“Bài nhã ca tháng Giêng” & Sự kỳ diệu của ngôn ngữ thi ca - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary
"Bài Nhã ca tháng Giêng" là bài thơ tình tháng Giêng. "Nhã ca" gợi ra không gian Kinh thánh, "tháng Giêng" là tháng lễ hội Việt Nam. Nhan đề bài thơ mở ra hai bầu trời văn hóa (đông-tây), hai thế giới tâm linh (Công giáo-dân tộc) và hai nguồn mạch nghệ thuật (dân dã Việt và mỹ học phương tây). Như thế người đọc có thể nhận ra trữ lượng tư tưởng-nghệ thuật của bài thơ giàu có thế nào. Có thể nói "Bài Nhã ca tháng Giêng" là một bài thơ tình rất lạ của Lê Đình Bảng. Sự mới lạ (thẩm mỹ) có thể làm người đọc ngạc nhiên thú vị. NGUỒN:

Mời bạn cùng đọc BÀI NHÃ CA THÁNG GIÊNG

Đêm nay, nhớ chong đèn, chờ nhau nhé
Đốt trầm lên, vây lút cả ngai toà
Bởi đầy trời, rộn rã tiếng hoan ca
Và nhật nguyệt kết đôi vầng sáng rỡ

Có sênh phách rước hòm bia Thiên Chúa
Khắp bờ vui, vui nối nhịp, thêm lời
Của dậy thì tươi trẻ mãi đôi mươi
Của rạo rực và nồng nàn nhan sắc

Từ mưa móc giữa ban ngày, ban mặt
Từ thơm tho, đêm trừ tịch, giao thừa
Lạy Chúa Trời, trong vườn cấm, ban sơ
Cơn cám dỗ buổi đầu đời, tội lỗi?

Sao, ngây ngất những chín vàng, chín vội
Lúa Giêng, Hai vừa chơm chớm trổ đòng
Nước với thuyền nghiêng. Chim én sang sông
Cùng em đến cửa ngọ môn nhà Chúa

Mình đợi nhau, khi giáo đường cửa mở
Vào lúc nửa đêm, hoa nở, trăng lên
Đủ mười hai chi họ Israel
Đào, mai, quế đã xanh cành, xanh lá

Mau thức giấc, để vào mùa gieo sạ
Nụ tầm xuân hơn hớn giữa đôi bờ
Em ôm đàn, ta gõ nhịp, tung hô
Đêm nhã nhạc. Đêm nghê thường, trọng vọng

Này ngũ cung: Hò, xự, xang, xê, cống
Này, tiếng ti, tiếng trúc, tiếng huyền cầm
Cứ dập dìu những đôi lứa cài trâm
Ra đồng cỏ, thăm mùa màng chăn thả

Mau chân nhé, vào lễ hương, em ạ
Chiều lên nương, ta hái thuốc, bẻ măng
Theo mẹ, theo cha đi đám cỗ làng
Rượu nếp cái hoa vàng, mật ong chúa

Bốn phía cổng thành, đông tây, cờ mở
Trẻ đùa chơi bên hang rắn lục, hổ mang
Quà cưới cho em: xuyến ngọc, kiềng vàng
Bồ câu mới ra ràn, chưa chạm đất

Nghe suối chảy, dưới chân mình nảy hạt
Người đông ken, những áo lục, quần điều
Để cầu may, cầu phước, tiết nguyên tiêu...
Ai son sẻ, được sinh năm, đê bảy

Những điềm lạ, xưa nay chưa hề thấy
Ruộng rẫy xum xuê thảo quả, hoa hồi
Dầu một vò đầy, bột hũ chưa vơi
Chẳng rõ khi nào, hết xôi, rỗi việc?

Chờ Xuân mới, qua ngày Đông, tháng rét
Này bách, này tùng, trắc bá, trầm hương
Bạch đàn, sim mua, khuynh diệp, kim cương
Gia nghiệp Chúa ban, rừng vàng, biển bạc...

