Giải Viết Văn Đường Trường Quy Nhơn 2016

vanthoconggiao.net


GIẢIVIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016 – Giáo phận Quy Nhơn
NĂM THÁNH NĂM LÒNG THƯƠNG XÓT

Bùi Công Thuấn


Được đọc 55 truyện ngắn của Giải Viết văn đường trường 2016, tôi xin ghi lại đây những ngẫm nghĩ của mình ở góc nhìn phê bình văn học và mong được chia sẻ với các tác giả. Hy vọng gợi mở được đôi điều về con đường sáng tạo, tuy rất khó nhưng đang rộng mở phía trước.

1.Các tác phẩm dự Giải Viết Văn Đường Trường 2016 viết về nhiều chủ đề, nhưng nội dung hướng về Năm Thánh Lòng Thương Xót thấm trong tư tưởng của nhiều truyện.

Đức Thánh Cha Francis dạy rằng: “Để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa, và sống Năm Thánh dưới ánh sáng Lời Chúa: Chúa Giêsu dạy: “Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36); Người giải thích: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu.” Đức Thánh Cha nói đến những hành động cụ thể của lòng thương xót là: “Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Người đặc biệt nói đến sự tha thứ: “Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha.” (Tông sắc Dung mạo lòng thương xót – Misericordiae Vultus)

Các truyện ngắn viết về chủ đề Lòng Thương Xót ít nhiều tiếp cận được lời dạy của Đức Thanh cha. Hai phía con đường miêu tả Lòng Thương Xót của Chúa đã hóa giải mâu thuẫn bạn bè, làm cho họ trở nên nhóm bạn tốt, tích cực trong việc tông đồ. Bác sĩ Ly trong truyện Ánh sao đêm nghĩ đến Lòng Chúa Thương Xót mà giúp đỡ cho một bệnh nhân phải phẫu thuật. Cô từ chối phong bì bệnh nhân bồi dưỡng. Co còn đóng viện phí cho bệnh nhân. Một đời tạ ơn là câu chuyện của ông Ba Khỏe. Một chứng nhân của Lòng Thương Xót. Đời ông được Chúa ban cho bao nhiêu là ân lộc. 17 tuổi, ông đi bộ đội, Chúa cứu ông khỏi bịnh sốt xuất huyết. Trở về gia đình, ông theo đạo và lấy vợ. Người vợ đầu của ông vô tình trúng mìn chết. Người vợ thứ hai sinh cho ông 10 đứa con: năm trai, năm gái, trong đó có 4 đứa bị câm điếc do di chứng chất độc của chiến tranh. Người ta đàm tiếu nhưng ông luôn vững tin vào Chúa. Ông nhận ra rằng, “Ông càng quảng đại với mọi người thì Chúa càng hậu đãi ông”. và Ông xác tín: “Nếu mình luôn sống gắn bó với Chúa, thì Chúa sẽ luôn phù trợ mọi nơi mọi lúc.”
Hai truyện viết sâu sắc về Lòng Thương Xót Dẫu có muộn màngTâm nguyện cuối cùng. Dẫu có muộn màng kể truyện đời sống hôn nhân của anh chị Thành-Hiền. Họ có 5 đứa con và sống rất hạnh phúc. Họ nhiệt tình tham gia phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. “Chị càng vững tin vào Lòng Chúa Thương Xót thì mọi việc chị làm ngày càng thành công, nhất là việc đi khuyên giải các gia đình bất hòa, ly tán”… Rồi Cha Xứ lập thêm ba cứ điểm truyền giáo, anh chị Thành-Hiền không còn thời gian cho mình nữa. Anh vắng nhà thường xuyên hơn, có khi mỗi tháng đi một tuần hay mười ngày. Thời gian sau Anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Chị xuống tận Cà Mau bốc thuốc cho anh Ngày đêm chị khấn xin Lòng Chúa Thương Xót cứu chữa cho anh. Bất ngờ, qua tin nhắn, chị phát hiện anh Thành có vợ con ở Ban Mê thuột. Họ đã sống với nhau 6 năm. Chị chỉ còn biết khóc và khóc. Không thể nào tha thứ được cho anh, dù anh đã quỳ dưới chân chị mà xin lỗi. Chị im lặng, lòng đầy uất hận. Chị đi xưng tội, nhưng lại bỏ lễ về khi đọc đến Kinh Lạy Cha, vì chị không thể tha thứ. Rồi chị đến tĩnh tâm ở một Nữ Đan Viện. Cha ở Đan viện nói với chị: “Thân phận con người rất yếu đuối, dễ sa ngã. Nếu không có ơn Chúa giúp chúng ta chẳng làm được gì cả. Chị hãy đến với Lòng Chúa Thương Xót, chính Người sẽ dạy cho chị biết phải làm sao”. Chị ngộ ra. “Quỳ trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót, nước mắt chị tuôn tràn…”

Tâm nguyện cuối cùng là câu truyện về Lòng Chúa thương xót làm hồi tâm kẻ hận đời. Nhân vật “Anh” hận đời vì người mẹ ruột của anh giết chết cha anh, chiếm tài sản, rồi đi theo người khác, bỏ rơi hai anh em của anh. Anh phải bươn trải kiếm sống, nuôi em, và bị mọi người nghi oan là kẻ cắp. Anh mất lòng tin vào Chúa. Đã ba năm anh không tới nhà thờ, không đón nhận các bí tích. Anh muốn trả thù đời, nhưng lời trối của ba anh luôn ám ảnh anh. Cả trong giấc mơ, ba anh cũng hiện về nhắc nhở anh thực hiện tâm nguyện của ông:“đừng trả thù, hãy tha thứ, hãy lo cho em thay…b..a”. Ngày giỗ ba anh lần thứ ba đúng vào ngày khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, đứa em rủ anh đi lễ. Anh chần chừ. Đêm qua ba anh lại hiện về, nhắc nhở anh trong giấc mơ, nếu anh không tha thứ thì ông vẫn không được giải thoát. Nghĩ đến Lòng Thương Xót của Chúa, Anh hứa với ba. Có tiếng chuông nhà thờ, anh gọi em dậy đi lễ…
Cả hai truyện: Dẫu có muộn màng Tâm nguyện cuối cùng đều viết vế những tình cảnh thật khó tha thứ, khi sự tổn thương là quá lớn. Chúng ta thấm thía lời dạy của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: 
“…Chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha.”(đd)

2.Chọn lựa đời tu là một ơn gọi nhiều thử thách.

