Thần Khúc-Địa Ngục-Ca Khúc X-Ngục hình u uất-Đình Chẩn biên dịch

Anne de Jesu
Thi hào Đăng Thế An (Dante Alighieri)

Ca Khúc X: Ngục hình u uất



Đình Chẩn biên dịch

Đây là một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, thể hiện độ nén của chủ đề, vẻ đẹp văn chương và tứ thơ đẹp.

Hai gương mặt lớn hiện lên trước nhà thơ bên cạnh nấm mồ đầy lửa dành cho những kẻ lạc giáo. Một viên đội trưởng phe Đen nổi lên biểu tượng cho giá trị và sự bao dung dân sự; và một người cha của “người bạn đầu tiên” và bậc thầy thơ ca, của học vấn và những lý tưởng xuất hiện trên sân khấu cùng với sự hiện diện sống động, những lựa chọn, những chia cắt đau thương.  Cha của Quý Đô hỏi thăm về đứa con, cũng là bạn của tác giả:

                        Con bác đâu...?

Sao nó lại không đi...?”

Phan Rinh (Farinita) và Quý Đô (Quido), dù không xuất hiện cũng vẫn là vai diễn thứ hai thực sự của ca khúc. Và thi sĩ đã trả lời: Quý Đô chắc thích chơi ngông khinh thường. Khinh thường chính là tính cách cao ngạo: Đứng phắt lên, hếch cằm, ưỡn ngực/Như khinh cả địa ngục trầm luân. Đó là tư thế của Phan Rinh đã chống lại tất cả để bảo vệ thành Phirenxê. Sự cao thượng với những giá trị cao quý của tâm hồn cũng không đủ để cứu thoát người ta; cũng như tài trí cao vời của Quý Đô cũng không đủ để cứu thoát cậu ta.

Trong Thần Khúc, không phải là đức tính cao thượng có thể cứu con người. Thực vậy, Phan Rinh đã xuất hiện chìm đắm trong sự bất hạnh, trong cay đắng và u tối. Chính trên khung cảnh này tác giả giới thiệu tiếp gương mặt thứ hai, Quách Văn Tề (Canvalcante). Ông hoàn toàn đơn độc, không được nhìn thấy con trai mình. Tầm nhìn của họ chỉ giới hạn ở những giá trị trần gian nên một khi những giá trị phù vân qua đi thì họ cũng trắng tay.

Tuy nhiên, ca khúc này liên quan tới những kẻ lạc giáo. Lạc giáo không chỉ là khía cạnh lý trí nhưng còn là thái độ tâm hồn: cao ngạo. Như thế, ca khúc làm nổi bật ba ý: lạc giáo, cao ngạo và khinh mạn, tất cả đều kết thúc trong bất hạnh. 




1
Theo một đường bí mật
Thầy trò gắng vượt qua
Ngục hình u uất
Thành ngục kín rì
2
Tôi cất lời: “Bạch minh sư
Dẫn con theo lối chân như an bình
Vượt qua vòng ngục khiếp kinh
Xin cho con biết sự tình ngoài kia
Sao mồ lổm nhổm lạ kì
Liệu con xem được chút gì hay chăng
Mồ bật nắp, không người canh
Hay bẫy quỉ…lũ ma ranh hại người ?”.
3
Thầy rằng: “Được, con ơi xem nhé
Cửa mồ sẽ bị khoá đời đời
Khi từ Do-Xét[1] phán lời
Hồn sầu tái hợp xác rời rã xưa.
Ngục tha ma tréo tru bọn chúng
Thầy Khoái Lạc[2] với nhóm môn sinh.
Xác phàm chết với vong linh
Đời đời kiếp kiếp ngục hình khóc than.
Nhưng chuyện con băn khoăn mới hỏi
Bước vào đây! Lời giải có ngay
Cả điều con giấu xưa nay
Rõ tựa ban ngày tiết lộ cho con”.
4
Tôi thưa: “Sợ đa ngôn đa quá
Con mới không dám ngỏ đầu đuôi
Lòng con Thầy rõ mười mươi
Mành mành che được mắt người thánh đâu”.
5
Chợt có tiếng nao nao vẫy gọi:
“Người Tốt Ca[3] í ới khiêm cung
Hoả thành nhịp bước ung dung
Đến đây xin hãy vui lòng dừng chân
Tiếng vang thánh thót vô ngần
Chắc dòng cao quí, bậc trâm anh rồi
Quê hương uất nghẹn than ôi
Một thời vang bóng, một thời đáng quên!”
6
Ấy những lời vang lên bất giác
Tiếng rì rầm vọng ngục thê lương.
Giật mình, lùi sát thầy hơn
Thầy rằng: “Quay lại! Sao cơn cớ gì ?
Kìa Phan Rinh[4], rầm rì dưới đó
Trong huyệt mồ, đứng lộ nửa thân”