Con cháu đầy đàn, nhiều như bụi cát
Kìa manna, mưa trắng xoá bầu trời
Chim cút đâu về, đậu kín sân phơi
Trăm họ một nhà, ới nhau trẩy hội

Từ sáng sớm, đến xế trưa, chiều tối
Đâu cũng Xuân tươi, rực rỡ quỳ vàng
Chảy miệt mài, như vỡ đập, tràng giang
Hoa trái ngọt lành, liên chi hồ điệp

Đừng quên nhé, đừng ngủ quên, mê thiếp
Này là địa đàng, mở cảnh tràng sinh
Có những cô nàng gánh rượu về dinh
Mây xuống thấp và mặt trời dừng lại


***

Vua Sa-lô-môn là con của Vua Đa-vít. Ngài cai trị dân Israel 40 năm (khoảng 970-
931, TCN). Sách Nhã ca ("Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn") [1] có 8 chương, được cho là của vua Sa-lô-môn. Nội dung là đối thoại tình yêu giữa Vua Sa-lô-môn (Chàng) và Su-la-mít (Nàng), một thôn nữ.

"Bài Nhã ca tháng Giêng" là bài thơ tình tháng Giêng. "Nhã ca" gợi ra không gian Kinh thánh, "tháng Giêng" là tháng lễ hội Việt Nam. Nhan đề bài thơ mở ra hai bầu trời văn hóa (đông-tây), hai thế giới tâm linh (Công giáo-dân tộc) và hai nguồn mạch nghệ thuật (dân dã Việt và mỹ học phương tây). Như thế người đọc có thể nhận ra trữ lượng tư tưởng-nghệ thuật của bài thơ giàu có thế nào. Có thể nói "Bài Nhã ca tháng Giêng" là một bài thơ tình rất lạ của Lê Đình Bảng. Sự mới lạ (thẩm mỹ) có thể làm người đọc ngạc nhiên thú vị.

Cho phép tôi chầm chậm một chút nói chuyện thơ Lê Đình Bảng theo phong cách phương đông (như thể nghe nhạc thính phòng), được vậy, may ra bạn đọc gặp được đôi điều về cái hay của thơ ca Công giáo Việt Nam đương đại (cũng xin đọc thêm những bài tôi đã viết về các tập thơ của Lê Đình Bảng [2].

Đọc thơ Lê Đình Bảng, xin hãy đọc hồn nhiên, đọc nhanh, liền mạch từ đầu đến cuối, để ta cảm nhận cái hay cái đẹp của cả bài thơ bằng trực giác (chưa cần hiểu); sau đó đọc lại, đọc thật chậm, đọc nhiều lần, chiêm ngưỡng từng chữ, từng chữ, lần ra manh mối mọi nguồn mạch thi ca (close reading). Có vậy những "điều lạ lùng" mời hiện ra làm chóang ngợp tâm trí ta. Lúc này, việc đọc thơ đòi hỏi năng lực trí tuệ (vốn tri thức, vốn văn hóa, năng lực nhận thức, khả năng đọc phân tích, liên tưởng, khả năng tạo dựng không gian, thời gian nghệ thuật...), và việc cảm nhận thơ Lê Đình Bảng bằng trí tuệ mới thật thú vị.

Dường như có điều gì mâu thuẫn chăng? Bài thơ (đọc lần thứ nhất) thật dễ hiểu. Tác giả nói chuyện đời thường, "giữa ban ngày, ban mặt", chuyện "ruộng rẫy", sông nước, "hoa nở, trăng lên", chuyện "lên nương, ta hái thuốc, bẻ măng/ Theo mẹ, theo cha đi đám cỗ làng"...những sinh hoạt như thế ở thôn quê chẳng có gì là lạ. Nhưng Lê Đình Bảng đã thi hóa cái đời thường ấy và làm cho ngôn ngữ trở nên đầy ắp năng lượng tư tưởng-nghệ thuật; và khi nhìn lại bài thơ, người đọc bỗng ngỡ ngàng vì không thể nắm bắt được điều gì! Chỉ biết đích xác một điều là: bài thơ hay quá! Nhưng "Bài Nhã ca tháng Giêng" là gì (tức là nội dung, chủ đề, diễn ngôn tư tưởng- nghệ thuật) thì vượt khỏi tầm "quán chiếu" [3] của ta.