Chủ đề về ơn gọi đời tu, có những truyện mang chất ký. Người trong cuộc thuật lại những gì mình đã trải qua, vì thế nhiều truyện có giá trị thuyết phục.

Truyện Chọn lựa là nỗi trăn trở của một tu sinh, để rồi nhân vật Anh rời mái trường Đại Chủng viện. “Cha giám đốc lặng buồn vì mất đi một ơn gọi, nhưng cha lại thầm vui vì sự chọn lựa trưởng thành”. Chọn lựa đời tu là ơn gọi, nhưng tác giả đã có những nhận định hết sức sai lệch. Tác giả viết:”…vì sợ tiếng đời nên biết bao ứng sinh muốn về nhưng họ không dám về. Họ không dám đối mặt với sự thật, họ sợ người đời chê trách. Anh cũng nhớ lại lời các ông cụ, bà cụ ở làng thường nói mỗi khi gặp anh: “Cố gắng mà đi tu cho sướng con ạ! Ở đời chi cho cực…”. “Có lẽ đó là câu ‘điệp khúc’ quen thuộc mà những ai đi tu ít nhiều cũng đã được nghe. Phải chăng cũng vì nghe điệp khúc ấy, nhiều người cứ dấn thân đại vào đời tu rồi ‘nhắm mắt qua cầu’, tiến chức linh mục. Vui vẻ, hạnh phúc, hồ hởi được vài ngày đầu mới làm linh mục… Nhưng đằng sau những ngày sung sướng ấy là những chuỗi ngày dài lê thê, chán nản, rầu rĩ, buông xuôi. Để rồi từ đó họ cảm thấy hối hận và không thích sống đời linh mục nữa. Chính vì lẽ đó, họ buông thả trong lối sống, hững hờ trong việc đạo đức và quên múc lấy căn tính cội nguồn nơi Đức Giêsu Kitô…Đó là những nguyên nhân khiến họ sa ngã và làm hoen ố giới giáo sĩ“. Tôi nghĩ, một người đã rời bỏ đời tu, không nên có những lời xúc phạm trầm trọng đến những đấng bậc đang dâng mình cho Chúa. Thật đáng tiếc!

Truyện Cành nho của Chúa là một trò chơi thử thách trình độ giáo lý và đức tin của quý thầy. Vâng Phục là một thử thách huyền nhiệm giữa một bên là những hứa hẹn tốt đẹp của cuộc đời, một bên là ước vọng sống đời dâng hiến. Khi tìm giấy tờ để làm hồ sơ xuất ngoại, Hoan nhớ lại việc anh vào tu ở dòng Tên. Trong thời gian thử thách, Anh thuộc top 3 người giỏi, đạo đức. Thế nhưng, sau tháng tĩnh tâm, anh bị cha Giám tỉnh cho về. Quá bất ngời, Hoan hoang mang và căm giận Chúa. Anh bỏ tất cả. Anh xin đi làm cho một công ty nước ngoài và được đi Mỹ. Chính lúc sắp lên đường thì cha Giám tỉnh tìm đến báo cho anh biết: Anh đã hoàn thành thời gian thử thách, mời anh trở lại nhà dòng. Anh nhận ra rằng “mọi điều bất ngờ sẽ luôn đến với anh nhưng anh vẫn phó thác và trông cậy nơi Chúa.

Điểm hẹn GiêsuTìm một con đường là hai truyện nhận ra điều này: Ơn gọi là một huyền nhiệm thông qua sự tác động của tha nhân.

Điểm hẹn Giêsu kể về ơn gọi của Tâm. Tâm rất ghét ba nó vì ông say xỉn. Nó không hề bận tâm về cha. Một lần ba nó ngã xuống ruộng, thằng Huy đưa về, tắm rửa. Nó dửng dung nhìn. Một lần khác, lúc nó và thằng Tâm đang nói chuyện thì chú Thắng báo tin cha nó phải nhập viện cấp cứu. Nó từng mong cho cha chết, giờ lại sợ. Nó đã tiếp máu cho cha, nhờ đó ông qua được cơ nguy kịch. Nó nói với Huy, giờ nó biết thương cha. “nó nhận ra rằng khi một người vấp ngã rất cần đến sự giúp đỡ của người thân. Họ cần có một người hướng dẫn để có thể vượt qua khó khăn và cần có một người bạn đồng hành đáng tin cậy để không còn cô đơn”. Bây giờ nó là ứng sinh. Điểm hẹn của nó là Giêsu. Quả thật, chính Huy là mồi lửa đốt cháy lên ơn gọi của Tâm.

Tìm một con đường là ơn gọi từ sâu thẳm qua một tấm gương sống đạo. Như là cô gái một trong một gia đình khá giả. Học xong Đại học, Như làm việc cho 1 công ty. Nhận ra đời chỉ là phù vân, Như nghĩ đến ơn gọi đời tu. Rồi Như bị tai nạn xe bất tỉnh. Người cứu Như là Tâm, một tu sinh. Một thời gian sau, khi Như cùng ba đi lễ khấn sinh, tình cờ nhận ra người khấn là Tâm, Như tự nhủ: “Phải rồi, mình sẽ đi tu. Mình muốn được dâng mình cho Chúa. Chẳng phải chính Thiên Chúa đã cứu mình khỏi tử thần sao. Chính Ngài đã cho Như cơ hội để gặp gỡ Ngài giữa nghịch cảnh của cuộc đời.” Như nói ý định của mình cho cha mẹ biết. Dù ông bà giận, Như vẫn đi theo ơn gọi vì cô đã “tìm thấy một con đường đến hạnh phúc thật,… là hạnh phúc Nước Trời”. Như vậy, chính trong lúc Như còn phân vân thì Chúa sai Tâm đến. Tâm như một chứng nhân về ơn gọi đã thắp sáng ngọn lửa cháy âm thầm trong lòng Như.

Trong thực tế, chọn lựa đời tu đã khó, nhưng sống đời tu còn khó hơn.

