ngại (tr.176).

Có thể hiểu được rằng Thụy An không xây dựng một tác phẩm Công giáo (theo tư tưởng thần học, Mỹ học và giáo luật Kitô giáo, để hường đến mục đích rao truyền Tin Mừng). Các nhân vật “có đạo” trong truyện chỉ là một kiểu nhân vật (cho khác với các kiểu nhân vật trong văn học trước đó), họ không phải là những tín hữu Kitô giáo đích thực. Cũng có thể Thụy An quan niệm việc theo một tôn giáo nào đó chỉ là sự chọn lựa riêng của cá nhân, không bó buộc (“Đạo tại tâm”). Cho nên trong đời thường, Thụy An đã li thân với chồng và sống với người tình một thời gian. Tuổi trẻ của bà theo đạo Thiên Chúa, về già bà quy y Phật với pháp danh Nguyên Quy.

Thực ra trong Một linh hồn, Thụy An còn pha tạp những tư tưởng khác. Xin hãy trở lại lời khuyên của cố đạo (trong tang lễ Vân) với Di:“Con hãy bắt chước nàng. Con không thấy tất cả những sự hy sinh tốt đẹp của nàng đều chan chứa một lời cầu nguyện phục tòng: “Lạy trời, xin theo ý trời định” đó sao”.

Với một linh mục Công giáo, không ai nói “Lạy trời, xin theo ý trời định”, mà nói đúng nguyên văn Kinh Thánh: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy đi khỏi con ! Nhưng xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha”. Thụy An đã có sự mập mờ giữa tư tưởng Kitô giáo và Thiên mệnh (Mệnh trời-Nho giáo). “Trời”, “ý trời” là Thiên mệnh. Trời không phải là Thiên Chúa, không phải là Chúa Cha của Kitô giáo.

Ở chỗ khác, Thụy An gọi “Trời”“Thiên Công”(Ông Trời). Sau khi gửi thư cho Vân tố cáo bộ mặt thật của Bảy Thanh mà không có kết quả, Di đành buông tay. “Chàng đành phận, phó mặc cho Thiên Công xoay sở” (tr. 128). Thụy An bình luận về số phận của Bảy Thanh: “…Thiên công chẳng biết có phải ông đã sắp đặt cho người đàn bà ấy cuộc đời phóng đãng giang hồ chăng” (tr.20). Nghĩa là số phận Bảy Thanh sinh ra để làm gái giang hồ, không thể khác được. Và Thụy An đã để Bảy Thanh trở lại làm gái : “Có lẽ trời đã dành sẵn cho Thanh cái số phận phải làm kẻ trụy lạc, trước trụy lạc vì chồng, nay trụy lạc vì con. Hay trời muốn Thanh phải trả xứng đáng những tội lỗi đã làm: Bắt lấy sự trụy lạc chuộc lại lỗi của sự trụy lạc? (tr.215); dù rằng trước đó, Thuỵ An đã miêu tả sự “lột xác” mạnh mẽ của Thanh: “Nhưng một tâm hồn mới nảy nở trong tấm thân điêu tàn ấy. Thanh cũng như con rắn đã lột xác xong, mang một hình thể mới”(tr.212)

Từ tư tưởng phong kiến (Thiên Mệnh): Vân hiếu thảo, thủy chung, coi trọng Hiếu hơn tình), Thụy An còn pha trộn tư tưởng nhân-quả của Phật. Bảy Thanh cho rằng những khốn nạn nàng phải chịu là có nhân quả. “Thật cay đắng cho Thanh, trước kia chỉ ngồi trong gấm lụa đợi kẻ si đến dâng tận chân tim và tiền, bây giờ thì chính Thanh phải đem thân đi bán…Âu đó cũng là quả báo. Thanh tự an ủi với cái thuyết quả báo ấy (tr.218).

Nhân vật Tường Vân đã có lúc ánh lên vẻ đẹp của một “cô gái mới”, tự do yêu đương, quyết liệt không lấy Phủ Tịch, như nhân vật Loan trong Đọan tuyệt (1934) của Nhất Linh (tư tưởng Nữ quyền luận). Nhưng nhân vật Vân của Thụy An là nhân vật nửa vời. Khi Thanh đánh vào lòng thương cha, vào đức hy sinh của mẹ, Vân lại ngoan ngoãn nghe lời Bảy Thanh như một cô gái nết na, hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, đủ cả “tam tòng, tứ đức” phong kiến (kiểu như nhân vật Mai trong Nửa Chừng Xuân-Khái Hưng. 1934).

Tất cả những phân tích trên làm lộ ra rằng, Thụy An không trình bày bất cứ tư tưởng tôn giáo, triết học hay tư tưởng xã hội nào trong tiểu thuyết Một linh hồn. Trái lại, Thụy An chịu ảnh hưởng cách xây dựng tiểu thuyết của những tác giả đi trước, dù rằng Thụy An có đóng góp mới. Ngòi bút Thụy An trôi theo quán tính vô thức (tức là viết theo bản năng, chịu ảnh hưởng những người đi trước mà không tự biết), và tác phẩm chỉ là một truyện tình cảm tâm lý nằm trong dòng văn chương giải trí đương thời.

3. Phải công nhận Thụy An là nhà văn có tài kiến tạo tác phẩm. Đó là tài kể chuyện hấp dẫn, tài phân tích tâm lý nhân vật thấu đáo. Thụy An tạo ra nhiều tình huống bất ngờ, căng thẳng và giải quyết hợp lý. Không khí truyện được thay đổi liên tục tạo nên nhiều cảm xúc thẩm mỹ (như chuyển cảnh trong phim). Những cảnh đông người được dàn dựng vô cùng sống động, ngôn ngữ nhân vật góc cạnh (Buổi tiệc Thanh tổ chức để giới thiệu Tường Vân, cảnh vợ Phủ Tịch đánh ghen…)

Thụy An xứng đáng với lời khen của Vũ Ngọc Phan: “Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”.

Tháng 6/ 2021
_________________________

[*] Phần tiểu sử chính thức của Thụy An (Lưu Thị Yến) xin đọc trên trang Lưu tộc (Gia tộc họ Lưu).


[1] http://motgoctroi.com/Tho/ThoThuyAn.htm