Điều tưởng là mâu thuẫn ấy bắt nguồn từ việc nhà thơ phối hợp rất tài năng hai loại ngôn ngữ: khẩu ngữ kết hợp với ngôn ngữ bác học. Ngôn ngữ chính của bài thơ là khẩu ngữ. Điều này hàm chứa tính dân tộc và tinh thần cộng đồng của thơ Lê Đình Bảng. Nhà thơ đối thoại với nhân vật em bằng ngôn ngữ hàng ngày, nên thơ trở nên gần gũi và thật dễ hiểu: "Đêm nay, nhớ chong đèn, chờ nhau nhé"; "Mau chân nhé, vào lễ hương, em ạ"; "Đừng quên nhé, đừng ngủ quên...". Đó là những câu nói thân thương có ý nhắc nhở người yêu, ngôn ngữ thơ mộc mạc, "Nôm na". Loại ngôn ngữ thơ thứ hai là "ngôn ngữ bác học" (chữ dùng của văn chương trung đại Việt Nam): dùng từ Hán-Việt, dùng những điển ngữ Kinh thánh, sử dụng tu từ và sáng tạo những cách diễn đạt mới, đặt người đọc trước một bức tường ngữ nghĩa mới (có người không thể vượt qua bức tường này). Xin thử đọc:

Những điềm lạ, xưa nay chưa hề thấy
Ruộng rẫy xum xuê thảo quả, hoa hồi
Dầu một vò đầy, bột hũ chưa vơi
Chẳng rõ khi nào, hết xôi, rỗi việc?


Khổ thơ không có từ nào khó hiểu. Thành ngữ "hết xôi, rỗi việc" là lời nói hàng ngày; "ruộng rẫy", "hoa, quả" là từ người Việt đã dùng hàng ngàn năm. Nhưng nếu đọc kỹ bạn đọc sẽ thấy "những điềm lạ" hiện ra. Ruộng Việt Nam luôn xanh lúa, xanh ngô, khoai ("Xanh xanh bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc"[4]); vườn rẫy Việt thì trĩu quả: chuối, dừa, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt ("Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"[5])... nhưng Lê Đình Bảng lại viết: "Ruộng rẫy xum xuê thảo quả, hoa hồi". "thảo quả" một từ Hán Việt ở giữa những từ thuần Việt tạo nên sự mới lạ đột ngột. Còn "thảo quả, hoa hồi"[6] là hai loại cây trái dùng làm gia vị, có hương vị đặc biệt ấn tượng. Loại quả này làm gì có trong vườn rẫy Việt Nam? Có lẽ nhà thơ chỉ muốn diễn tả cái mùi thơm làm cồn cào tì vị của vườn rẫy Việt chăng. Câu thơ hiện thực chuyển rất nhanh sang nghệ thuật tượng trưng tạo nên sự mới lạ khó tìm thấy trong thơ Việt? Lạ lùng hơn, trong đời sống sinh hoạt Việt, làm gì có "vò dầu, hũ bột"? (gợi ra điển ngữ Kinh thánh). Và câu hỏi tình thái từ làm ta ngạc nhiên "Chẳng rõ khi nào, hết xôi, rỗi việc?", nghĩa là tiệc tùng cứ triền miên, không biết khi nào mới "hết xôi". Ngày xưa, chỉ tiệc tùng mới có xôi. Câu thơ hàm ý quê ta thơm tho, giàu có và thanh nhàn lắm (trong thực tế thì thôn quê luôn đói nghèo, tất bật). Quả thực, trong một khổ thơ mà chứa bấy nhiêu điều mới lạ về văn hóa và ngôn ngữ, thật hiếm thấy trong thơ Việt đương đại [7].

Vâng, nếu cứ dừng lại mà nhấp từng ngụm cái thi vị của thơ Lê Đình Bảng trong từng câu, từng chữ như thế, chúng ta sẽ bị lạc mất trong rừng ngôn ngữ tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ. Thôi thì, hoa hồng đẹp, ta cứ ngắm cả cành hoa, xin đừng bẻ từng cánh hoa rời ra để xem, "Cái Đẹp" sẽ tơi tả, việc đọc thơ chỉ còn là kỹ thuật máy móc!

Ấy là tôi mới thử nhận dạng cái mới lạ thi ca của thơ Lê Đình Bảng. Nói cách khác, là tìm kiếm những khám phá sáng tạo, điều làm nên cốt cách độc đáo thi nhân. Tôi nhận ra, ngôn ngữ thơ là điều kỳ diệu bậc nhất của sáng tạo thi ca. Dấu hiệu đầu tiên để phân bịệt thi nhân với "người thợ chữ"(chữ của Nam Cao) là ở thứ ngôn ngữ kỳ diệu, mới lạ này.
Vậy nhà thơ Lê Đình Bảng đã sáng tạo những gì mới lạ?