mộ Phan Rinh

7

Tôi liền đưa mắt
Hắn quắc chằm chằm
Đứng phắt lên, hếch cằm, ưỡn ngực
Như khinh cả địa ngục trầm luân.
Minh sư bèn khoát tay uy lực
Đẩy tôi lên gần sát cửa mồ
Dặn tôi nói: “Khiêm tốn, đơn sơ !”
Tôi bèn đến gần bờ huyệt mả.
8
Hắn liền đổi giọng kiêu căng:
“Nhà ngươi con cháu bà chằng nhà ai ?”
Chiều lòng hắn, tôi bèn khai
Họ hàng hang hốc không sai ngọn nghành.
Hắn liền nổi tam bành quát tháo:
“Ôi bọn chúng bố láo phản ta
Họ hàng phe đảng tư gia
Hai lần ta đuổi chúng tha phương rồi!”.
9
Tôi rằng: “Họ hồi hương thôi
Lần sau nối tiếp lần hồi tiếp theo.
Ôi tình cảnh, thật trớ trêu !
Nhưng đời là thế, phải liều lắm khi.
Phe ngài sao chẳng kiên trì
Học thêm kế ấy có khi ngon rồi !”
10
Cửa mồ chợt nhoi ra khi ấy
Bóng hồn ai như phải rướn quỳ
Trông cao ráo, vẻ uy nghi[5]
Mắt nhìn như hỏi ai đi chung đường
Khi hay sự thật tỏ tường
Tiêu tan hi vọng, thảm thương lệ ròng:
“Nhờ ân đức vô song
Cháu được thăm ngục tối
Con bác đâu...?
Sao nó lại không đi...?”