Trong tuyện Thầy Lê Vi, một nữ tu đã phải xưng tội về sự vô cảm của mình khi bỏ rơi một người bị tai nạn bên đường. Đặc biệt trong truyện Con đường ấy, một nữ tu đã rất “thành đạt” trong đời tu lại phải đối mặt với nghịch cảnh, Chị không biết phải làm gì. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa, Chị trở thành một nữ tu truyền giáo ở Phi Châu. Sau 12 năm đi khắp đó đây để nói về về Lòng Thương Xót của Chúa, Chị gặt hái một mùa bội thu. Trong khi đó, ở nhà, người cha của chị bỏ nhà đi theo một người phụ nữ khác. Mẹ bịnh nặng, em gái phải bán thân nuôi mẹ. Khi về thăm nhà, chị quay quắt trong ý nghĩ: “Chúa ơi, tại sao con dấn thân cho Chúa. Con hết lòng với giáo Hội, con đâu có làm gì sai mà Chúa lại để cho gia đình con như thế?…Con phải làm gì? Con không thể tiếp tục đời tu, tiếp tục an phận trong nhà Chúa trong khi gia đình con, em gái con phải chịu …”. Rồi chị chạy đến với Chúa. Quỳ trước nhà tạm, chị đã nói với Chúa và nghe tiếng Chúa nói với chị: “Chúa ơi! Con đường Chúa đã đi là con đường đau thương, con đường của tủi nhục và Chúa đã dùng con đường ấy để Cứu Độ nhân loại ư?” – “Đúng vậy con à, và con chỉ có thể tiếp tục con đường ấy bằng tình yêu”. Rất tiếc, truyện Con đường ấy đã có những nhận thức rất sai lạc khi so sánh cô em gái bán thân nuôi mẹ “là của lễ đẹp nhất mà em đã dành cho mẹ và chị mình. Cũng như Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống mình làm hiến lễ cho Cha và nhân loại.”. Sao có thể so sánh sự hy sinh cứu độ nhân loại của đức Giêsu với hành động làm điếm của một cô gái để có tiền lo cho mẹ?!

3. Linh Mục là hiện thân Lòng Thương Xót

Có 11 truyện viết về đời Linh mục ở nhiều miền đất sống và trong nhiều hoàn cảnh. Bão biển là nỗi đau xót và bất lực của cha xứ trước cơn bão tiền đang tàn phá xứ đạo. Người ta còn muốn mua cả nhà thờ để làm resort du lịch. Con sói rừng kể về cuộc đời cha Trần Cao Nguyên. 30 năm ngài sống với dân làng Churu. 20 năm làm Linh mục, ngài đi khắp buôn làng gieo hạt giống đức tin, giúp dân canh tác, chữa bịnh cho dân. Người bị bọn lâm tặc sát hại. Truyện Linh mục điên là hình ảnh một Mục tử hết lòng lo cho con dân. Sau khi tiến chức Linh mục, Cha Hoàng về coi xứ. Ngài làm nhà tình thương cho người nghèo, góp tiền cứu người bịnh. Cách làm của ngài bị giáo dân phản đối, cô lập và hành hung. Tòa Giám Mục phải đón cha về và giúp cha giải quyết những vấn đề giáo dân khúc mắc. Người ta bảo ngài bị điên. Người ta đã không hiểu tình yêu sâu thẳm trong trái tim ngài dành cho giáo dân.

Các truyện trên đều tập trung làm rõ nét chân dung Linh mục là hiện thân của Đức Giêsu, và sức mạnh cảm hóa của Linh mục là sức mạnh Lòng Thương Xót của Chúa. Các tác giả đã đi sâu vào nhiều cảnh đời bi kịch, ngang trái, đau thương, từ đó làm sáng lên vẻ đẹp người Mục tử vì đàn chiên. Những tên trộm, cướp là những kẻ nguy hiểm. Đã có lúc Linh mục phải đối mặt với chúng. Bằng Lòng Thương Xót của Chúa, Linh mục đã thuần phục được chúng và đưa chúng trở về với đoàn chiên (Tết thương xót, Linh mục và tên cướp). Linh mục cũng là người chia sẻ được tiếng lòng của phận đời gái điếm và trai bao và đưa họ về bến bình yên trong trái tim giàu Lòng Thương Xót của Chúa (Hoa nở giữa đêm, Khóc). Ở một lĩnh vực khác, đời Mục vụ không dễ dàng chút nào khi Linh mục phải coi sóc trong những giáo xứ có những gia đình rối. Người giáo dân khủng hoảng đức tin, bỏ đạo, căm thù cả người Công giáo (Tìm chiên lạc). Thật xúc động khi vị Linh mục quỳ xuống với Lòng Thương Xót mà xin lỗi người giáo dân (dù rằng lỗi đó không phải do ngài gây ra), nhờ đó, Lòng Thương Xót của Chúa thấm vào linh hồn họ, làm dịu mát những cơn lửa cháy thù hận, đưa họ về với Chúa. Có thể nhận thấy chính nhờ Lòng Thương Xót của Chuá cùng với sự kiên trì và đức khôn ngoan mà những Mục tử của Chúa đã giúp giáo dân củng cố đức tin. Họ nhìn thấy Chúa ở ngay trong đời sống, nhất là trong những tình cảnh trái ngang, không dễ tha thứ.

Tuy vậy, từ góc nhìn của giáo dân, các tác giả cũng mong muốn Linh mục thực sự dấn thân vì đoàn chiên. Tác giả của truyện Tiếng lòng Sơn la kể về tình cảnh một người con dân tộc Thái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Nhà nghèo, bố hai đời vợ. Học xong 11 Nó phải bỏ học vào Nghệ Tĩnh làm ăn rồi quen và yêu một người Công giáo. Được 8 tháng thì gia đình bắt về nhà lấy vợ. Gia đình ép nó từ bỏ đức tin mới nhen nhóm. Càng hiểu Đạo, nó càng thấy thương gia đình hơn. Tiếc là gia đình nó hiểu lầm về đạo một cách tai hại! Nó thấy Đức Giêsu biến đổi nó qua từng chặng đường đời Tình Yêu của Ngài là bất diệt! Tác giả kết truyện bằng lời kêu gọi chua chát này: ”Tôi chưa từng thấy bạn trẻ Công giáo nào có niềm tin đơn sơ mà mạnh mẽ như bạn trẻ “ngoại Đạo” này. Tôi cũng thấy hổ thẹn! Lẽ nào các môn đệ Đức Giêsu không dám bước ra khỏi những vỏ ốc thành thị tiện nghi hay những lũy tre xứ Đạo ấm êm ở miền xuôi để trải nghiệm Niềm Vui của Tin Mừng trên những bản làng bao la bát ngát, để nghe tiếng hát cầu mưa của đồng bào Thái vang vọng núi rừng…”

Truyện Linh Mục điên làm người đọc phải suy nghĩ về cách sống đời Mục vụ của Linh mục. Hai Linh mục là bạn cùng học, cùng đi coi xứ. Một người thì đi xe con tiền tỷ, vẻ vang. Một người góp hết tiền và công sức lo cho người nghèo, lại bị coi là điên. Truyện phản ánh nhiều vấn đề của thực tại. Tình trạng Linh mục bị thế tục hóa, và tình trạng mục tử dấn thân vì đoàn chiên lại bị cô lập, phản đối, thậm chí còn bị hành hung. Đọc xong truyện, dư vị rất đắng kết lại trong lòng người đọc. Có cả những nỗi bất an cho Giáo hội.