Cái mới lạ thứ nhất là bài thơ dài, cảm xúc thơ dào dạt, những tầng vỉa văn hóa cứ lần lượt hiện lên đẹp kỳ lạ; và đặc biệt là, cấu trúc thơ được giấu kín. Điều này làm cho người đọc thật khó nắm lấy cái "thần" của bài thơ. Nghĩa là, người đọc phải chọn lựa kiểu đọc: đọc để hiểu nội dung thơ hay đọc để cảm nhận cái hay của thơ. Hai chiều tư duy này ngược nhau khiến người quen đọc thơ ngắn (chường 8 đến 10 khổ thơ) rất dễ bỏ cuộc.

Thơ tình lãng mạn (1930-1945) chỉ đọc khổ thơ đầu, ta có thể đoán được các khổ sau, vì tác giả sử dụng cách viết liệt kê ý tưởng, mỗi khổ thơ một ý. Nhưng với "Bài Nhã ca tháng Giêng", bạn khó mà chia bố cục để tìm những ý chính, ý phụ theo kiểu tư duy logic. Tôi có cảm giác bài thơ chưa kết thúc, nghĩa là, thơ vẫn dào dạt "Chảy miệt mài, như vỡ đập, tràng giang". Cũng có thể là tôi còn muốn đọc thêm nữa vì thơ hay. Ai có thể ngăn được những xúc động trong tim mình khi bài thơ đem đến những cảm xúc tuyệt vời! Thú thực, đọc đến khổ thơ này thì tôi phải dừng lại mà thốt lên: tuyệt bút.

Từ sáng sớm, đến xế trưa, chiều tối
Đâu cũng Xuân tươi, rực rỡ quỳ vàng
Chảy miệt mài, như vỡ đập, tràng giang
Hoa trái ngọt lành, liên chi hồ điệp


Gọi là "tuyệt bút" vì toàn là "sự lạ". Đến "chiều tối" mà xuân vẫn tươi rực rỡ! Câu thơ thứ nhất tạo nhịp: "Từ sáng sớm, đến xế trưa, chiều tối" để dẫn đến câu thứ ba thì Xuân "Chảy miệt mài". Hàn Mạc Tử chỉ nhìn thấy "bóng xuân sang" trên dàn thiên lý, không diễn tả được cái mạch chảy mạnh mẽ của xuân "như vỡ đập, tràng giang".

Mạch chảy của xuân là mạch chảy thời gian, vô hình, lại được hình tượng hóa bằng một so sánh: "như vỡ đập, tràng giang", điều ấy lạ lùng lắm chứ. Lạ lơn nữa là, "tràng giang, vỡ đập" mà nước không tràn, không gây tai họa, và hình ảnh "tràng giang" buồn trong thơ Huy Cận (bài Tràng giang) được chuyển hóa thành nhịp điệu xuân vui vô bờ. Hóa ra Lê Đình Bảng chỉ lấy cái nhịp "vỡ đập" mạnh mẽ và lấy dòng chảy vô biên của "tràng giang" để diễn tả nhịp điệu của mùa xuân vui. Lê Đình Bảng đem vào thơ cái "tráng khí" phương đông của thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ[8]. Mùa xuân rực rỡ hoa quỳ vàng. Mùa xuân, hoa trái ngọt lành bất tận ("liên chi hồ điệp" là nối tiếp nhau bất tận). Hai từ Hán-Việt: "tràng giang" và "liên chi hồ điệp", làm cho khổ thơ dân dã trở nên sang trọng, vừa cổ kính vừa mới mẻ.

Câu thơ "Hoa trái ngọt lành, liên chi hồ điệp" sử dụng phép tiểu đối lạ. Nửa vế trước (Hoa trái ngọt lành) là từ thuần Việt, nửa vế sau (liên chi hồ điệp) là từ Hán Việt. Nếu không có dấu phẩy (,) ngắt câu thơ làm hai vế thì không thể viết "Hoa trái ngọt lành liên chi hồ điệp", bởi "liên chi" là cành liền cành, "hồ điệp" là bươm bướm. Hai danh từ này không thể đứng sau tính từ "ngọt lành". "Liên chi hồ điệp" trở thành một tính từ, có chức năng ngữ pháp tương đương vời tính từ "ngọt lành", tạo nên một vị ngữ kép trong câu, làm tràn trề ý tưởng. Đó là chỗ tinh tế rất mực tài hoa của Lê Đình Bảng.

