Thần Khúc Địa Ngục- Ca khúc XIII-Rừng tự tử-Thi hào Dante Alighieri-Đình Chẩn biên dịch

VTCG
Thi hào Đăng Thế An (Dante Alighieri)


Ca Khúc XIII: Rừng Tự Tử


Rời dòng sông máu, Đăng Thế An và Vinh Dự Lưu đi vào một cánh rừng lớn, ngục giam những kẻ bạo lực chống lại chính mình. Cánh rừng này, duy nhất trong tất cả Địa Ngục, cách nào đó là chủ đề chính của ca khúc: rừng cây là khung cảnh, song mỗi cây cũng lại là một thân xác của một tội nhân, họ tự tử, tự vứt bỏ thân mình nên chúng biến thành thực vật.

Khu rừng mù mịt không có lối đi là dấu hiệu phi nhân. Đăng Thế An đã tái hiện cảnh những người tự tử, tuyệt vọng, xoắn trong những gốc cây. Tội ghê rợn này đảo lộn và xé nát công lý, lý trí, tình yêu sự sống ngay trong thâm tâm con người và dẫn đến hành động bất công tột cùng chống lại chính mình.

Trong rừng hoang chết chóc này, tác giả trình bày quan niệm Kitô giáo về tội tự sát như là sự bất công tột cùng trước tình yêu tột cùng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đạo đức phái khắc kỷ biện minh trong một số trường hợp tự tử, tán dương nó như là mẫu gương cao thượng “thà chết vinh hơn sống nhục”.

Cảnh gặp gỡ bất ngờ dường như vọng lại cảnh anh hùng ca của Vinh Dự Lưu. Điều tạo nên kịch tính trong cảnh này chính là giá trị đạo đức của sự biến đổi: họ tự ý từ chối phẩm giá cao cả và tự hủy hoại thân thể mình.

Nhân vật Phi Rồ, dường như là vô tội dù mang tất cả những nét lịch sử tính nhưng cũng là hình ảnh tương phản của thi sĩ. Phẩm giá của Phi Rồ được diễn tả qua lòng trung tín của anh dù không đủ làm cho anh ta vượt qua được.

Tiếp theo câu chuyện này, sẽ là cuộc phán xét chung ngày tận thế, khi các linh hồn hợp lại xác mình, tuy nhiên, những kẻ tự sát thì thân xác mãi biến thành cây cối trong rừng hoang này. Một sáng tạo độc đáo khi suy tư về cái tự sát của Giuđa và sự tuyệt vọng mà ông ta tự trói vào mình.


1

Tên Nẹt Số[1] chưa tới bờ bên kia
Thầy trò tôi đã vào khu rừng rú
Lạ không thấy vết chân người
Toàn một màu xám xị
Không lá xanh, cành cong queo quái gở
Cây chẳng quả, toàn gai độc nhe nanh
Rừng hoang nào khắc nghiệt gay đến thế
Ác thú cũng bỏ đi!
2 …*+*…
Tôi lại thấy tổ chim Ác Phi[2]
Xưa đuổi dân Tơ-roa[3] cút khỏi thành Tro Phát[4]
Chim có cánh, cổ mặt người như thật
Móng vuốt chân, bụng lông tủa phình ra
Chúng rên rỉ trên cành cây quái lạ
Tôi linh cảm có điềm ghở thây ma.
3 …*+*…
Thầy liền nhắc: “Này con, đây hốc thứ hai
Ở đấy cho tới khi bước vào cồn cát ghê tởm
Nhưng nhìn xem, con hết tin lời thầy”
4 …*+*…
Chao ôi! Tứ phương bật lời than khóc
Nhưng lạ thay không thấy một bóng người !
Tôi bàng hoàng dừng lại ngay tức khắc
Đoán chừng Thầy nghĩ tôi sẽ tin ngay
Tiếng khóc than nghe não nùng u uất
Từ đám hồn ẩn nấp ở lùm cây.