4.Khác tôn giáo làm trở ngại tình yêu hôn nhân.

Chủ đề này đã được nói đến nhiều. Có khi là bà nội, là mẹ chồng không bằng lòng, có khi là bố chồng, đơn giản vì con trai, hoặc cháu đích tôn theo đạo thì không có người lo hương hỏa cho ông bà, thành ra bất hiếu (Chiều xuống êm đềm, Người lo hương hỏa, Tình yêu nhờ Mẹ, Sữa đức tin). Cũng có khi vì một ngộ nhận hay ác cảm tôn giáo nào đó, mẹ chồng hay bà nội đã gây ra những bi kịch đau thương trong gia đình. Trong truyện Vợ đạo, người chồng bị bạn khích bác, vợ đạo chi cho khổ, anh ta sinh ra rượu chè và bắt vợ bỏ thai. Nhân vật bà nội trong Bông hoa buôn làng là người sùng đạo Phật, bà có thành kiến đặc biệt về tôn giáo. Hành xử của bà cực kỳ độc đoán và quyết liệt, làm con cháu khổ không sao kể xiết.
Có truyện giải quyết vấn đề bằng hình ảnh người vợ ẩn nhẫn cầu nguyện, sống đức tin, tỏa sáng đức ái mà cảm hóa mẹ chồng (Sữa đức tin, Người lo hương hỏa). Có trường hợp nhờ đến ơn lạ của Đức Mẹ Hằng cứu giúp (Tình yêu nhờ mẹ).
Thực ra ngày nay, người bên lương không còn ngộ nhận về việc bỏ thờ cúng ông bà khi cho con lấy vợ lấy chồng theo đạo Công giáo. Việc phản đối hôn nhân khác đạo xuất phát từ tâm thế người bên lương bị bắt buộc, bị mất thế, khi đạo Công giáo bắt buộc con cháu họ phải theo đạo. Họ cho rằng đó là ý thức thực dân phương Tây đối với các tôn giáo khác ở Việt Nam trước kia. Cũng có một thực tế ngược lại là, họ cho con theo đạo dễ dàng, nhưng ngay sau ngày cưới, người vợ hay người chồng khác tôn giáo ấy đã bỏ đạo mà không ai có thể giúp để nuôi dưỡng đức tin cho họ.

Cả hai trường hợp: cấm đoán hoặc theo đạo cho hợp với luật hôn nhân Công giáo rồi bỏ, đều là những vấn đề rất khó đối với những gia đình khác tôn giáo. Chỉ có cách sống nhân chứng đức tin, tỏa sáng đức ái như trong truyện Sữa đức tin, Người lo hương hỏa thì mới có thể giữ vững hạnh phúc trong những gia đình hôn nhân khác đạo.


5. Bảo vệ sự sống

Các truyện viết về bảo vệ sự sống năm nay gây được nhiều ấn tượng trong kỹ thuật viết, đồng thời chủ đề có ý nghĩa cảnh báo mạnh mẽ.
Truyện Người tốt cảnh báo việc chọn lựa giới tính của thai nhi. Các xét nghiệm y khoa không thể bảo đảm chắc chắn sinh mệnh một con người. Lấy chồng được nửa năm thì Thủy có bầu. Đi siêu âm thai tuần thứ 14, bệnh viện kết luận nên “đình chỉ thai”, vì nguy cơ lưu thai cao. Đứa bé khó sống được, hoặc bị dị tật rất nặng nề. Thủy hết sức lo lắng. Cô đến hội chẩn ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trưởng ban hội chẩn kết luận: “Em bé sinh ra có khả năng dị tật”. Nhưng Thủy quyết giữ đứa con. Và, cháu bé sinh ra kháu khỉnh, chẳng có dị tật gì! Trong khi người bạn ân nghĩa của Thủy là Chi, đã mấy lần bỏ thai vì siêu âm thai nhi là gái. Gia đình chồng Chi nuốn có con trai. Lần này Chi lại bỏ thai, đáng thương thay đó lại là con trai! Chi nằm bẹp suốt một năm. Mỗi lần Thủy đến thăm, cô chỉ khóc. Rồi Chi lại nhờ Thủy mang thai hộ, vì tin chắc sẽ là con trai. Chỗ ân nghĩa, Thủy không thể từ chối. Kết quả, Thủy lại sinh cháu gái. Chị hy vọng đứa con sau này cũng có lòng tốt như mẹ nuôi nó. Hạn chế của truyện là tính tư tưởng mờ nhạt. Tác giả không giúp cho nhân vật Chi ý thức tội ác ghê gớm mình đã gây ra và hậu quả sẽ phải gánh chịu. Ngòi bút chỉ miêu tả ở mặt hiện tượng.

Truyện Nghiệp chướng cũng vi phạm tính tư tưởng như vậy. Bà Thu Nghĩa địa là người chôn cất thai nhi, bà có cô con gái đang học Đại học Y khoa Thái Bình năm thứ 3. Hôm ấy, bà đi thăm con. Ghé thăm nhà thờ Thái Hà, bà được nhóm Bảo vệ sự sống và nhóm Lòng Thương Xót đón tiếp. Đang nói chuyện, có người mang cho cha sở hộp thủy tinh đựng thai nhi và 1 lá thư. Cha nói, đó là cô sinh viên Y khoa Thái Bình, năm 3, bị lừa tình, không muốn giữ cái thai. Bà nhìn lá thư mà khuỵu xuống (vì bà biết cô gái đó là con bà). Đặt nhan đề truyện là Nghiệp chướng, phải chăng tác giả muốn nói rằng, việc con gái bà Thu nạo phá thai là nghiệp báo bà phải chịu khi bà làm công việc chôn cất thai nhi? Cứ theo thuyết nhân quả nhà Phật, thì bà Thu làm việc tốt, lẽ ra bà phả được nhận quả tốt, sao lại bị trả báo? Trong thực tế, Bà Thu là người Công giáo tốt. “Bà được tuyên dương là giáo dân tiêu biểu trong thực thi bác ái của Giáo hạt và cô con gái sinh viên năm 3, là ơn từ trời xuống”, chẳng lẽ tác giả không có giải pháp nào giúp nhân vật giữ được đức tin và đem Tin Mừng đến cho các bạn trẻ cùng trang lứa hay sao? Xin hết sức thận trọng khi viết về những vấn đề tư tưởng và tâm linh. Nhất thiết phải xem xét cặn kẽ ở góc độ xã hội và soi chiếu bằng tư tưởng Nhân văn Công giáo. Không suy diễn, áp đặt thiếu cơ sở và thiếu đức tin như vậy.