Quách Văn Tề và Phan Rinh


11
“Ôi riêng cháu...biết làm chi?
Không Thầy đưa lối huyền vi đừng hòng.
Bác ơi, bác có biết không
Quý Đô[6] chắc thích chơi ngông khinh thường”
Hồn nghe vật vã đau thương
Tôi sáng tỏ chút nhìn đường suy nghĩ.
10
“Ngươi nói gì?
Nó đã…?
Không còn sống?”
Hồn lập tức kêu rống lu loa:
“Mắt nó không thấy mặt trời nữa?”[7]
11
Thấy tôi mãi chần chừ tư lự
Đứng ngây ra không chịu trả lời
Hồn ngã xuống như cây chuối đổ
Hết ngóc lên giữa vũng lệ rơi.
12
Không ngờ khi ấy
Hồn kia vẫn đứng nghiêm
Đầu thẳng đét treo mặt lạnh như tiền
Lại thả sóng nối mạch xuyên câu chuyện:
“Nếu chúng không học thêm điêu luyện
Thì ta càng miên viễn khổ hơn.
Nhưng không kém năm chục lần[8]
Hằng nga toả rạng dương trần khói mây
Nghệ thuật kia khó thay đâu dễ !
Quen thói rồi rõ khổ ai hay !
Ngươi còn về cõi xum vầy
Nói ta nghe: họ hàng này cớ sao
Đảng phái ghét đồng bào cũng ghét
Quá ác tâm tru diệt nhà ta ?”
13
Tôi rằng: “Đẫm máu xót xa
tương tàn nhuộm đỏ Ác Bia[9] trôi dòng
Tiếng than thê thảm thánh đường”.
Lắc đầu ngao ngán hồn vương thở dài:
“Không vô cớ nhiều người xung chiến
Không riêng ta nhưng chỉ mình ta
Xuất đầu lộ diện xông pha
Mong cho làng nước mọi nhà bình yên
Nhưng bọn chúng phát điên phá nát
Thành tan hoang đau xót vô cùng!”
14
Tôi tiếp lời: “Nguyện lòng chung
Cho con cháu được sống cùng an vui
Làm ơn xin giúp đôi lời
Điều lòng suy nghĩ rối bời bấy nay.
Hình như Ngài biết tương lai
Những điều xảy đến những ai thế nào?”.
Hồn bèn đáp: “Ôi chao rất tiếc !
“Như viễn thị bọn ta tất vậy thôi !
Gần mù tịt, xa xa xôi
Thoáng tia rơi rớt chiếu soi mập mờ.
Thân ngươi đấy thấy mà không thấy
Có điều này ngươi phải gẫm suy
Trí khôn ta sẽ hư đi
Trong ngày sập cửa âm ty muôn đời”.
15
Lẳng lặng nghe bấy lời oán thán
Lòng tôi thấy ân hận phân trình:
“Xin Ngài nói giúp thanh minh
Cho hồn nãy hỏi tình hình con trai.
Rằng cậu ta vẫn oai vệ sống
Dù thân này đứng lặng không thưa
Vì lòng đang mải suy tư
Điều Ngài vén mở lạ kỳ phút giây”.
16
Thầy liền nhắc tôi ngay lập tức
Hỏi âm hồn thêm chút cho mau
Những ai cùng chuốc ngục sầu
Hắn rằng: “Tính cả trước sau hàng ngàn:
Này Phê Đích[10] xưa hàng đệ nhị
Còn nhiều nữa, có cả Hồng y”.
Thoắt hồn biến mất tức thì
Theo Thầy tôi lặng nghĩ suy trở về.
Gẫm những lời hai phe địch thủ
Cùng Thầy bước trên mé vực sầu.
17
Thầy rằng: “Tâm trí con đâu?”
Tôi thưa Thầy khẽ gật đầu an tâm.
Thầy khôn ngoan âm thầm nhắn nhủ:
“Khúc thăng trầm con nhớ khắc ghi”
Thầy chỉ tay, lại châu phê:
Khi nào diện kiến trước khuê nhân hiền
Mắt Người xuyên thấu cõi huyền
Hành trình tiếp bước, sẽ truyền cho con”.
18
Theo chân thầy bước sang bên tả
Rời tường thành, hướng phía trung tâm
Dọc con hẻm xuyên qua thung lệ
Mùi xú uế xông toả nặc nồng.

[1] Giô-sa-phát: thung lũng gần thành Giêrusalem, theo Kinh Thánh, là nơi sẽ diễn ra cuộc phán xét chung (x. Gioel 3,2; Mt 25,31).

[2] Thầy Khoái Lạc: ý nói triết gia Epicuro (341-270 TCN) người Hi Lạp, là thuỷ tổ của những kẻ từ chối sự bất tử của linh hồn, vì ông chủ trương một đời sống hưởng lạc cuộc đời này thôi.   

[3] Tốt Ca: Vùng Toscana, quê hương của Dante cũng là nơi gợi lên tất cả cuộc đời Phan Rinh.

[4] Farinata: nhân vật chính trị thuộc phe Ghibellini. Đó là phe ủng hộ đế quốc có quyền trên Giáo hội; đối lập với phe Guelfi ủng hộ Đức Giáo hoàng hướng tới sự đồng thuận giữa nhà nước và Giáo hội. Là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các cuộc xung đột giữa hai đảng phái. Năm 1283, Phan Rinh bị kết án theo lạc giáo, (khi Dante lên 18 tuổi), với bản án sau khi chết.

[5] Canvalcante, cha của Quí Đô (nói sau đây). Ông cũng bị kết án như Phan Rinh vì tội theo lạc thuyết Epicuro.

[6] Quí Đô: Guido là con trai của Cavalcante, là nhân vật trí thức thời Dante, cũng theo lạc thuyết Epicuro.

[7] Ba câu hỏi liên tiếp diễn tả nỗi đau tột độ. Đối với người cha, quí tử Quí Đô là tất cả. Mất con chẳng khác nào ông chết lần thứ hai.

[8] Tức 50 tháng.

[9] Arbia: Dòng sông ở Phirenxê đã vấy máu bởi những cuộc xung đột.

[10] Federico đệ nhị, hoàng tử của vua Henry VI và hoàng hậu Costanza xứ Altavilla, qua đời năm 1250. Đó là một gương mặt nổi bật vào thế kỷ XIII.