Thứ hai, trở lại việc giấu kín cấu trúc bài thơ của Lê Đình Bảng, vậy bài thơ được thiết kế thế nào để trở thành một cấu trúc "tư tưởng-nghệ thuật" hoàn thiện?

Bài thơ mở đầu bằng một lời mời gọi ở hiện tại: "Đêm nay, nhớ chong đèn, chờ nhau nhé/ Đốt trầm lên...", sau đó là những khổ thơ liên tưởng (không phải hiện thực trước mặt "đêm nay"), lý giải vì sao lại chong đèn chờ nhau. Xin chú ý những từ nối mở đầu khổ thơ: "bởi, có, của, từ..."

Đêm nay, nhớ chong đèn, chờ nhau nhé
Đốt trầm lên, vây lút cả ngai toà
Bởi đầy trời, rộn rã tiếng hoan ca
Và nhật nguyệt kết đôi vầng sáng rỡ

Có sênh phách rước hòm bia Thiên Chúa
Khắp bờ vui, vui nối nhịp, thêm lời
Của dậy thì tươi trẻ mãi đôi mươi
Của rạo rực và nồng nàn nhan sắc

Từ mưa móc giữa ban ngày, ban mặt
Từ thơm tho, đêm trừ tịch, giao thừa
Lạy Chúa Trời, trong vườn cấm, ban sơ
Cơn cám dỗ buổi đầu đời, tội lỗi?...


Nhà thơ dẫn người đọc từ hiện tại, ngay lập tức ngược về "thuở ban sơ" nơi vườn Eden (Sáng thế ký), và sống với những sự kiện vĩ đại của thời Cựu ước: đêm nay "Có sênh phách rước hòm bia Thiên Chúa"[9].

Sau đó là những liên tưởng bất tận của nhà thơ về những cảnh sắc, đời sống và những sinh hoạt, lễ hội mùa xuân (tháng Giêng, Hai) nơi quê hương. Bầu khí dân tộc và cảm thức thánh thiêng trong các lễ hội quyện vào nhau (tác giả không miêu tả cụ thể lễ hội ở nhà thờ hay đình chùa nào mà chỉ ghi nhận cái đẹp văn hóa của đời sống tinh thần Việt trong những tháng Giêng, Hai:

Sao, ngây ngất những chín vàng, chín vội
Lúa Giêng, Hai vừa chơm chớm trổ đồng...
...Theo mẹ, theo cha đi đám cỗ làng
Rượu nếp cái hoa vàng, mật ong chúa

Bốn phía cổng thành, đông tây, cờ mở
Trẻ đùa chơi bên hang rắn lục, hổ mang...

Người đông ken, những áo lục, quần điều
Để cầu may, cầu phước, tiết nguyên tiêu...
Ai son sẻ, được sinh năm, đê bảy...
Con cháu đầy đàn, nhiều như bụi cát
Kìa manna, mưa trắng xoá bầu trời
Chim cút đâu về, đậu kín sân phơi
Trăm họ một nhà, ới nhau trẩy hội...


Khổ thơ cuối nhà thơ nhắc lại em: "Đừng quên nhé, đừng ngủ quên, mê thiếp", rồi lại liên tưởng mênh mang.

Thành ra, nội dung bài thơ chỉ là một lời mời gọi, nhắc nhở em:"Đêm nay, nhớ chong đèn, chờ nhau nhé; Mình đợi nhau, khi giáo đường cửa mở/ Vào lúc nửa đêm; Cùng đến cửa ngọ môn nhà Chúa; Đừng quên nhé, đừng ngủ quên...".

Những lời mời gọi, nhắc nhở ấy chưa diễn ra trong thực tại ("đêm nay"), nhưng thế giới thơ Lê Đình Bảng đã bay bổng khắp bầu trời Cựu Ước, cùng Davit, và 12 chi họ Israel rước hòm bia Thiên Chúa; đã chan hòa trong mọi nẻo cội nguồn văn hóa Việt, in rất đậm trên khắp cánh đồng lúa xanh tươi, nơi vườn cây trĩu quả, và xóm làng đông ken lễ hội.