Truyện Giấc mơ mặt người là những giấc mơ của một gái điếm đã 4 lần phá thai. Cô gần 30 tuổi, đạo gốc, có nhan sắc, ở Tây nguyên vào Sàigòn, rồi bỏ đạo. 10 năm đánh mất đức tin là 10 năm làm gái. Lần hủy thai thứ 5, cô vào nhà thờ xưng tội, rồi về nhà mẹ. “Cuộc đời nàng đang dần dần an yên hơn trong sự thứ tha. Sự thứ tha mênh mông của Đấng Quan phòng và của mẹ nàng”. Tuy có thấy nhẹ lòng được một chút nhưng lương tâm cô không thôi day rứt: “Làm sao để xé toạc hết những quá khứ đau buồn một cách dễ dàng như người ta dễ dàng xé vụn từng tờ giấy nháp.”Truyện giàu tính văn chương. Tuy vậy, tác giả chưa lý giải con đường sa ngã của nhân vật, cũng như chưa miêu tả sâu sắc ơn tha thứ cô gái nhận được để có thể thấy nhẹ lòng. Khuôn mặt những đứa trẻ bị cô tước đoạt sự sống vẫn hiện ra trong giấc mơ của cô. “đó là điềm báo cho sự trả giá về một tội ác khó có được sự dung thứ mà nàng đã gây ra”. Phải chăng tác giả mượn thuyết nhân quả của nhà Phật? Nếu tác giả viết sâu sắc hơn về tội ác hủy diệt sự sống, và cảm nhận tâm linh về ơn tha thứ của nhân vật, thì truyện sẽ mang đến những giá trị đặc sắc hơn.

Đường về nhà là truyện thứ hai nhằm quảng bá cho nhóm bảo vệ sự sống và Nhà mở Thái Hà.Vợ chết sớm, Ông Chánh Trương ở vậy nuôi con 20 năm. Vậy mà, Sương con gái một, lại hoang thai. Ông Chánh đuổi Sương khỏi nhà. Sương lang thang và gặp nhóm bảo vệ sự sống ở Thái Hà. Sương được vào Nhà Mở sinh con. Sau 2 tháng, Sương xin được việc làm nuôi con. Một hôm đi lễ, Sương gặp lại cha sứ. Sương trở về trong hạnh phúc được ông Chánh tha thứ. Truyện có cái kết vui và thỏa đáng. Nhưng tôi e rằng, các cô gái trẻ khi đọc truyện này thì yên tâm rằng, cứ sống hoang, khi cần thì đã có Nhà mở. Tác giả không chỉ ra lỗi lầm của cô gái và sự ăn năn thống hối của cô để đáng được tha thứ. Bởi sự tha thứ chỉ nhận được khi người con hoang trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (Luc 15, 11-32) nhận rõ con đường về nhà Cha là con đường duy nhất nhận được sự tha thứ.

6. Sống đạo giữa đời thường.

Có 20 truyên viết về nhưững vấn đề sống đạo giữa đời thường. Mặc dù có hướng về Lòng Thương Xót, song tác giả đặt ra những vấn đề người Công giáo đang phải đối mặt hàng ngày.

Trước hết là những cảnh báo về tình trạng đức tin, đạo lý, lối sống của Công giáo đang bị đánh phá dữ dội. Trước đây, gia đình Công giáo là thành trì yêu thương bảo vệ con người, nay cái thành trì ấy trở nên chông chênh và đầy dẫy thù hận. Đó là cảnh con đấu tố cha trong Cải cách ruộng đất (Trở về), Con gái đạo gốc đi làm gái (Giấc mơ mặt người), Con gái sa vào ăn chơi rồi phá thai (Đường về). Con gái ông Chánh trương hoang thai (Đường về nhà), con bà Thu, được tuyên dương là giáo dân tiêu biểu trong thực thi bác ái của Giáo hạt, cũng hoang thai và hủy thai (Nghiệp chướng), Mẹ chửa hoang rồi con gái lại chửa hoang (Chỉ cần bắt đầu lại), vợ ngoại tình (Không bao giờ muộn để tha thứ), chồng bỏ vợ con sống với người đàn bà khác dẫn đết tình trạng các con chao đảo đức tin (Cát bụi). Bỏ đạo theo Đảng để thăng tiến (Cửa đợi), được lên chức trưởng phòng thì bỏ nhà thờ (Mưa trái mùa). Có cả trường hợp con xì ke giết cha để cướp tượng Chúa bằng đồng. Nhưng con chưa kịp bán tượng thì vào tù (Lời chuông chiều)…

Có thể thấy các tệ nạn và tội ác xã hội đã tràn vào gia đình Công giáo, nhưng Giáo hội chưa có giải pháp nào ngăn chặn và các tác giả cũng bất lực trong việc bảo vệ nhân vật, ngoài giải pháp kêu gọi sự trở về để được ơn tha thứ!? Cần phải thấy rõ Chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa Duy vật, chủ nghĩa Thực dụng và chủ nghĩa Cá nhân vị kỷ như những cơn bão dữ đang tàn phá xã hội Việt Nam, và người Công giáo cũng bị cuốn vào trong đó. Cần phải hành động để bảo vệ gia đình thay vì chỉ nghĩ đến phép lạ (Đường về, Họa sĩ, Một nửa giấc mơ, Chỉ cần bắt đầu lại), và cầu xin Lòng Thương Xót (Không bao giờ muộn để tha thứ, Cửa đợi, Chỉ cần bắt đầu lại…)

Phần sáng của cuộc thi là những truyện ghi nhận sự tỏa sáng Tin Mừng trong đời thường. Truyện Động lực kể về một người làm Ô sin cho một gia đình vợ chồng đã ly dị, nhưng người Ô sin tông đồ ấy đã kéo được cả gia đình nhà chủ về với Chúa. Tim đèn leo lét là câu truyện truyền giáo của một cô giáo ở vùng Gia Lai, xa xôi và khó khăn.