5 …*+*…
Âm hồn lẩn tránh đâu đây ?
Thầy bèn nhắc: “Nếu ra tay chặt cành
Một vài nhánh nhỏ mong manh
Tư tưởng sẽ thoát khỏi vành thôi miên”.
6 …*+*…
Thế là tôi khoắng tay liền
Bẻ thân cây ngấy cành viền trước tôi
Nó kêu: “Sao dám hại người?”
Cành kêu tách tách, máu hơi đen trào.
7 …*+*…
Cây càng rú: “Lại đánh tao?
Ngươi không còn chút lòng nào xót thương?
Ta là cây, vốn người dương
Tay ngươi một chút nhẹ nương xem nào
Dù hồn rắn rết thân tao!”
8 …*+*…
Như củi tươi một đầu bốc khói
Còn đầu kia gió chảy tái tê
Trông cành gẫy
Nhuốm máu não nề
Tôi kinh hãi
Run lặng run buông vội.
9 …*+*…
Thầy lên tiếng: “Hỡi hồn tổn thương ơi
Nếu từ đầu nó tin lời ta nói
Thì tay nó đã không hại thân ngươi
Nhưng vì điều không thể tin, ta mới
Sai nó làm, lòng ta cũng bi ai.
Ngươi là ai, nói nó hay
Khi trở về dương thế
Sẽ đền bù nhắc nhớ không quên!”.
10 …*+*…
Cây than: “Ngươi nói tri ân
Lòng ta không thể nào câm cho đành.
Chớ phiền, ta trút tâm can
Ta từng nắm giữ đôi tràng khóa to.
Cửa lòng hoàng đế Đích Ngô[5]
Dễ dàng đóng mở, không lo gian tà
Bí mật Người lộ riêng ta;
Trung thành tuyệt đối, vinh hoa cho Người.
Muội mê mê muội tiêu đời
Thói ghen đố kị khắp nơi mãng xà.
Đảo điên khắp điện Xê Da
Chết thì chung cả, nọc xà riêng cung.
11 …*+*…
Chống ta, bọn chúng khơi bùng
Vương triều Ông Tốt[6], lửa đùng lan qua.
Danh thơm bỗng hóa đưa ma
Bao niềm uất ức, hồn ta cay đời
Tìm thần chết, giải oan chơi
Chống mình vô tội thành người bất công.
Ta thề luôn mãi một lòng
Với lãnh chúa, trước muôn phần gốc đây
Đó là vinh dự xứng thay !
Một trong hai, nếu nay mai trở về
Hãy hồi tưởng lại, nhớ nghe
Những đòn đố kị vẫn ghè trên ta”.
12 …*+*…
Chờ một lát, thầy thi sĩ cất lời:
“Hắn ngưng rồi…
Cơ hội đừng bỏ lỡ
Con hỏi xem, muốn biết nữa hay thôi”.
Tôi liền thưa: “Xin thầy thương hỏi giúp
Những điều gì hữu ích cho con
Con không thể, vì lòng đầy thương xót”
13 …*+*…
Thầy rằng: “Cho thỏa ước ao
Điều ngươi mong muốn thì nào hồn ơi
Vui lòng thêm nữa đôi lời
Sao thân cây dính hồn ngươi thế này
Ngươi còn nói được không đây
Bao giờ hồn thoát ra ngoài cây không?”
Tiếng nghe than thở não lòng
Như cơn gió nhẹ long bong rợn người:
14 …*+*…
“Ta xin vắn gọn đôi lời
Khi hồn điên tự tách rời xác thân
Tại mình tự hại dữ dằn
Tay quan Mi Nốt[7] thất hầm quăng rơi.
Rừng hoang rớt xuống chơi vơi
Rơi đâu tùy ý như đời rủi may.
Nảy mầm như cỏ lùng đây
Mọc lên hoang dại thành cây man tàn.
Điểu Phi đớp mổ ăn càn
Tái tê rúc mỏ rỉa ngàn đớn đau.
Xác hồn tái hợp mai sau
Hợp thêm oan nghiệt, siết nhau khổ vào.
Thân mình tự vứt hôm nao
Tử thi lôi quẳng ngay vào rừng gân
Từng cây bó nhập xác thân
Bóng mờ dính chặt hồn dằn dữ trôi”.
15 …*+*…
Thầy trò đang mải nghe lời
Tưởng hồn nói tiếp chưa thôi phím chùng.
Bỗng nghe tiếng réo hãi hùng
Như thợ săn thấy lợn rừng bủa vây
Tứ phương sói sủa một bầy
Tréo tru inh ỏi, rừng cây xạc xào.
16 …*+*…
Hai người bên trái rừng lao vào trần truồng tơi tả
Vụt lao sầm sầm nghe cây đổ tan hoang
Một tên hô: “Cứu ta với! Thần chết ơi!”
Tên kia như quá chậm thời cũng gào thét:
“Hỡi Lãng Xẹt[8], chân ngươi thật khôn lường!”
Hắn lao hoá đống bụi chằng phía sau lúc nhúc
Rừng rú lên như bị sốc cau có thê lương.
Sói đen đói rượt đuổi theo vùn vụt
Như lang khuyển bung đứt xích xiềng
Nhe răng phanh thây xé xác, khôn lường kinh tởm.
17 …*+*…
Thầy trò tôi vội đến bên cây đang khóc tỉ ti
Vết thương tuôn máu không gì cản ngăn.
“Ôi Gia Cóp[9]”, hắn than thân:
Ích gì ngươi đến trú gầm trong ta?
Hại gì ngươi phải xấu xa?”
Thầy tôi liền đến lân la sự tình:
“Sao ngươi thương tích đầy mình
Lời than nhuốm máu, thực tình là ai?”
18 …*+*…
Cây thưa: “Này hỡi hồn ơi
Nhìn xem bao nỗi cực đời ác tâm;
Thân ta trụi lá trơ gân
Nhặt giùm gom lại dưới thân gốc này.
Ta dân thành đã đổi thay
Phế thành hoàng, nhận quan Thầy Gioan;
Thành hoàng nổi giận tan hoang;
Trên cầu sông Áp mảnh tàn khắc bia
Chút hình vị thánh nhân kia
Dân thành sau đó tham gia phục hồi
Trên tro tàn ở Ách-Tôi[10]
Uổng công vô ích dân thôi công trình.
Ta treo cổ giữa nhà mình”.
19 …*+*…
Dứt lời đường đột sởn mình xót xa
Đời sao lắm nỗi ai ca
Đồng hương nặng nghĩa, lệ nhòa chơi vơi !

[1] Nẹt Số: Nesso-tiếp nối phần cuối ca khúc trước.

[2] Ác Phi: Arpie-là những loài chim quái vật thần thoại, với gương mặt nữ tính, và thân mình giống chim, biểu hiện cho sự điên khùng.

[3] Thành Troy hay Tơ Roa nổi tiếng trong thần thoại Hi Lạp.

[4] Strofade.

[5] Đích Ngô (Federigo).

[6] Hoàng đế Augustô.

[7] Âm quan Mi Nốt (Minos): xem ca khúc V Địa Ngục.

[8] Lano Arcolano: một thanh niên giàu có đã tự tử khi nộp mình cho kẻ thù để không phải chịu cảnh nghèo khổ.

[9] Gia Cóp (Giacopo)

[10] Attila.