Bài Nhã ca tháng Giêng là một lời hò hẹn tình yêu rất lạ, lạ lắm so với thơ tình lãng mạn (1930-1945), như kiểu thơ: "Yêu là chết ở trong lòng một ít" [10], hoặc "Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở"[11]. Lứa đôi hẹn nhau vào lúc nửa đêm, khi giáo đường mở cửa, để cùng đến trước ngọ môn nhà Chúa. Vì nơi ấy "là địa đàng, mở cảnh tràng sinh". Nhạc thơ cất lên hòa âm bản hoan ca trường sinh. Vườn địa đàng của Adam xưa đã được tái sinh, và tình yêu lứa đôi mở ra trong tình yêu Thiên Chúa (Đó cũng là cảm thức của sách Nhã ca mà tác giả, vua Sa-lô-môn muốn gửi gắm?).

Những lời hò hẹn tình yêu ấy cũng là diễn ngôn, là phẩm chất thẩm mỹ-tư tưởng của thơ Lê Đình Bảng được chiếu sáng bởi Mỹ học Ki tô giáo (còn nhiều điều tôi chưa trình bày ở đây). Và điều quyễn rũ của thơ Lê Đình bảng với mọi người đọc Việt (dù là bên lương) là chất dân tộc thể hiện ở những tứ thơ thuần Việt, của hồn Việt tinh ròng, ở ngôn ngữ Việt trong như pha lê, và ở cái tâm tình cộng đồng làng quê (khác hoàn toàn với Cái Tôi cá nhân chủ nghĩa trong thơ Lãng mạn).

Sao, ngây ngất những chín vàng, chín vội
Lúa Giêng, Hai vừa chơm chớm trổ đòng
Nước với thuyền nghiêng. Chim én sang sông...
...Bốn phía cổng thành, đông tây, cờ mở
Trẻ đùa chơi bên hang rắn lục, hổ mang
Quà cưới cho em: xuyến ngọc, kiềng vàng
Bồ câu mới ra ràn, chưa chạm đất

Nghe suối chảy, dưới chân mình nảy hạt
Người đông ken, những áo lục, quần điều...


Thú thục tôi không thể nói được điều gì hay hơn những tứ thơ tuyệt đẹp, những lời thơ
châu ngọc, những cảm xúc mênh mang, những vỉa tầng văn hóa giàu có trong những khổ thơ trên (bởi đọc thơ thuần Việt là cảm nhận trực tiếp, tuyệt đối tránh diễn giải). Vâng, cả tôi và bạn đếu sững sờ trước những tứ thơ rất đẹp, những khám phá mới lạ và những cách diễn đạt tuyệt với chỉ có trong thơ Việt. Tứ thơ, nhạc thơ này quen mà lạ đến diệu kỳ: "Nước với thuyền nghiêng. Chim én sang sông..."; giống như quê hương ta, quen mà lạ từng giờ...

Thứ ba, nếu bạn đọc để ý, Lê Đình Bảng đã tiếp cận với nghệ thuật đương đại (thủ pháp Hậu hiện đại) khi phá vỡ bốn yếu tố cột trụ của một tác phẩm truyền thông là cấu trúc, nhân vật, thời gian và không gian. Về cấu trúc, như đã phân tích ở trên, người đọc không thể nhận ra những cột, kèo, giềng, mối làm nên tác phẩm (vì thế, tác giả còn có thể viết tiếp bài thơ bằng những liên tưởng). Về nhân vật, cả hai nhân vật nhà thơ và "em" không hiện hình, họ đứng ngoài bài thơ, người đọc chỉ nghe tiếng nói của họ ("Em ôm đàn, ta gõ nhịp, tung hô/ Đêm nhã nhạc. Đêm nghê thường, trọng vọng"). Không gian và thời gian được làm mờ đi. "Cùng em đến cửa ngọ môn nhà Chúa", vậy "cửa ngọ môn nhà Chúa" là ở đâu? "Nghe suối chảy, dưới chân mình nảy hạt/ Người đông ken, những áo lục, quần điều" là ở nơi nào (tôi đoán chừng là chùa Hương! Thôi đi, đừng đóan mò, vì thơ chỉ gợi mà không tả, để hình tượng tự kết đọng trong tâm người đọc). Vì tiếp cận nghệ thuật đương đại, bài thơ đã bỏ xa thế giới nghệ thuật của Hàn Mạc Tử, nó sẽ có sức sống lâu dài...