Bàn tay vô hình kể truyện một thanh niên trong tình cảnh mẹ chết, bố có vợ hai. Bố say xỉn đánh anh, anh bỏ đi bụi. Rồi khi gặp được tình yêu, anh lại bị từ chối vì thân phận bụi đời. Tuyệt vọng vì thất tình, anh đã tự tử. Anh được một người chài có đạo cứu vớt. Ba ngày trên thuyền, sống và làm việc cùng hai vợ chồng người chài, anh quan sát cách sống và đức tin cùa họ. Anh nhận thấy, dù cuộc sống của họ có gian nan, họ vẫn bình an và hạnh phúc là nhờ ở đức tin vững mạnh. Anh cũng mong ước có được cuộc sống như thế. Khi thuyền cập bến, anh nhận được tin nhắn của cô gái người yêu và cha anh, họ vẫn yêu thương và cần anh.

Dấu chân là hành trình lập nghiệp cũng là hành trình sống đạo. Quê anh nghèo, anh đưa chị và 3 con vào Nam lập nghiệp. Nơi anh ở cách rất xa nhà thờ. Cuộc sống khó khăn hết sức. Lâu lắm rồi anh chị không đi lễ, không xưng tội. Có lần anh bị người ta đánh vì nghi ăn cắp gà. Mãi sau anh mới được minh oan. 10 năm xa quê, anh về thăm quê thì cha đã mất. Anh trở về Nam cùng với mọi người làm nhà nguyện sau đó xin thành lập giáo họ và nhận thánh Antôn làm quan thầy bổn mạng. Cuộc sống của anh bây giờ đã thấy ánh sáng.

Các truyện ngắn trên đã khám phá được điều này, trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn (làm Ôsin, dạy học, nghề chài lưới, hay lập nghiệp tay trắng), người Công giáo vẫn có thể sống đức tin và phúc âm hóa môi trường xung quanh mình, tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, giúp người khác tìm thấy niềm tin yêu. Chắc chắn những gương sống đạo như thế có rất nhiều, và người viết văn Công giáo cần khám phá đời sống chứng nhân của họ.

Tuy vậy, trong những truyện này, cũng có truyện thể hiện một đức tin chưa kiên vững, nếu không nói rằng trong hoàn cảnh đau khổ, nhân vật đã chông chênh trên ngay chỗ đứng đức tin của mình.

Cát bụi là truyện người con kể về tình cảnh gia đình của cha, mẹ. Cha mẹ lấy nhau theo phép đạo và sống hạnh phúc. Khi cha đi làm xa, ông có người đàn khác, có con riêng. Mẹ đã quậy nát gia đình. Nỗi hờn ghen và căm giận khiến bà không thể tha thứ. Trước khi chết, người cha đã nhận lỗi và mong được gặp Linh mục để xưng tội. Ông đã ra đi trong tiếng kinh cầu nguyện của gia đình sau khi được xức dầu. Người mẹ cho đến khi đã già vẫn không thể tha thứ. Tác giả đặt nhiêu câu hỏi hoài nghi: Hoài nghi lúc cầu nguyện: “Mẹ giống nội, lần chuỗi cầu nguyện hàng đêm nhưng không biết phải cầu thế nào cho phải? Cầu cho chồng quay về. Còn người phụ nữ kia, đứa bé kia?”. Hoài nghi lòng thương xót của Chúa: “Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi khổ ải. Nhưng con người khổ ải vì điều gì? Bệnh tật, miếng cơm manh áo, hay những rối ren đau buồn vì chuyện tình cảm tréo ngoe? Rồi Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai? Kẻ thù của ta là ai? Là người chống ta, ghét ta, làm điều xấu cho ta hay là người ta thương, ta yêu, từng yêu ta nhưng rồi làm ta đau khổ? Xác định kẻ thù thật không dễ. Sao kẻ thù lại là người ta yêu được?”Tôi nghĩ, tác giả nên đọc kỹ Kinh Thánh để tìm câu trả lời cho nhân vật của mình. Nhân vật đặt vấn đề: ”không biết phải cầu thế nào cho phải?”. Câu trả lời là: Chúa Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Mt 6, 9-13), Nhân vật lại trăn trở: ”Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai?”. Xin hãy chiêm ngắm, trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã kết án và đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nếu nhìn bằng ánh sáng của Lòng Thương Xót, tác giả có thể tránh cho nhân vật những bế tắc, sai lạc.

7.Con đường sáng tạo

Sự phân biệt giá trị giữa các truyện là ở nghệ thuật dựng truyện. Nhiều tác giả tỏ ra là những cây bút có nghề, và ngược lại, người mới tập viết văn thì không tránh được sự non tay trong xử lý các yếu tố của tác phẩm. Có người biết nhào nặn vốn sống để làm nên những hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ. Và đặc biệt là ở những truyện giàu chất văn chương, “chất văn” hiện lên trong từng câu chữ, từng trang văn, lấp lánh những màu sắc thú vị, mê hoặc.

Cuộc chiến bảo vệ Mình Thánh, Phòng răng miễn phí, Bài ca của trái tim và Gã khờ, nhỏ H và câu chuyện rađiô là những câu truyện vui. Truyện Cuộc chiến bảo vệ Mình Thánh là một truyện trinh thám có cái ngây ngô trẻ con. Độc giả trẻ con chắc rất thích câu truyện có tính mạo hiểm này, nhưng với độc giả người lớn, thì những tình huống “giật gân” trong truyện chưa đủ thuyết phục. Gã khờ, nhỏ H và câu chuyện rađiô là truyện mang khẩu vị teen. Tác giả có cách viết tự nhiên và hiện đại. Những cảm xúc tinh tế, ý nhị có sức lắng sâu trong lòng của người đọc. Phòng răng miễn phí lại là một ẩn dụ vui, và Bài ca của trái tim là tâm trạng của ngón thay thứ 6 (ngón thừa trên bàn tay cô gái) được nhân hóa để thể hiện một chủ đề tư tưởng sâu sắc và một cái nhìn nhân ái, cái nhìn hướng về phía tích cực. Truyện giàu chất văn chương và tư tưởng. Ngón tay thứ sáu hay những dị dạng, khuyết tật không phải là xấu, mà đều được Chúa yêu, bởi vì: “Con là kết quả Tình Yêu của Ta. Con độc đáo. Con duy nhất. Con không thể là ai khác cho dù con bắt chước.Ta cần con”.

Trong 55 truyện dự thi, nhiều truyện còn ở dạng ký, tác giả chỉ mới ghi lại sự việc, theo thứ tự thời gian, không gian như trong một bài tường thuật, tính truyện còn nhạt. Cành nho của Chúa, Thầy Lêvi, Bông hoa buôn làng, Đường về nhà, Tim đèn leo lét, dấu chân…gần như là một ghi chép của người trong cuộc, chưa có bóng dáng của sự sáng tạo. Vì thế, chủ đề, tư tưởng không hiện lên được, truyện ít hấp dẫn.

Cũng có truyện lời kể như văn nghị luận. Ở các truyện Một đời tạ ơn, Tâm nguyện cuối cùng, Những con chiên của Chúa, Lời chuông chiều, Bài ca của trái tim, Điểm hẹn Giêsu, người đọc dễ nhận ra những đoạn Văn nghị luận trong cách kể. Tác giả nêu một nhận định (câu chủ đề) trước rồi sau đó kể truyện chứng minh cho chủ đề ấy. Xin lưu ý rằng, kiểu tư duy nghệ thuật trong văn chương (tư duy hình tựơng) rất khác kiểu tư duy logic trong nghị luận. Và câu văn nghị luận cũng có những đặc điểm riêng.
giải nhì: truyện Hoa Nở Giữa Đêm, tg Đặng Hoàng Hương Giang;  3 giải ba: -Maria Ng.T. Thu Thảo, truyện Tìm Chiên Lạc; Maria Ng.T. Khánh Liên, truyện Cát Bụi và Vinh Sơn Chung Thanh Huy, với truyện Bão Biển


Cấu trúc truyện theo dòng tâm trạng đã thịnh hành từ thời Nam Cao trước 1945. Trong 55 truyện, nhiểu truyện chỉ là dòng tâm trạng của nhân vật. Thiếu sự vận động của cốt truyện và sự phát triển số phận của nhân vật, truyện trở thành một dòng chảy miên man, đơn điệu. Bão biển là tâm trạng lo lắng của cha sở trước cơn bão tiền đang tàn phá giáo xứ. Cát bụi là nỗi lòng đầy bức xúc của người con trước tình cảnh gia đình bị nhấn chìm trong thù hận của cha mẹ. Khóc là dòng hồi tưởng những sự việc trong cuộc đời của “Hắn”, một gã trai bao. Hy vọng cũng là hồi tưởng của Con Mén về tình cảnh gia đình nó bị bà nội bắt má bỏ đạo, và tâm trạng vui của nó khi được tía nó hứa cho đi học giáo lý bên nhà thờ. Cách viết tập trung miêu tả nội tâm chịu ảnh hưởng của Nam Cao, đặc biệt là trong các truyện Động lực, Điểm hẹn Giêsu.

Cũng có tác giả đã chọn đề tài quá sức mình. Chưa trải nghiệm cũng chưa tích lũy đủ vốn sống của những giai đoạn lịch sử trước kia, tác giả không thể viết được những truyện lịch sử, tư tưởng vừa hấp dẫn, vừa thuyết phục.

Trở về có một phân đoạn dựng lại cảnh con đấu tố cha trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc những năm 1953-1956, cách đây hơn 60 năm. Người con là một “thằng nhóc” đã kể tội cha trước “tòa án nhân dân” như sau: ”Hàng ngày, ông cấm tôi không được đi chơi trọi chim, ném đá, tắm sông với bọn trẻ con nhà nghèo. Ngày nào ông cũng bắt tôi phải học. Biết bao lần ông dùng roi mây mà đánh tôi, chảy cả máu mông chỉ vì tôi trốn đi chơi. Ông đã hành hạ tôi suốt bấy nhiêu năm trời, ông là tên địa chủ tồi tệ, ông không xứng là cha tôi” sau đó người cha bị xử bắn. Đấu tố địa chủ trong Cải cách ruộng đất không đơn giản như vậy. Hẳn “thằng nhóc” đã không biết được chất “địa chủ” của cha mình dẫn đến việc ông phải nhận cái chết, dù rằng trong Cải cách ruộng đất, nhiều người không tránh được nỗi oan khiên. Tôi nghĩ, tác giả cần nghiên cứu kỹ lịch sử, hoặc tìm hỏi những cụ năm nay trên 70 tuổi, đã sống sót qua những tháng ngày đầy máu và nước mắt ấy, nghe các cụ kể lại, rồi dựng truyện thì mới có thể thuyết phục được người đọc.

Truyện Cửa đợi viết về một vấn đề rất “nhạy cảm” là, người Công giáo bỏ đạo theo Đảng, sau sám hối, trở về. Sự “nhạy cảm” là ở chỗ, tại sao theo Đảng là “có tội” phải sám hối? Có phải điều ấy xuất phát từ những định kiến lịch sử trong mối quan hệ giữa Công giáo và Đảng Cộng sản Việt Nam trước Công đồng Vaticanô II? Hay bởi thực tại lịch sử hàng trăm năm, đạo Công giáo bị coi là thế lực tiếp tay cho Pháp xâm lược Việt Nam, rồi trở thành một thực thể chính trị “chống Cộng”ở miền Nam trước 1975?. Đó là những vấn đề của lịch sử. Ngày nay Giáo hội Công giáo Việt Nam đã “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, Nhà Nước đã có Pháp lệnh về tôn giáo (số 21/2004/PL-UBTVQH 11, ngày 18 tháng 6 năm 2004), tôn trọng quyền tự do tôn giáo (điếu 1), tôn trọng những giá trị tôn giáo (điều 5), không phân biệt đối xử với người có tôn giáo tín ngưỡng (điều 8)…

Và trong nhận thức, tôn giáo được coi là một thành tố văn hóa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế những nghi ngại về mối quan hệ giữa Nhà Nước và tôn giáo (nói chung), và Công giáo (nói riêng) không còn là những cản trở việc sống đạo của người Công giáo như trước kia. Hãy nhìn ngắm Giáo hội Công giáo ở miền Bắc trước và sau năm 1975, người Công giáo đã sống đạo dù có thể là âm thầm nhưng rất mãnh liệt, dù hoàn cảnh chính trị và chiến tranh rất khốc liệt? Cửa Đợi đã không xử lý vấn đề trong tầm nhìn lịch sử như thế, thành ra, truyện khó được chấp nhận. Đức Giêsu nói với Pilat: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”(Ga 18, 36), cần phải lấy tư tưởng này trong Kinh Thánh để xác lập chủ đề tác phẩm.