Xin tạm kết đôi điều. "Bài Nhã ca tháng Giêng" là một bài thơ tình rất lạ nhờ kết hợp hai cội nguồn thơ ca là Kinh thánh và truyền thống văn hóa, thi ca dân tộc. Nhà thơ Lê Đình Bảng viết tiếp Nhã ca của vua Sa-lô-mon trên nền thi ca Việt, tạo nên một áng thơ tình có vẻ đẹp và phẩm chất khác hẳn thơ tình Lãng mạn Việt Nam [12], dù thơ Lê Đình Bảng vẫn nằm trong dòng chảy thơ Việt truyền thống. Bài thơ cũng hiển lộ những đặc điểm phong cách thơ tài hoa của Lê Đình Bảng.

Xin chúc mừng "Bài Nhã ca tháng Giêng" đẹp lộng lẫy trong lễ hội mùa xuân thi ca dân tộc. Kính chúc nhà thơ Lê Đình Bảng nhiều niềm vui (và xin mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ cảm nhận về bài thơ).

Nguyên Tiêu Giáp Thìn, Tháng 2/ 2024 - Bùi Công Thuấn

[1] Sách Nhã ca (Diễm ca)-Bản dịch của Những giờ kinh phụng vụ
https://augustino.net/kinh-thanh/cuu-uoc/sach-diem-ca/8

[2] Lê Đình Bảng-Hành hương: https://buicongthuan.wordpress.com/2021/06/04/le-dinh-bang-hanh-huong

Lê Đình Bảng-Lời tự tình của bến trần gian:
https://buicongthuan.wordpress.com/2021/06/12/le-dinh-bang-loi-tu-tinh-cua-ben-tran-gian

Lê Đình Bảng-Quỳ trước đền vàng:
https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/tho-le-inh-bang-quy-truoc-en-vang-tac.html

Lê Đình bảng-Kinh buồn: https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/kinh-buon-va-hanh-trinh-tu-tuong-cua-le.html

Lê Đình Bảng-Ơn đời một cõi mênh mang:
https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/ve-ep-van-hoa-cong-giao-trong-tho-le.html

Lê Đình Bảng-bài thơ Hành hương
https://www.vanthoconggiao.net/2022/02/nhung-mien-que-huong-tuyet-voi-ky-la.html

Lê Đình Bảng-bài thơ "Chuyện hoa xoan...mùa thương khó"
https://www.vanthoconggiao.net/2022/03/hoa-xoan-mua-thuong-kho-tac-gia-le-inh.html

[3] Xin mượn chữ nhà Phật.

[4] Hoàng Cầm-Bên kia sông Đuống

[5] Hàn Mạc Tử-Đây thôn Vĩ Dạ

[6] Thảo quả, hoa hồi: Thảo quả thuộc họ Gừng. Hạt thảo quả có mùi thơm đặc trưng. Người ta chưng cất thảo quả để lấy tinh dầu làm hương liệu và làm gia vị. Hoa hồi có nguồn gốc từ Trung Quốc và đông bắc Việt Nam Hoa hồi là loài gia vị có mùi thơm đặc trưng.

[7] Xin đọc Đất Nước, chương V-Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm

[8] Lý Bạch: "Duy kiến trường giang thiên tuế lưu"(Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

Đỗ Phủ: "Bất tận trường giang cổn cổn lai" (Đăng cao)

[9] Hòm bia Thiên Chúa- Vua Đa-vít quy tụ 30 ngàn quân lính Ít-ra-en, từ Ba-a-lê Giu-đa, đi với toàn dân lên đường để đón Hòm Bia Thiên Chúa lên thành vua Đavit (Sách Samuen 2, chương 6)

[10] Xuân Diệu- bài thơ Yêu

[11] Hồ Dzếnh-Ngập ngừng

[12] Xin đọc mùa xuân trong "Vội vàng" của Xuân Diệu