8.”Chất văn” của tác phẩm văn chương

Cuộc thi khởi sắc ở những truyện giàu “chất văn”như: Giấc mơ mặt người, Bàn tay vô hình, Hoa nở giữa đêm, Gã khờ, nhỏ H và câu chuyện rađiô, Ánh sao đêm,…

“Chất văn” là gì? Đó là phẩm chất nghệ thuật (tức là sự sáng tạo cái Đẹp) thể hiện trong cấu trúc truyện, trong nội dung, chủ đề, tư tưởng; trong hình tượng nhân vật, trong việc miêu tả bối cảnh bên ngoài và khám phá thế giới tinh thần bên trong của con người trước những tình huống của cuộc sống. Chất văn còn thể hiện ở từng câu chữ, từng trang văn, ở giọng kể và phong cách tác giả…

Có truyện chất văn ánh lên ở mặt này, mặt khác; tuy vậy, chưa truyện nào đạt được sự sáng tạo nghệ thuật trọn vẹn, mẫu mực. Giấc mơ mặt người khá hay ở cấu trúc truyện, ở hình tượng nhưng lại non yếu về tư tưởng. Bàn tay vô hình là một truyện có hậu, một bi kịch vui, nhưng chính cái “có hậu” lại lộ ra sự sắp đặt thiếu tự nhiên của tác giả. Hoa nở giữa đêm viết thật cảm động về tình yêu thương của Linh mục đối với trẻ mồ cô và “gái điếm lương thiện” để sáng lên chủ đề Lòng Thương Xót. Hình ảnh cha sở ở bên quan tài cô gái trong nhà thờ buổi tối trước ngày an táng là chi tiết lãng mạn, nếu giáo dân nhìn bằng con mắt hiện thực, vị Linh mục có thể sẽ bị ngộ nhận. Gã khờ, nhỏ H và câu chuyện rađiô hấp dẫn ở tình tiết câu truyện, ở chất teen trong cách kể và ở những tinh tế thú vị đàng sau câu chữ. Tôi thích ý nghĩ này của nhân vật: “Chỉ cần một suy nghĩ, một ánh mắt, nụ cười, một hành động quan tâm nho nhỏ thôi cũng thay đổi được ai đó và thay đổi cả thế giới, để tôi nhận ra lòng Thương Xót Chúa vẫn hằng luôn ủ ấp những ai biết chạy đến cùng Ngài, như gã.” Tác giả của Ánh sao đêm dựng truyện như một nhà văn chuyên nghiệp. Cách ngắt các phân đọan tạo ra sức gợi. Cảnh sắc thiên nhiên có cái đẹp của tâm trạng. Sử dụng đối thoại vừa phải để kể chuyện. Tuy vậy, chi tiết ông Tuấn nhặt chứng minh thư của em chưa thật sự đủ mạnh để tạo nên những biến đổi trong lòng Bs Ly, nhất là người em ấy đã chết, thì chuyện ân nghĩa chỉ còn là kỷ niệm.

Xét trong tương quan cấu trúc, tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm. Nếu truyện sai lệch về tư tưởng, thì các yếu tố khác, dù có hay, cũng không cứu vớt được. Chọn lựa, Nghiệp chướng, Cửa đợi, Giấc mơ mặt người là những truyện có sự sai lệch về tư tưởng, tạo ra sự tiếc nuối của người đọc khi thưởng thức các tác phẩm này. Nếu sự lý giải của tác giả dựa trên ánh sáng tư tưởng Nhân văn Công giáo chắc chắn truyện sẽ đạt được những giá trị đặc sắc hơn.

9.Lời thưa

Tôi đã tham gia đọc các tác phẩm của Giải Viết văn đường trường được một vài năm. Điều làm tôi yêu quý là tâm huyết và nỗ lực của Giáo phận Quy Nhơn và Ban tổ chức trong việc xây dựng một nền văn chương Công giáo. Giải vừa để phát hiện tài năng văn chương Công giáo, vừa để góp phần làm cho Tin Mừng trở thành một thành tố của văn hóa dân tộc. Trong hành trình đi tới của cuộc thi, nhiều tác giả đã khám phá sâu sắc đời sống Công giáo, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội nhạy cảm. Nhiều tác giả đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng tha hóa đạo đức ngay trong gia đình Công giáo nhưng nhiều tác giã cũng ghi nhận được những mẫu gương người Công giáo sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ở góc nhìn nào, tác phẩm cũng để lại cho chúng ta nhiều điều suy gẫm.
Như vậy, chúng ta đã đặt được một cái nền vững chắc (đội ngũ tác giả, mục đích viết văn, khai thác hiện thực, lựa chọn bút pháp và hình thành phong cách…) chặng đường còn lại của Giải viết văn đường trường là sự khám phá sâu hơn đời sống người Công giáo “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, là hướng về kỷ niệm 400 năm truyền giáo tại giáo phận. Mỗi tác giả cần có bước đột phá về nghệ thuật viết truyện ngắn, đồng thời cũng ghi lại dấu ấn bằng một phong cách giàu phẩm chất thảm mỹ. Được vậy, chúng ta sẽ có một mùa hoa rất đẹp trong vườn văn học Công giáo, góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống cho thời đại và xã hội hôm nay.

Bùi Công Thuấn


(BBT xin chân thành cám ơn nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn đã giới thiệu bài đánh giá rất công phu về giải VVĐT 2016. Kính chúc tác giả sức khỏe và ơn thánh ! 

Các truyện đạt giải VVĐT 2016 được trích dẫn trong bài viết đang tiếp tục được cập.
(danh sách truyện đạt giải đã đăng trên: Fb https://www.facebook.com/vietvanduongtruong/posts/266384933755390).

Một số truyện, tuy không đạt giải nhưng được tác giả nhắc đến trong bài viết, BBT sẽ xem xét đăng lại trên  www.vanthoconggiao.net 

Để biết thêm các bài phê bình văn học của tác giả Bùi Công Thuấn, xin mời bạn đọc ghé thăm blog riêng: https://buicongthuan.wordpress.com/)